Khi nhắc đến Branding (Xây dựng thương hiệu), các startup hầu hết đều rơi vào tình huống “tiến thoái lưỡng nan”.
Những doanh nghiệp khởi nghiệp đều hiểu rõ tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu, đặc biệt nếu xét trong bối cảnh thị trường cạnh tranh khốc liệt.
Một startup mới cần phải có một Branding đủ mạnh để có thể gây ấn tượng với nhà đầu tư, tạo được dấu ấn với khách hàng qua xây dựng trải nghiệm mới lạ, đột phá và hấp dẫn.
Đây chính là chìa khóa dẫn đến thành công cho startup trong kế hoạch kinh doanh dài lâu.
Tuy nhiên, để xây dựng thương hiệu và giành được cơ hội đặt chân vào thị trường vốn dĩ đã rất rộng lớn này, những startup mới này cần phải có một nguồn vốn đủ lớn để bắt đầu các hoạt động đầu tư cho thương hiệu.
Muốn làm được điều này, các doanh nghiệp cần phải quảng bá hiệu quả thương hiệu của mình đến các nhà đầu tư.
Trên thực tế, startup vốn dĩ không phải là chuyên gia xây dựng thương hiệu.
Chính vì vậy nếu không tích lũy đủ kinh nghiệm và nắm rõ những điều cốt lõi của việc xây dựng thương hiệu, các công ty khởi nghiệp rất dễ rơi vào cái bẫy tài chính.
Những startup này có thể chọn phương án không đầu tư hoặc đầu tư ít vào xây dựng thương hiệu, hoặc lựa chọn đầu tư quá nhiều, từ đó dẫn đến việc phân bổ nguồn vốn và kêu gọi tài trợ đều không hiệu quả.
Branding không đủ hấp dẫn sẽ giảm cơ hội gọi vốn đầu tư thành công, nguồn vốn không đủ thì startup sẽ không đủ quỹ để đầu tư xây dựng thương hiệu.
Tình huống các startup thường gặp phải này được gọi là tình huống Catch-22.
Catch-22 là "Một tình huống tiến thoái lưỡng nan, xử lý thế nào cũng không ổn", là một nghịch lý tình huống mà một cá nhân không thể thoát khỏi bởi vì các quy tắc mâu thuẫn hoặc hạn chế.
Thuật ngữ này được đặt ra bởi Joseph Heller , người đã sử dụng nó trong cuốn tiểu thuyết Catch-22 năm 1961 của mình.
Ngoài ra, đặc điểm chung của các startup là quỹ vốn eo hẹp nên nhiều startup lựa chọn tập trung đầu tư vào hoạt động kinh doanh và có phần lơ là, thậm chí bỏ qua xây dựng thương hiệu.
Chính vì vậy các startup cần hiểu rõ tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu, tác động của branding đến quá trình gọi vốn, và từ gọi vốn đến khả năng thành công đầu tư cho các hoạt động kinh doanh thì mới có thể xây dựng một công ty khởi nghiệp thành công.
5 lý do dưới đây sẽ trả lời cho câu hỏi tại sao startup cần phải xây dựng thương hiệu và những hiệu quả mà Branding đem lại.
1. Xây dựng thương hiệu bao gồm xây dựng Tầm nhìn thương hiệu của doanh nghiệp
Tầm nhìn thương hiệu (Brand vision) là mục tiêu cuối cùng mà thương hiệu muốn hướng tới trong khoảng thời gian nhất định.
Một startup có thể tự tin với kế hoạch kinh doanh của mình, điều này là hoàn toàn bình thường.
Tuy nhiên khi bước vào giai đoạn Pitching (quá trình thuyết phục nhà đầu tư rót vốn), các startup có thể sẽ phải “vỡ mộng” khi yêu cầu từ nhà đầu tư quá khắt khe so với những gì một startup có thể hình dung.
Nếu không thể giới thiệu cho các nhà đầu tư nhìn thấy được tầm nhìn của doanh nghiệp, đồng nghĩa với tiềm năng phát triển trong tương lai thì nhiều khả năng cao gọi vốn sẽ thất bại.
Chính vì vậy, tập trung xây dựng thương hiệu cũng chính là đang chú trọng xây dựng tầm nhìn và giá trị của doanh nghiệp.
Gợi ý ở đây chính là hãy xây dựng cho doanh nghiệp của mình một thương hiệu có độ nhận dạng cao để thu hút và giới thiệu tầm nhìn của doanh nghiệp đến các nhà đầu tư.
Tầm nhìn thương hiệu như phát súng báo hiệu sự xuất hiện hay sự mở rộng của thương hiệu đến thị trường và khách hàng, nhằm mục đích tạo định hướng cho chiến lược thương hiệu, khẳng định vị thế trên bản đồ thị trường.
Nếu tầm nhìn trùng khớp với những gì khách hàng cần và mong muốn, thương hiệu sẽ nhanh chóng chiếm được cảm tình và sự quan tâm to lớn từ đối tượng mục tiêu.
Tầm nhìn thương hiệu còn như một lời khẳng định về từng hành động, giá trị thương hiệu tạo ra trong tương lai.
Do đó, trong quá trình hoạch định tầm nhìn, startup cần đặt yếu tố thành thật lên hàng đầu:
Không nói những gì xa vời hay không có khả năng thực hiện được.
Trong các tập phát sóng của Shark Tank, đặc biệt là số mới nhất gần đây, các Shark luôn đặt câu hỏi về tầm nhìn cho các Startups tham gia gọi vốn.
Cụ thể, Shark Phú đã đặt câu hỏi về sứ mệnh, tầm nhìn cho Jungle Sport khi cho rằng với tình hình tài chính và kinh doanh hiện tại, công ty không cần phải gọi thêm vốn.
Xem thêm: Tập 1 mùa 5 Shark Tank Việt Nam.
2. Xây dựng thương hiệu giúp hạn chế những hình ảnh thiếu chuyên nghiệp
Quá trình gọi vốn sẽ luôn là một trải nghiệm căng thẳng cho các startup.
Khi bước vào vòng Pitching, các startup chỉ nên tập trung vào việc phân tích và thuyết phục các nhà đầu tư nhận ra giá trị của doanh nghiệp.
Những mối lo về hình ảnh logo chưa được thiết kế cẩn thận hay đồ họa thiếu chuyên nghiệp sẽ ảnh hưởng đến màn trình diễn của startup, từ đó giảm khả năng gọi vốn thành công.
Các nhà đầu tư cũng sẽ không đánh giá cao một startup cẩu thả về khâu hình ảnh, đặc biệt khi đây chính là bộ mặt của startup, là hình ảnh thương hiệu sẽ tiếp cận với khách hàng.
Thể hiện hình ảnh chỉn chu, đầy tham vọng thông qua việc xây dựng thương hiệu chuyên nghiệp và chính là một sự đảm bảo của doanh nghiệp, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư.
Những tiểu tiết vô cùng nhỏ nhưng lại nói lên rất nhiều đến hình ảnh và thương hiệu của bạn, từ những nhận diện “bắt buộc" như cái tên, logo, tagline đến những bộ “phụ kiện" đi kèm như Profile, Name Card và đặc biệt là Website, vốn được xem là “Hub" để bạn đón mời tất cả các loại “khách" tới nhà.
Đọc thêm: “Tất tần tật” kiến thức căn bản về website doanh nghiệp cần biết
3. Xây dựng thương hiệu mang nhiều giá trị to lớn ngoài khía cạnh “đánh bóng tên tuổi"
Việc xây dựng thương hiệu thường bị những người không chuyên về thương hiệu đánh giá thấp hoặc coi thường vì xem đó chỉ là một hình ảnh thuần túy.
Trên thực tế, hình ảnh thương hiệu “có chiều sâu", có điểm nhấn chính là cách mọi người nhìn nhận về một doanh nghiệp, thậm chí là đánh giá về doanh nghiệp ấy dựa trên thương hiệu.
Chính vì vậy, gây dựng được ấn tượng về thương hiệu trong vòng gọi vốn đầu tiên là rất quan trọng đối với một startup.
Bằng cách đầu tư vào xây dựng thương hiệu trước khi huy động vốn đầu tư, startup đã chủ động đưa ra tuyên bố có thẩm quyền về những gì startup đó đại diện, tầm nhìn của startup phù hợp với giá trị mà startup đó đem lại như thế nào.
Ghi nhớ những giá trị này và tập trung xây dựng thương hiệu sẽ giúp startup trở nên nổi bật trong một thị trường cạnh tranh khắc nghiệt, nâng tầm startup trở nên ấn tượng hơn trong mắt nhà đầu tư cũng như người tiêu dùng.
Chính vì vậy các startup nên chú trọng ưu tiên đầu tư vào xây dựng thương hiệu trước khi tiến hành gọi vốn để có thể nâng cao khả năng thành công nhiều nhất có thể.
4. Mối tương quan giữa việc đầu tư phát triển kinh doanh và đầu tư xây dựng thương hiệu
Mọi giám đốc điều hành đều hiểu tầm quan trọng của đầu tư để thúc đẩy tăng trưởng, cho dù đó là dưới hình thức tạo ra một sản phẩm, tăng khả năng nhận diện hay tạo ra doanh số bán hàng.
Tuy nhiên, ít ai nhận thức được rằng, về bản chất, mọi sự đầu tư hay thay đổi này đều gắn liền với quan trình xây dựng, củng cố và phát triển thương hiệu.
Việc đảm bảo có được một nguồn vốn hỗ trợ đầu trong năm đầu tiên để duy trì và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh của các startup là điều kiện tiên quyết.
Chú trọng đầu tư xây dựng thương hiệu sẽ nâng cao khả năng rót vốn từ các nhà đầu tư, từ đó startup sẽ có thêm vốn để đầu tư vào các hoạt động kinh doanh.
5. Xây dựng thương hiệu tăng độ nhận diện thương hiệu, nâng cao khả năng chia sẻ của khách hàng.
Trong thời đại truyền thông số với thông tin được cập nhật một cách nhanh chóng và dễ dàng như hiện nay, người tiêu dùng càng nắm trong tay nhiều sức ảnh hưởng.
Đặc biệt đối với những startup mới nổi, chưa có tiếng nói hay vị trí trên thị trường thì sự quan tâm chia sẻ từ khách hàng càng trở nên quan trọng hơn.
Những startup có bộ nhận diện thương hiệu được đầu tư kỹ lưỡng, ấn tượng đi kèm với sản phẩm dịch vụ tốt sẽ nhận được nhiều sự chú ý, thì người tiêu dùng không chỉ hưởng ứng, đón nhận, khen ngợi mà còn sẵn lòng chia sẻ những trải nghiệm tích cực mà họ đã có được cho mọi người xung quanh.
Những công ty chỉ quan tâm đến sản phẩm sẽ nhanh chóng bị lãng quên khi những nhân tố mới xuất hiện trên thị trường.
Trong khi đó, một thương hiệu được đầu tư xây dựng hình ảnh, giá trị, chất lượng và có được sự tin tưởng, lòng trung thành từ khách hàng thì sẽ khó bị thay thế.
Theo chia sẻ của chị Tracy Vũ, Founder của Genius Việt Nam - công ty truyền thông và cung cấp dịch vụ nội dung cao cấp, những nội dung trên đây vẫn chỉ là những kiến thức mang tính gợi mở.
Trên thực tế, thương hiệu ngày nay gắn liền với mọi đối tượng liên quan từ người tiêu dùng, đối tác, nhà đầu tư, tới cộng đồng xã hội bao gồm cả cộng đồng mạng.
Đặc biệt hai đối tượng quan trọng mà hầu hết các doanh nghiệp thường bỏ qua trong quá trình xây dựng thương hiệu là nhân viên và báo chí dù đây là hai nhóm đối tượng có tầm ảnh hưởng rất lớn.
Tập trung quá nhiều vào công tác bán hàng hay mục tiêu thương mại mà bỏ qua việc xây dựng thương hiệu có bản sắc, doanh nghiệp đã tự “đánh mất mình" trong việc chinh phục các đối tượng “quyền lực".
Thường các doanh nghiệp có “tiền" thì mới bắt đầu tìm đến truyền thông để quảng bá hay nâng tầm vị thế.
“Chúng tôi bắt đầu tham gia tư vấn hoặc định vị lại thương hiệu cho các doanh nghiệp khi thấy rằng họ chưa đủ hấp dẫn với báo chí và cộng đồng hay thậm chí là sai định hướng hoàn toàn.
Vì thế, sẽ tốt hơn nếu việc xây dựng thương hiệu được thực hiện bài bản ngay từ đầu". Chị Tracy Vũ cho hay.