Số hóa và chuyển đổi số giúp doanh nghiệp giải quyết được 5 bài toán lớn
Ngày 15/12/2021, Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư đã tổ chức Hội thảo Công nghệ 2021 với chủ đề Thế giới 5.0.
Tại phiên thảo luận với chủ đề Đô thị 5.0, các diễn giả bao gồm ông Vũ Hoàng Linh, Phó Tổng giám đốc TopenLand, trực thuộc tập đoàn Hưng Thịnh; ông Phạm Lâm, Nhà sáng lập DKRA Việt Nam và Houze Group; ông Andy Vũ - Founder, CEO của MBC, Agency chuyên tư vấn tổng thể về Marketing & Truyền thông trong lĩnh vực Blockchain đã đưa ra nhiều góc nhìn về công cuộc số hóa trong bất động sản, đặc biệt là trong hoạt động bán hàng.
Tại phiên thảo luận, ông Andy Vũ cho rằng, số hóa và chuyển đổi số sẽ giúp các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp bất động sản nói riêng giải quyết được 5 bài toán lớn.
Năm bài toán đó bao gồm: Sản phẩm, Marketing, Sale, chăm sóc khách hàng và quản trị bao gồm quản trị dự án, quản trị doanh nghiệp.
Xu hướng “tại gia” nay đã có trong bất động sản
Chia sẻ tại hội thảo, ông Andy Vũ cho rằng với nhu cầu của thị trường và người dùng như hiện nay, các doanh nghiệp bất động sản cần phải nhanh chóng áp dụng công nghệ vào các dịch vụ nhằm tăng trải nghiệm của khách hàng lên mức tối đa.
Công nghệ VR mở ra không gian “bán” dự án ngay tại nhà
Một công nghệ nổi bật có thể kể đến như công nghệ VR (Virtual Reality - thực tế ảo) giúp khách hàng có thể xem xét và trải nghiệm bất động sản ngay tại nhà.
Cụ thể, đội ngũ Sale (Tiếp thị/Môi giới) có thể đầu tư kính Oculus (kính thực tế ảo).
Với thiết bị này, khi nhân viên Sale đến văn phòng hoặc nhà riêng của khách hàng V.I.P để trình bày về các dự án bất động sản, chiếc kính sẽ giúp cho toàn bộ không gian 3D của dự án hiện hữu ra trước mắt khách hàng.
Chắc chắn, với hình ảnh trực quan sinh động, cảm giác chân thực, rõ nét lại không mất thời gian đi tham quan các dự án có khi ở rất xa, việc mua bán sẽ trở nên thuận lợi hơn, tăng khả năng thành công cho các nhà môi giới.
Ngoài ra, COVID-19 cũng là rào cản lớn trong công tác bán hàng vì trong thời điểm dịch bệnh, các nhân viên Sale cũng không thể tìm gặp khách hàng trực tiếp như trước kia.
Chính vì thế, họ phải thay thế bằng phương tiện livestream để tư vấn, giới thiệu sản phẩm đến với người tiêu dùng và các nền tảng livestream cũng được ra đời với mục đích hỗ trợ công việc tốt hơn.
Nhìn ra được những ưu điểm này, nhiều doanh nghiệp đã ứng dụng công nghệ để tiếp cận khách hàng tốt hơn trong kỷ nguyên số và thời đại lockdown.
Dữ liệu CDP, AI,... công cụ phân tích dữ liệu “gỡ rối” cho nhân viên Sale trong việc thấu hiểu Insights khách hàng
Cũng tại sự kiện, ông Vũ Hoàng Linh nhấn mạnh rằng bất động sản vốn là một ngành kinh doanh truyền thống và lâu đời.
Trước đây, đội ngũ nhân viên Sale phải đọc và thuộc một tập "giáo trình" về một loạt các biểu hiện của khách hàng như thái độ, quần áo, phương tiện di chuyển,... để đánh giá khách hàng có đủ khả năng và nhu cầu mua sản phẩm và dịch vụ của bên mình hay không.
Tuy nhiên, đối với các sản phẩm được hiện diện trên môi trường số với các thiết bị là điện thoại hoặc website, sự tương tác giữa nhân viên Sale và khách hàng sẽ trở nên dễ dàng hơn và Sale không gặp nhiều khó khăn trong việc nhận biết khách hàng tiềm năng.
Các công nghệ như dữ liệu CDP (Customer Data Platform), AI,... sẽ là mấu chốt để giải quyết bài toán khó khăn này.
Ví dụ, khách hàng cung cấp thông tin cho nhân viên Sale về việc họ muốn mua một căn chung cư, nhưng thực tế, sau khi theo dõi, người Sale lại phát hiện ra khách hàng chỉ tìm hiểu về nhà phố trên các nền tảng khác nhau trên môi trường trực tuyến.
Nhờ có được dữ liệu khách hàng qua cookie (công cụ thu thập dữ liệu tự động), nhân viên Sale có thể dễ dàng đưa ra được các đề nghị phù hợp với nhu cầu thực sự của khách hàng.
Hiện tại, tập đoàn Hưng Thịnh cũng đã và đang áp dụng nền công nghệ này vào TopenLand.
Công nghệ và nhân viên Sale - mối quan hệ cộng sinh bền vững
Nhấn mạnh về tầm quan trọng của công nghệ trong việc “hiểu” thị trường, ông Phạm Lâm cho rằng:
Công nghệ giúp đội ngũ môi giới tiết kiệm được thời gian xử lý các tác vụ truyền thống, tập trung vào bán hàng và mở ra nhiều cơ hội kinh doanh hơn.
Chính vì thế, không hề có sự cạnh tranh giữa các ứng dụng công nghệ và nhân viên Sale.
Thậm chí, điều này còn giúp họ trở nên yêu thích công việc của mình hơn, giảm tải được áp lực vì khối lượng công việc quá lớn và giúp họ làm việc thuận tiện, năng suất hơn.
Có thể nói, đây được xem như một mối quan hệ cộng sinh, đôi bên cùng có lợi.
Đồng quan điểm với ông Lâm, ông Linh cũng chia sẻ thêm:
Công nghệ đã tạo ra rất nhiều cơ hội mới cho đội ngũ nhân viên Sale.
Cụ thể, nhân viên Sale tham gia vào giao dịch bất động sản và được hưởng % hoa hồng qua các bản hợp đồng, nhưng trên thực tế, khi vừa bước chân vào nghề, họ phải mất từ 3-6 tháng để có được giao dịch đầu tiên dẫn đến không có nguồn thu nhập, khó tồn tại và phát triển lâu dài trong lĩnh vực môi giới bất động sản.
Nắm bắt được tình hình này, Houze Group và tập đoàn Hưng Thịnh cũng cho ra mắt các nền tảng công nghệ như House Map, TopenLand,... với mục tiêu tạo nhiều hơn các cơ hội cho những người tham gia vào nền tảng, để họ không chỉ làm một công việc chính mà còn nhiều nguồn thu nhập từ những cơ hội khác.
Hiện nay, nhân viên Sale dễ dàng có thêm thu nhập thông qua các nền tảng như giới thiệu cho khách hàng các dịch vụ tài chính, thực hiện thêm các dịch vụ được yêu cầu từ phía khách hàng,...
Việc số hóa trong thị trường bất động sản không chỉ giúp giải quyết các bài toán gây nhiều trăn trở của nhân viên Sale mà còn giúp tiết kiệm thời gian, sức lực, trí tuệ của nhiều người bao gồm cả khách hàng.
Chính những lợi ích khổng lồ mà công cuộc số hóa mang lại cho thị trường bất động sản, ông Lâm nhận định đây sẽ là xu thế tất yếu trong tương lai và đem đến kỳ vọng về một thị trường bất động sản phát triển bền vững sau đại dịch.
Quỳnh Nhi - Trends Việt Nam