Nhu cầu về thực phẩm sạch ở Việt Nam ngày càng lớn

Mức sống của người dân Việt Nam ngày càng tăng cao, đi kèm với đó là những đòi hỏi ngày càng khắt khe đối với sự an toàn của các loại thực phẩm phục vụ nhu cầu ăn uống hàng ngày.

Dịch COVID-19 bùng phát, ý thức về việc nâng cao sức khỏe của người dân ngày càng cao.

Thực phẩm sạch, an toàn đã được kiểm chứng đang là lựa chọn hàng đầu được nhiều gia đình hướng đến.

Báo cáo mới đây về ngành hàng thực phẩm của Vietnam Report cho thấy nhu cầu về thực phẩm sạch trong một vài năm tới là sự bùng nổ của các sản phẩm nguồn gốc tự nhiên, thân thiện môi trường.

null

Ngoài ra, đó là sự trỗi dậy của niềm tin, của những giá trị thật và câu chuyện thật về sản phẩm và thương hiệu doanh nghiệp, cũng như ứng dụng dữ liệu lớn vào sản xuất, phân phối.

Còn theo báo cáo xu hướng tiêu dùng thực phẩm hữu cơ của AC Nielsen, có đến 86% người tiêu dùng Việt Nam ưu tiên lựa chọn sản phẩm organic cho những bữa ăn hàng ngày bởi tính an toàn, giàu dinh dưỡng.

Điều đó tạo ra những cơ hội cho người nông dân phát triển mô hình kinh doanh thực phẩm sạch ở quy mô lớn.

Nông nghiệp nước ta chưa được tối ưu hóa quy trình sản xuất

Điều kiện khí hậu nước ta thuận lợi để phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên, khởi nghiệp từ ngành nông nghiệp chưa bao giờ dễ dàng.

Thứ nhất, lĩnh vực này phụ thuộc quá nhiều vào thời tiết, thổ nhưỡng, ánh sáng, nguồn nước.
Tiếp đó, các sản phẩm nông nghiệp thường chịu tác động của thị trường, giá cả và đầu ra không ổn định.

Có thể thấy rõ nhất là thời gian giãn cách xã hội trong đợt dịch vừa qua. Đôi lúc nông sản ngay tại thị trường nội địa cũng bị ùn ứ.

Từ đó mới thấy thông tin thị trường gần như bỏ ngỏ, người trồng cứ trồng, người mua cứ mua.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tiến hành nghiên cứu để chuyển đổi số trong nông nghiệp. Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết:

“Thời gian qua, chúng tôi hiện đang tích hợp thông tin và hướng tới nền nông nghiệp minh bạch từ sản xuất đến thị trường để phục vụ điều hành sản xuất và điều tiết tiêu thụ nội địa. Đây sẽ là nền tảng để chuyển đổi số trong nông nghiệp”.

Nếu không chuyên nghiệp hóa ngành nông nghiệp thì người nông dân sẽ luôn phải đối mặt với những rủi ro thường trực từ thời tiết, dịch bệnh và thị trường có thể ập đến bất cứ lúc nào.

null
Ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Chuyển đổi số trong nông nghiệp bao gồm các vấn đề sản xuất, phân phối, thương mại, sàn giao dịch nông sản.

Theo Bộ trưởng biến đổi khí hậu; biến động thị trường và dịch chuyển xu thế tiêu dùng sẽ là những tác nhân làm thay đổi sản xuất và kinh tế nông nghiệp thời gian tới.

“Đã đến lúc chuyển đổi từ nền “nông nghiệp nâu” thâm dụng tài nguyên thiên thiên và sức lao động của con người sang một nền “nông nghiệp xanh” khởi nguồn từ khoa học, tri thức.
Phải chuyển đổi từ nền nông nghiệp chạy theo sản lượng sang một nền kinh tế đa giá trị. Đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực này”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan phân tích.

Các trí thức trẻ lan tỏa mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ

Ngày càng có nhiều người trẻ sáng tạo ra các mô hình sản xuất không những đem lại thực phẩm đảm bảo sức khỏe cho con người mà còn phát triển kinh tế địa phương.

Trứng gà cà gai leo không có vị tanh, hàm lượng cholesterol bằng 1/3 so với trứng gà thông thường

Đây là nghiên cứu của anh Phan Trung Kiên nhờ việc cho gà nghe nhạc và ăn cà gai leo.

Xuất thân là kỹ sư nông nghiệp, hơn ai hết, anh Phan Trung Kiên hiểu rất rõ sự khó khăn, vất vả của ngành chăn nuôi Việt Nam.

null
Anh Kiên gọi vốn cho mô hình kinh doanh của mình trên chương trình Shark Tank mùa 5.

Anh Kiên cho biết:

Ngành chăn nuôi truyền thống nói chung và chăn nuôi gà nói riêng có đặc điểm thường áp dụng các giải pháp công nghiệp, để tăng năng suất, mà ít khi quan tâm tới chất lượng.

Giải pháp vừa có ưu điểm, vừa là điểm "chí mạng" của ngành chăn nuôi.

Nếu áp dụng cách chăn nuôi công nghiệp tiên tiến nhưng lại quá chú trọng vào sản lượng, ít để ý đến chất lượng thì sẽ không thỏa mãn được yêu cầu của khách hàng và phải bán giá rất thấp.

Tại trang trại này, anh Kiên áp dụng 4 tiêu chí có phần "kỳ lạ", khác biệt với truyền thống chăn nuôi.

Thứ nhất, trang trại luôn phải trong tình trạng mát mẻ, sạch sẽ.

Toàn trang trại sẽ được lắp đặt hệ thống điều hòa, để giữ nhiệt độ nằm trong ngưỡng 25 - 32 độ C.

Đây là mức nhiệt độ giúp gà phát triển và sinh trưởng tốt nhất, đã được các nhà khoa học châu Âu, Mỹ và Việt Nam chứng minh.

Thứ hai, gà sẽ được ăn thực phẩm sạch, nhiều loại thảo dược được chọn lọc.

Đó là các loại nguyên liệu như ngô tẻ đỏ Sơn La, cám gạo tươi miền Bắc, đậu tương rang; tỏi tươi, đinh lăng, hoàn ngọc, quế, diếp cá, trà xanh, mật nhân, đương quy, nghệ;....

Bên cạnh đó, gà còn được uống nước lọc RO, khử bằng tia UV, tiêu chuẩn còn cao hơn nước uống của con người hàng ngày.

Đặc biệt nhất, trong khẩu phần ăn của gà, anh Kiên còn cho thêm cà gai leo, một loại thảo dược rất tốt được dùng để tăng cường chức năng gan cho người.

Loại dược liệu này đã làm quả trứng của trang trại anh có chất lượng vượt trội so với các phương pháp chăn nuôi thông thường.

Các loại thảo dược trên đều giúp tăng khả năng chống chịu bệnh tật cho gà mà không cần sử dụng chất kháng sinh trong chăn nuôi.

null
Trang trại gà của anh Kiên.

Trong trường hợp gà vẫn bị bệnh khi đã phòng bằng thảo dược, anh Kiên sẽ cho thải loại chứ không dùng tới kháng sinh, thuốc thú y công nghiệp.

"Tại trang trại của tôi, tuyệt đối không sử dụng chất bảo quản, chất kháng sinh, hay tăng trọng để nuôi gà. Các loại hóa chất như vậy rất độc hại, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người", anh Kiên nói.

Thứ ba, gà sẽ được nuôi với thời gian biểu khoa học.

Đàn gà trong trang trại sẽ có "thời khóa biểu" cụ thể cho việc ăn uống, ngủ nghỉ.

Thứ tư, gà trong trang trại sẽ được nghe nhạc hàng ngày.

Việc làm này vừa giúp gà giảm stress lại khiến chúng tập trung ăn uống.

null
Trứng gà thảo dược của anh Kiên.

Giải pháp nuôi gà thảo dược của anh Kiên có ưu điểm quản lý dịch bệnh rất tốt mà lại tạo ra sản phẩm chất lượng rất cao, đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu, đáp ứng nhu cầu khắt khe của giới thượng lưu ở các nước phát triển.

Thạc sĩ về quê lập nghiệp với mật hoa dừa

Đây là mô hình sản xuất mật dừa mang tên “Sokfarm” (tiếng Khmer có nghĩa là “Nông nghiệp hạnh phúc”) của chị Thạch Thị Chal Thi ở thị trấn Tiểu Cần, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh.

Sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ ngành Công nghệ Thực phẩm và đi làm một thời gian để tích lũy kinh nghiệm, chị Thạch Thị Chal Thi quyết định trở về khởi nghiệp tại quê nhà.

Chị nhận thấy Trà Vinh là địa phương có diện tích trồng dừa nhiều thứ 2 ở Việt Nam với trên 25.000 ha nhưng nông dân vẫn chưa thể làm giàu từ tài nguyên bản địa này.

Đầu năm 2018, chứng kiến cảnh giá bán trái dừa khô bấp bênh quá đã thôi thúc chị phải tìm một hướng đi mới, một sản phẩm gì đó giúp tăng giá trị kinh tế cho cây dừa.

Tháng 7/2019, chị Chal Thi cùng chồng thành lập doanh nghiệp chuyên sản xuất mật dừa mang tên Sokfarm.

null
Chị Chal Thi và chồng.
Mục đích của chị là xây dựng một doanh nghiệp công đồng, một sản phẩm vùng miền gắn liền với văn hóa Khmer bản địa cùng với đó đưa khoa học và chế biến vào sản phẩm nông nghiệp để nâng cao tính chủ động của sản phẩm.

Cứ theo chu kỳ 25 ngày, cây dừa sẽ cho ra một chùm hoa và sẽ được thu mật liên tục trong 25 ngày, tương đương với 25 – 30 lít mật hoa dừa tươi.

Kỹ thuật quan trọng nhất của ngành này đó là kỹ thuật massage hoa.

Người thợ phải chọn đúng độ tuổi của hoa để thu mật. Nếu hoa non quá hoặc già quá sẽ không cho lượng mật như mong muốn.

Ngày 2 lần, người thợ sẽ leo lên cây dừa để tiến hành massage và cắt mặt mới để thu mật hoa dừa.

Mô hình trồng dừa thu mật sẽ phát triển bền vững và cải thiện sinh kế cho người dân địa phương, giúp nông dân trồng dừa tăng giá trị kinh tế nông hộ từ 3-5 lần.

Đặc biệt đó là phát triển xanh vì tất cả quy trình không xả thải ra môi trường và tái sản xuất tốt, mọi thứ bền vững.

Hiện nay trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nhiều loại cây trái bị ảnh hưởng nhưng cây dừa luôn xanh tốt.

Vì thế, cây dừa sẽ là một trong những loại cây chuyển đổi trong tương lai ở miền Tây.

null
Sản phẩm mật hoa dừa Sokfarm.

Sản phẩm của Sokfarm đã bắt đầu thâm nhập thị trường nước ngoài như Hà Lan, Nhật Bản.

Thạc sĩ Thạch Thị Chal Thi cho biết doanh nghiệp của chị sẽ chuyển giao kỹ thuật thu mật cho một số nhà vườn, để bà con tự khai thác mật cung cấp cho công ty.

Với cách làm này chị Chal Thi mong muốn bà con sẽ có thu nhập nhiều hơn và doanh nghiệp của chị cũng thu được mật nhiều hơn.

Trồng rau thủy canh lãi bạc triệu mỗi ngày

Anh Ngô Hữu Anh Khôi, ở Vĩnh Long đã khởi nghiệp mô hình trồng rau thủy canh.

Anh tốt nghiệp Đại học Cần Thơ chuyên ngành Công nghệ thực phẩm.

Chứng kiến cảnh nông dân lạm dụng hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật lên hoa màu, cây ăn trái ảnh gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người, anh nung nấu kế hoạch sản xuất rau an toàn.

Anh Khôi cùng vợ là chị Dương Thùy Cẩm Tú (cử nhân ngành Chế biến và bảo quản nông sản Đại học Nông Lâm TP HCM) lên Lâm Đồng và Bình Phước để nghiên cứu học hỏi kỹ thuật trồng rau an toàn.

Sau khi nghiên cứu nhu cầu của thị trường, cả hai vợ chồng chọn mô hình rau thủy canh để khởi nghiệp.

Anh đã áp dụng 2 mô hình khác nhau. Một mô hình trồng trên mặt phẳng của tấm tôn chiếm diện tích khá lớn.

Mô hình thứ hai là một giá thể hình chữ A từ cao xuống thấp gồm 10 ống nhựa 90. Mô hình này trồng được nhiều cây, năng suất cao hơn.

null
Vườn rau thủy canh của anh Khôi.
Đặc điểm của rau thủy canh là người trồng dùng máy bơm nước và máy làm mát nguồn nước hoạt động xuyên suốt nhằm cung cấp nước sạch cho từng bộ rễ của các chậu rau thông qua ống dẫn nước.

Với phương pháp đó, người trồng không sử dụng nhiều phân bón mà chỉ cần bổ sung khoáng vi lượng và đa lượng qua hệ thống dẫn nước.

Trồng trong nhà lưới cây trồng không bị ảnh hưởng về thời tiết thay đổi bất thường, đồng thời kiểm soát được dịch bệnh.

Các loài côn trùng cũng không xâm nhập vào được, do đó người trồng không cần đến thuốc bảo vệ thực vật.

Bình quân mỗi ngày anh thu hoạch trên 100kg rau tươi cung cấp cho siêu thị và các hợp tác xã. Tính bình quân mỗi kg lời 10.000đ, như vậy mỗi ngày anh lãi trên một triệu đồng.

Anh đang chuẩn bị mở rộng thêm diện tích 3.000m2 và đầu tư thêm các thiết bị kỹ thuật để ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào trong canh tác và tăng cường sản xuất thêm các loại rau ăn trái.

Hiện vườn rau thủy canh của anh Khôi đã được Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Vĩnh Long cấp giấy chứng nhận và cấp phép cơ sở đủ điều kiện sản xuất rau an toàn.

Nước ta có nhiều lợi thế phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên khả năng đáp ứng nhu cầu thực phẩm sạch của thị trường chưa cao.

Ngày càng nhiều người trẻ có trình độ khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp tạo ra những mô hình thực phẩm sạch đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng.

Mong rằng những mô hình như thế này sẽ còn được nhân rộng hơn nữa giúp lan tỏa tinh thần khởi nghiệp đồng thời tạo ra các sản phẩm chất lượng tốt trên thị trường.