Livestream bùng nổ cùng thương mại điện tử
Livestream (phát sóng trực tiếp) lần đầu tiên xuất hiện trên thế giới vào năm 1993. Tuy nhiên, trong vòng 2 năm trở lại đây, loại hình này mới thực sự trở nên bùng nổ.
Trong đợt giãn cách xã hội do đại dịch COVID-19, việc ra ngoài và trải nghiệm thực tế trở thành điều không thể, khiến người dân có xu hướng làm việc ở nhà, học ở nhà và thích nghi với cuộc sống cách ly.
Chính vì vậy, phát sóng trực tiếp trở thành giải pháp tối ưu nhất để kết nối giữa người với người một cách hiệu quả mà không cần tiếp xúc trực tiếp.
Theo bà Susan Wojcicki - CEO Youtube, hơn nửa triệu kênh Youtube đã phát livestream lần đầu tiên trong năm 2020. Chỉ tính riêng nửa đầu năm 2020, tổng số luồng phát trực tiếp hàng ngày đã tăng 45%. Bà cho biết:
“Năm ngoái, số lượng người xem đến với nền tảng của chúng tôi đã tăng lên hơn bao giờ hết, góp phần xây dựng lại một cộng đồng trực tuyến.
Đại dịch đã thúc đẩy quá trình số hóa cuộc sống của chúng ta. Trong quý đầu tiên của năm ngoái, chúng tôi đã ghi nhận thời gian xem video trên toàn thế giới tăng 25%”.
Nếu như trước đây phát sóng trực tiếp thường được “gắn mác” chuyên phục vụ cho mục đích giải trí như game streaming, phát nhạc,... thì giờ đây, livestream còn là trợ thủ đắc lực cho việc kinh doanh. Bằng chứng là số lượng người phát lẫn người xem các livestream bán hàng trực tuyến (live-commerce) ngày một tăng.
Bán hàng thông qua livestream giúp người bán và người mua có thể tương tác trực tiếp với nhau bất chấp khoảng cách địa lý. Các hành động như xem mẫu, trả giá, tư vấn,... đều có thể diễn ra trực tuyến, đem lại sự tiện lợi cho đôi bên.
Nắm bắt được sự bùng nổ của phát sóng trực tiếp trong kinh doanh, nền tảng thương mại điện tử Shopee đã tích hợp khá nhiều công cụ trong tính năng livestream của mình như đấu giá, mã khuyến mãi,... Đặc biệt nhất có thể kể đến hình thức tặng xu cho người xem livestream, số xu thưởng có thể sử dụng để trừ vào tiền hàng.
Chính nhờ những chức năng thú vị này mà các buổi live-commerce trên Shopee được người bán phát sóng rất nhiều bất kể khung giờ và ngành hàng. Lượng người xem và đặt hàng của các buổi phát sóng cũng khả quan, tạo điều kiện cho hình thức bán hàng này ngày một phát triển.
Ngoài Shopee, các trang thương mại điện tử Tiki, Lazada, Sendo hay mạng xã hội Facebook, Instagram cũng là “miền đất hứa” cho các nhà bán hàng Việt Nam muốn tận dụng cơn sốt phát sóng trực tuyến.
Để phát sóng trực tiếp trở nên chuyên nghiệp
GoStream tham vọng chinh phục thị trường toàn cầu
Tin tưởng vào tiềm năng của nội dung trực tiếp và hơn 10 năm kinh nghiệm trong ngành viễn thông, 2 nhà sáng lập Phạm Ngọc Duy Liêm và Nghiêm Tiến Viễn đã lựa chọn khởi nghiệp GoStream tại thành phố Vinh.
GoStream có tham vọng trở thành công ty cung cấp các công nghệ hỗ trợ (add-on) livestream trên các mạng xã hội. Công nghệ này hoạt động trên website hoàn toàn bằng tiếng Việt.
Chính vì thế, ở Việt Nam, GoStream đang không có đối thủ trực tiếp vì ngay từ đầu, nền tảng đã phát triển sản phẩm theo mô hình SaaS (Software as a Service) - phần mềm dịch vụ trả phí thuê bao hằng tháng.
Hiện tại, GoStream là công ty đi đầu trong việc triển khai công nghệ livestream tương tác trên các mạng xã hội tại Việt Nam, đặc biệt là Facebook gồm 2 sản phẩm chủ lực là gostream.co và gostudio.co.
Tầm nhìn từ khi thành lập của GoStream chính là trở thành công ty nằm trong Top 10 Đông Nam Á, cung cấp các ứng dụng giá trị gia tăng trong lĩnh vực livestream cho các nền tảng mạng xã hội. Startup này dự định sẽ tiếp tục mở rộng thị trường tại khu vực Đông Nam Á, tập trung vào Thái Lan và Indonesia.
NextTech ra mắt Học viện Livestream NextOn
Học viện Livestream NextOn.vn thuộc tập đoàn công nghệ NextTech ra mắt với mục tiêu đào tạo hàng trăm ngàn nhà bán hàng online thế hệ mới sử dụng công nghệ truyền hình trực tiếp trên các nền tảng mạng xã hội và sàn thương mại điện tử (TMĐT).
Học viện mong muốn mang lại cơ hội đổi đời cho hàng vạn học viên, từ đó đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng của live-commerce bằng đội ngũ nhân lực TMĐT chất lượng cao.
Đánh giá thị trường Việt Nam, ông Nguyễn Hòa Bình - Chủ tịch Tập đoàn NextTech, nhà sáng lập học viện Livestream Next On cho rằng livestream bán hàng cũng chớm thành trào lưu và hứa hẹn trở thành phương cách làm giàu mới cho bất kỳ ai.
Tuy nhiên, do phát triển tự phát nên các Livestreamers còn thiếu nhiều kỹ năng và kỹ thuật chuyên nghiệp để thành công.
Khóa cơ bản của NextOn thiên về trang bị kỹ năng như kế hoạch và lập kịch bản Livestream, chuẩn bị diện mạo và thuyết trình trước ống kính, tương tác với khán giả và nghệ thuật chốt đơn, cơ bản về xây dựng nhân hiệu và tạo ảnh hưởng trên mạng…
Trong khi đó, khóa nâng cao tập trung các vấn đề kỹ thuật như lựa chọn hàng hóa, thiết lập & vận hành phòng Live Stream, chốt đơn - xử lý và hoàn tất đơn hàng, quảng bá & thu hút khán giả cho phiên bán…
Định hướng đào tạo của NextOn là thực chiến nên sẽ đi tập trung vào kỹ năng, minh họa bằng các Case Study thành công từ thị trường Trung Quốc và Việt Nam; thực hành bằng các công cụ hỗ trợ TMĐT tiên tiến nhất hiện nay từ hệ sinh thái của tập đoàn NextTech và mạng lưới đối tác liên kết.
Bích Hà, Trends Việt Nam