Năm ngoái, Redbubble, một sàn thương mại điện tử ở Australia, phải gỡ thông tin về một loại váy ngắn, túi vải bố và gối kê với những hình ảnh về nạn diệt chủng người Do Thái khỏi trang khi tài khoản Auschwitz Memorial (Tưởng nhớ trại tập trung Auschwitz) thể hiện sự phẫn nộ, Washington Post đưa tin.

Redbubble là một chợ trực tuyến toàn cầu có 845.000 người bán. Người bán những sản phẩm có ảnh về nạn diệt chủng người Do Thái không công bố danh tính. Họ đưa những hình ảnh trại tập trung Auschwitz ở Ba Lan, nơi 1,1 triệu người chết từ năm 1940 tới 1945 do sự tàn bạo của phát xít Đức trong Đại chiến thế giới thứ hai.

mau-ao-thun-vay-goi-co-hinh-trai-tap-trung-nguoi-do-thai

Các mẫu áo phông, váy và vỏ gối có hình ảnh về trại tập trung người Do Thái trong Thế chiến thứ hai trên trang Redbubble. Ảnh: Sky News

Ban quản trị sàn Redbubble khẳng định với tạp chí Fortune rằng họ phản đối những hành vi bạo lực và phân biệt chủng tộc, bao gồm tội ác diệt chủng trong những trại tập trung của phát xít Đức.

"Hàng ngày chúng tôi rà soát những sản phẩm liên quan tới bạo lực và phân biệt chủng tộc, và đã xóa ngay lập tức những sản phẩm mà Auschwitz Memorial phản đối. Chúng tôi xin lỗi vì đã để những sản phẩm như vậy lên sàn", ban quản trị Redbubble nhấn mạnh.

Mặc dù các tổ chức của người Do Thái hoan nghênh hành động kịp thời và lời xin lỗi của Redbubble, họ vẫn tỏ ra lo ngại về tình trạng thiếu ý thức trên diện rộng về nạn diệt chủng người Do Thái do Đức Quốc xã thực hiện. 

Robert Singer, Phó chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Diễn đàn Do Thái Thế giới, nói với Fortune rằng vụ việc chỉ là bằng chứng mới nhất về một xu hướng thương mại hóa những vật thể, hình ảnh có tính xúc phạm.

"Họ cố biến những biểu tượng về cái ác và thảm kịch của con người thành sản phẩm thời trang", ông Singer nói.

Ít nhất 3 vụ việc tương tự từng xảy ra trên thế giới, và thủ phạm là những nhà bán lẻ thời trang danh tiếng.

trai-tap-trung-auschwitz

Trại tập trung Auschwitz do phát xít Đức lập nên để giam cầm và tàn sát người Do Thái. (Ảnh: BBC)

Năm 2014, hãng Zara từng bán áo sơ mi mang "ngôi sao David", giống hệt những áo sọc và ngôi sao của tù nhân trong các trại tập trung của Đức Quốc xã. Hai năm trước đó, hãng Urban Outfitters cũng bán những áo sơ mi tương tự, khiến cộng đồng Do Thái phẫn nộ.

Năm 2017, Miu Miu, một hãng thuộc sở hữu của tập đoàn Prada, bán sản phẩm tương tự. Họ chỉ gỡ sản phẩm khỏi trang web sau khi một số người thuộc Diễn đàn Do Thái Thế giới gọi điện thoại để thể hiện sự bất bình.

Phần lớn các sàn thương mại điện tử bán lẻ không có đủ nguồn lực để chủ động theo dõi mọi nội dung trên web của họ. Đó là nhận xét của Greg Portell, một nhà phân tích của tổ chức nghiên cứu thị trường A.T. Kearney.

"Các chợ bán lẻ trực tuyến vận hành như một cộng đồng với tinh thần cởi mở với mọi người. Vì thế, những sản phẩm mang tính chất xúc phạm, phân biệt chủng tộc, bạo lực sẽ tiếp tục là thách thức đối với các mạng xã hội và nền tảng thương mại", Portel dự báo.

Sàn thương mại điện tử Redbubble thừa nhận thách thức mà Portell nêu ra.

"Chúng tôi không xem trước mọi ảnh mà người bán đưa lên trang web, bởi vài chục nghìn ảnh xuất hiện mỗi ngày", một người phát ngôn của Redbubble phát biểu.

Người phát ngôn nói thêm rằng, Redbubble có một nhóm giám sát viên cùng công nghệ của bên thứ ba để rà soát và xóa những nội dung trái với quy định, đồng thời xóa cả những người đưa nội dung đó lên trang.

"Mặc dù nhân viên của chúng tôi làm việc cần mẫn để phát hiện những nội dung trái quy định, họ vẫn có thể bỏ sót những sản phẩm không đạt tiêu chuẩn. Vì thế, chúng tôi mong cộng đồng báo cho chúng tôi những sản phẩm như thế trên trang", người phát ngôn nói.

Ngay sau khi Redbubble thông báo trên mạng xã hội Twitter rằng họ đã gỡ những sản phẩm có ảnh trại tập trung của phát xít Đức, Auschwitz Memorial lại thông báo họ tìm thấy một loại áo sơ mi có ảnh liên quan đến nạn diệt chủng người Do Thái.

"Áo sơ mi đó có ảnh của một nhân vật mang tên Bác sĩ Diệt chủng Do Thái", Auschwitz Memorial mô tả.

Theo Kinh Tế & Tiêu Dùng