Bên cạnh đó, sự bùng phát của đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi hành vi mua hàng của người tiêu dùng Việt.
Trong đó, những sản phẩm từng là nhu cầu cơ bản trở thành nhu cầu ưu tiên tập trung hướng tới sức khỏe, chăm sóc sức khỏe, chế độ dinh dưỡng và thanh toán không dùng tiền mặt…
Điều này đòi hỏi các kênh bán lẻ phải thích nghi và thay đổi để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Xu thế tiêu dùng trong trạng thái “bình thường mới”
Sau hai đợt giãn cách xã hội, cả nước thiết lập trạng thái bình thường mới, đòi hỏi mỗi người dân phải thay đổi một số thói quen có thể với những quy chuẩn bảo vệ sức khỏe cụ thể như:
Giữ khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang nơi công cộng, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc nước rửa tay sát khuẩn, ăn chín uống sôi…
Do đó, xu hướng tiêu dùng các sản phẩm góp phần bảo vệ sức khỏe như: khẩu trang, nước rửa tay, xà phòng, sữa tắm, nước súc miệng… tăng cao.
Đồng thời, người dân thường xuyên ăn uống ở nhà hơn so với trước nên việc lựa chọn những loại thực phẩm sạch, có nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm ngày càng được chú trọng.
Chị Trúc Ngọc, người dân ở P.Trảng Dài (TP.Biên Hòa) cho biết: “Sau hai đợt dịch COVID-19, gia đình tôi ít đi đến các hàng quán ăn uống mà thường xuyên nấu ăn ở nhà hơn.
Tôi hay mua hàng ở cửa hàng tiện lợi hoặc đặt hàng trực tuyến từ siêu thị gần nhà.
Ở đó, mọi hàng hóa đều có nguồn gốc rõ ràng, được bảo quản trong điều kiện tốt từ 0-5 độ giúp các loại thực phẩm luôn tươi ngon, đảm bảo vệ sinh hơn so với ngoài chợ.
Trong thời điểm này, bảo vệ sức khỏe là điều vô cùng tối ưu, cần thiết”.
Hướng tới tiêu dùng xanh, bền vững
Khi đời sống của người dân ngày càng được nâng cao thì yêu cầu về quy trình sản xuất, thành phẩn sản phẩm, chất lượng hàng hóa cũng phải được nâng cao theo.
Người tiêu dùng Việt đang có sự quan tâm và tiêu thụ tốt những sản phẩm thân thiện với môi trường ngay từ khâu sản xuất, tiêu thụ và sử dụng sản phẩm.
Theo đó, xu hướng tiêu dùng xanh đang được nhiều người dân lựa chọn từ việc không dùng hoặc giảm thiểu các sản phẩm làm từ nilon, đồ nhựa dùng một lần…đến ưu tiên sử dụng các thực phẩm sạch (hạn chế hoặc không sử dụng chất bảo quản, hóa chất) nhằm hướng đến một cuộc sống xanh - sạch - lành hơn.
Đơn cử, trong thời gian qua, nhiều siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh bắt đầu triển khai sử dụng lá chuối để gói nông sản thay cho túi nilon, sử dụng các khay đựng bằng bã mía để thay thế các khay bằng xốp…
Điều này cũng tạo nên những hiệu ứng tích cực từ phía người tiêu dùng về xu hướng tiêu dùng xanh.
Sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng đó vừa là cơ hội lẫn thách thức đối với các doanh nghiệp bán lẻ buộc phải chú trọng đến việc lựa chọn các nhà cung ứng hàng hóa, minh bạch thông tin để người tiêu dùng tiếp cận lựa chọn.
Ông Vũ Đình Trung, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam tỉnh nhận định:
Nhu cầu sử dụng các loại sản phẩm thân thiện với môi trường của người tiêu dùng ngày càng cao.
Điều này đã trở thành động lực để nhiều doanh nghiệp chuyển hướng sản xuất xanh, sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường để đón đầu xu hướng tiêu dùng mới.
Đây là xu hướng thiết yếu mà nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang hướng tới trong bối cảnh thị trường ngày càng cạnh tranh gay gắt.
Phó giám đốc Sở Công thương Lê Văn Lộc chia sẻ:
Trong thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến khích sản xuất và tiêu dùng xanh, bền vững trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, đề xuất các phương án, kế hoạch phát triển, khuyến khích sản xuất sản phẩm, dịch vụ xanh, phát triển các ngành nghề, lĩnh vực có áp dụng công nghệ thân thiện với môi trường và đẩy mạnh xanh hóa sản xuất và tiêu dùng…