Trận đấu bóng bầu dục nảy lửa giữa Kansas City Chiefs và San Francisco 49ers được Super Bowl LIV tổ chức vào đầu tháng 2 năm nay đã thu hút đến 102 triệu khán giả theo dõi.
Thế nhưng, đối với nhiều người thì khoảnh khắc đáng chú ý nhất trong buổi hôm đó chính là những giây phút dành cho quảng cáo.
Cứ mỗi 30 giây quảng cáo được trình chiếu trong Super Bowl thường tốn khoảng 5 triệu đô la.
Với mức giá này, từ lâu việc phát sóng quảng cáo tại Super Bowl đã trở thành một yếu tố không thể thiếu trong trận đấu.
Không khác với những năm trước, Amazon, Google, Audi, Bud Light, Budweiser, Heinz,.. đều là những thương hiệu chạy quảng cáo trong cuộc chơi này.
Điều đặc biệt chính là không chỉ những tập đoàn lớn tận dụng cơ hội để Marketing này mà kể cả TikTok, một ứng dụng xã hội được ra mắt vào năm 2017 và đạt mức độ tăng trưởng một cách chóng mặt, cũng đã chạy quảng cáo trong trận đấu đến 2 lần.
Đoạn quảng cáo trên chỉ là bước khởi đầu cho chiến lược thu hút số lượng lớn đối tượng sử dụng một cách đa dạng hơn, khi mà ứng dụng này vốn được yêu thích bởi các thanh thiếu niên nhưng hầu như không gây được tiếng vang trong thị trường người tiêu dùng ở độ tuổi trung niên.
Sau đây là cách mà TikTok lên kế hoạch để phát triển cơ sở người dùng của mình.
Tận dụng lượng lớn người theo dõi
Như đã nói trên, TikTok tận dụng 102 triệu người xem Super Bowl và cũng đang có kế hoạch chạy quảng cáo trong các trận đấu lớn khác.
Theo báo cáo của tạp chí Wall Street Journal, việc cố gắng xuất hiện tại Super Bowl năm nay có thể được xem là một cái đà cho TikTok tiếp cận các sự kiện thể thao, văn hóa, âm nhạc, thời trang và sắc đẹp khác.
Đại diện của TikTok tuyên bố rằng công ty sẽ tiếp tục thực hiện chiến dịch Marketing tại giải bóng rổ March Madness của Hiệp hội thể thao trường đại học quốc gia, một sự kiện thu hút 10,5 triệu người xem năm 2019 vừa qua cũng như quảng cáo trong Thế vận hội mùa hè tại Tokyo.
“Hiện nay, TikTok chính là một phần trong tư tưởng của thời đại này. Chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục thực hiện chiến dịch Marketing của mình trong các sự kiện lớn như thế này,” đại diện của TikTok cho biết.
Đối với công ty thiếu nguồn lực để quảng cáo tại Super Bowl hoặc Thế vận hội, thì việc tìm cách tiếp cận một lượng lớn khán giả là rất quan trọng.
- Vậy thì làm thế nào bạn có thể tiếp cận các đối tượng một cách nhiều nhất có thể bằng cách sử dụng các nguồn lực Marketing sẵn có?
- Đối tượng khách hàng nào mà bạn đang cố gắng thu hút?
Đây là những câu hỏi mà bất kỳ đội ngũ Marketing nào cũng nên tự hỏi.
Làm việc cùng các công ty khác
Quảng cáo thường được coi là việc mà một công ty trả tiền cho một công ty khác để tiếp cận được số lượng lớn đối tượng khán giả hơn.
Chẳng hạn như TikTok phải trả tiền cho kênh FOX để quảng cáo của mình được phát sóng trong Super Bowl.
Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu như quảng cáo không phải là một zero-sum Game (tình huống trong đó nếu một người thu được lợi ích thì người kia sẽ bị thiệt hại tương đương và ngược lại)?
Điều gì xảy ra nếu các nhóm Marketing có thể hợp tác để giúp cả hai bên?
Đây chính xác là những gì TikTok đang làm với các “hashtag challenges” trên nền tảng của mình.
Các thử thách của TikTok tạo điều kiện cho các thương hiệu mua vị trí quảng cáo trên nền tảng này, từ đó tăng lượt xem cho cả thương hiệu và công ty truyền thông xã hội.
“Theo giám đốc điều hành của một công ty quảng cáo, các hashtag challenges sở hữu vị trí nổi bật trên ứng dụng TikTok có thể tạo ra hàng trăm triệu lượt xem trên nền tảng nếu thành công.
Mùa thu năm ngoái, TikTok đã thu phí thương hiệu 150.000 đô la cho một hashtag challenge được tài trợ,” tờ Wall Street Journal cho biết.
Một trong những thương hiệu ví dụ cho câu chuyện trên là Kind, một công ty thực phẩm của Mỹ.
Kind đã phát động một cuộc thi với hashtag #kindsimplecrunchcontest, kêu gọi những người dùng TikTok đăng tải video làm nổi bật được âm thanh giòn “rắc rắc” của thanh snack.
Trong vòng 24 giờ, bài đăng gốc của Kind đã nhận được 18 triệu lượt xem.
Trang AdAge tiết lộ, TikTok chủ yếu thu hút các thương hiệu thiên về hình thức giải trí như Radio Disney (1,5 triệu người theo dõi) và Netflix (575.400 người theo dõi).
Các thương hiệu khác gồm Kind, Red Bull, Kit-Kat, Coca-Cola Nhật Bản, Mountain Dew, Huyndai và Chipotle cũng là những cái tên đang bắt đầu chiến dịch Marketing trên nền tảng này.
Đổi mới công nghệ quảng cáo
TikTok đã chứng tỏ được rằng mình có thể cạnh tranh với các nhà quảng cáo lớn nhất.
Để làm được điều này, TikTok đã phải liên tục đổi mới hệ thống Marketing của mình.
Theo Financial Times, chiến dịch Marketing của TikTok bao gồm việc tinh chỉnh các đối tượng mục tiêu, tự động hóa tốt hơn quy trình mua quảng cáo và xây dựng quá trình giám sát và xác minh của bên thứ ba các số liệu quảng cáo của mình.
Bằng cách này, công ty đang xây dựng công nghệ quảng cáo để đạt được sự tương đương độc quyền trong quảng cáo như Google và Facebook.
Thông thường, một công ty sẽ ngủ quên trên chiến thắng khi đạt được thành công trong một chiến lược Marketing nhất định, nhưng đối với TikTok thì họ luôn sẵn sàng để thử các công nghệ mới.
Blake Chandlee, người đứng đầu các giải pháp kinh doanh toàn cầu của TikTok cho biết:
“Chúng tôi nghĩ rằng mình có thể xây dựng nền tảng quảng cáo theo cách phù hợp với tương lai sẽ diễn ra của thế giới chứ không phải với những gì đã diễn ra trên thế giới.”
Đây là một chiến lược mà bất kì nhóm Marketing nào cũng có thể học tập theo.
Thay vì nhìn mãi vào vị trí mà mình đang đứng, hãy nhìn xem đâu là nơi bạn muốn hướng đến trong một, hai hoặc năm năm nữa. Đâu là nơi mà tương lai hướng bạn đến?
Như cấu trúc Marketing của TikTok cho thấy, trả lời những câu hỏi này chính là mấu chốt để tìm kiếm thành công.