Trước thực tế đó, nhóm sinh viên đến từ Trường ĐH Thủ Dầu Một (Bình Dương) đã sáng tạo nên hệ thống giám sát, điều khiển và cảnh báo cho vườn rau thủy canh hồi lưu sử dụng năng lượng mặt trời.
Dự án của nhóm vừa xuất sắc giành được giải nhất tại cuộc thi IoT Startup 2019 do Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao TP.HCM tổ chức.
Ám ảnh thực phẩm bẩn
Các thành viên nhóm không bạn nào học về chuyên ngành nông nghiệp nhưng ý tưởng đầu tiên đến từ Lê Quốc Trung, sinh viên ngành điện tử - tự động hóa.
Do đam mê trồng rau từ lúc nhỏ, Trung tự trồng rau trong vườn nhà để phục vụ nhu cầu rau sạch của gia đình vì ám ảnh rau chứa các chất hóa học tràn lan trên thị trường.
“Từ đam mê đó, mình tìm hiểu các phương pháp trồng rau sạch thì biết được phương pháp trồng rau thủy canh có nhiều ưu điểm và đã áp dụng rất thành công ở nước ta. Nhưng cũng từ khi tìm hiểu sâu thì mình nhận thấy có nhiều khó khăn trong quá trình chăm sóc rau theo hình thức canh tác này nên quyết định thực hiện dự án”, Trung chia sẻ.
Là sinh viên, chưa có nhiều mối quen biết nên Trung lân la tham gia vào các hội nhóm trồng rau thủy canh trên mạng xã hội, để kết nối với các chủ trồng rau.
Từ những mối quan hệ đó, Trung được đến tham quan từng vườn, cũng như được nghe những tâm tư của người trồng rau và hiểu rõ những khó khăn mà các chủ trồng rau thủy canh đang gặp phải.
Theo Trung, những khó khăn đó có thể kể ra như: người trồng khi muốn giám sát thông số môi trường phải ra tận vườn rau, không thể điều khiển và giám sát trạng thái hoạt động thiết bị trong vườn từ xa, tình trạng rau chết hàng loạt do máy bơm hỏng và mất điện đột xuất, việc ghi chép và xem thông tin về vườn rau còn nhiều bất tiện, khi muốn thiết lập thông số điều khiển cần bộ phận kỹ thuật hỗ trợ…
“Bên cạnh đó, phương pháp trồng rau thủy canh hiện tại sử dụng dung dịch vô cơ khiến người tiêu dùng nhầm lẫn và nghĩ đó là hóa chất, nên rất nhiều hộ gia đình đang tẩy chay rau được trồng bằng phương pháp thủy canh.
Nên đó cũng là vấn đề để nhóm cân nhắc khi nghiên cứu và sáng tạo hệ thống”, Trung cho biết.
Tích hợp nhiều tính năng
Hệ thống của nhóm với tên gọi Triac Farm, là ứng dụng giúp người trồng có thể giám sát các thông số môi trường trong suốt quá trình trồng rau như nhiệt độ, độ ẩm, độ pH, ánh sáng.
Ngoài ra, ứng dụng còn có thể giúp người sử dụng điều khiển tự động, giám sát trạng thái hoạt động thiết bị như máy bơm dung dịch dinh dưỡng, màn che, quạt điều hòa không khí, phun sương, đèn sinh học.
Các thiết bị sẽ được điều khiển phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng của cây. Hơn nữa, dự án này còn gợi ý cho người sử dụng các thông số tiêu chuẩn của một số loại rau cơ bản.
Trung đặc biệt nhấn mạnh: “Hệ thống tự động chuyển sang bơm dự phòng, cảnh báo khi máy bơm chính bị sự cố và sử dụng pin năng lượng mặt trời khi mất điện để tránh được tình trạng rau chết hàng loạt.
Hệ thống sử dụng dung dịch hữu cơ 100% từ trùn quế thay vì sử dụng dung dịch vô cơ như hiện nay khiến khách hàng bị nhầm lẫn và từ chối rau thủy canh. Không chỉ tạo niềm tin mà trồng bằng dịch trùn quế còn giúp tăng sản lượng rau”.
Cũng theo Trung, tính năng hỗ trợ người dùng trên ứng dụng “Triac Farm” giúp cho người trồng thuận tiện hơn trong quá trình chăm sóc như đề xuất PPM cho từng giai đoạn sinh trưởng của rau, lưu trữ và tra cứu tài liệu; người dùng có thể thiết lập thông số điều khiển các thiết bị trong vườn rau mà không cần bộ phận kỹ thuật.
“Hệ thống tự động điều khiển các thiết bị theo thông số môi trường để giúp rau phát triển tốt hơn qua từng giai đoạn, và có thể trồng được tất cả các loại rau.
Với hệ thống này, tụi mình tự tin có thể giải quyết được các vấn đề của trồng rau thủy canh hiện nay. Vì tụi mình giải quyết từ những khó khăn thực tế chứ không phải tự đặt ra hay thấy thiếu tính năng nào rồi thêm vào”, Trung tâm đắc.
Hiện tại, ứng dụng “Triac Farm” đã hoàn thiện được các tính năng, tuy nhiên vẫn đang tiếp tục thiết kế lại bộ điều khiển để hệ thống chạy ổn định trong các môi trường khác nhau và chống bị nhiễu tốt nhất.
Theo Thanh Niên