Phát biểu tại Đại hội đồng cổ đông, ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Masan chia sẻ:
"Trong sự kiện hôm nay, quý vị (cổ đông) hẳn sẽ ngạc nhiên vì Masan, vốn là doanh nghiệp "bán nước tương, nước mắm", nhưng lại dường như đang có một chút giải trí (entertainment), lại có một chút công nghệ (technology).
Vậy Masan không còn là Masan hay Masan đang trở thành cái gì? Tôi nghĩ tất cả mọi người Masan đều đang trăn trở.
Ông Danny Le (CEO Masan) cho biết sứ mệnh của Masan luôn luôn là tái định hình ngành tiêu dùng, tạo ra cách mạng trong ngành này.
Để làm được điều này Masan luôn hướng tới 2 nhiệm vụ chính gồm: Nâng cao hiệu suất cho toàn chuỗi giá trị tiêu dùng và luôn luôn tìm hiểu để đáp ứng những nhu cầu chưa được đáp ứng của người tiêu dùng.
CEO Masan chia lịch sử tập đoàn thành 5 giai đoạn.
Masan 1.0 - Masan của ngày xưa
Công ty cổ phần hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer) từng thất bại với mô hình kinh doanh bán lẻ.
Công ty sau đó đã tập trung sang ngành hàng tiêu dùng nhanh với sự thành công của sản phẩm nước tương và nước mắm.
Masan đã đa dạng hóa sản phẩm với mì gói và cũng đã đạt được thành công đáng kể.
Masan 2.0 - Sự xuất hiện của MEATLife đã thay đổi cục diện thị trường tiêu thụ thịt trong nước
Masan MEATlife, công ty đổi tên từ Masan Nutri-Science, là doanh nghiệp chuyên về kinh doanh thức ăn chăn nuôi và cung cấp sản phẩm thịt mát theo chu trình khép kín "từ trang trại tới bàn ăn".
Công ty này đưa ra thị trường thương hiệu thịt mát MeatDeli vào cuối năm 2018 với tầm nhìn ngay từ đầu cung cấp cho người tiêu dùng Việt Nam sản phẩm thịt ngon, an toàn, giá cả hợp lý mọi lúc mọi nơi.
Masan MEATLife không giấu giếm tham vọng trở thành một “Vinamilk trong ngành thịt”, gặt hái thành công tương tự những gì Masan Consumer đã giành được trong ngành gia vị, nước chấm.
Với những ưu điểm của thịt mát, việc chuyển dịch sang sử dụng thịt mát và thịt chế biến trong tương lai gần tại Việt Nam là tất yếu.
Masan MEATlife có những ưu thế khi lựa chọn chiến lược phát triển này.
Masan MEATLife hiện nắm trong tay chuỗi giá trị hoàn chỉnh theo mô hình 3F (từ nông trại đến bàn ăn) với 10 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Tổng công suất 3 triệu tấn/năm, trang trại chăn nuôi với sản lượng 230.000 con/năm và một tổ hợp chế biến thịt công suất 1,4 triệu con/năm, tương đương 140.000 tấn theo tiêu chuẩn châu u.
Masan 3.0 - Sự xuất hiện của chuỗi bán lẻ
Masan đã mua lại chuỗi bán lẻ Vinmart của Vingroup và xây dựng hệ thống bán lẻ kết hợp online và offline.
Tập đoàn cũng hướng đến việc hiện thực hóa tầm nhìn về một 'kỳ lân' trong ngành bán lẻ - tiêu dùng.
Trải qua năm 2020 đầy biến động khi nhiều doanh nghiệp bị tổn thương bởi đại dịch COVID-19, Masan và các công ty thành viên vẫn hoàn thành các thương vụ M&A lớn, có thể kể đến như mua lại VinCommerce, bột giặt NET, nền tảng kinh doanh vonfram của H.C.Starck hay đầu tư góp vốn vào 3F Việt.
Đặc biệt, thương vụ nhận sáp nhập hệ thống siêu thị VinMart, VinMart+, nông trại VinEco từ Vingroup giúp Masan hình thành đế chế hàng tiêu dùng - bán lẻ có quy mô lớn tại Việt Nam.
Song song đó, mảng kinh doanh cốt lõi của Masan là hàng tiêu dùng nhanh tiếp tục tăng trưởng mạnh với nhiều phát kiến mới.
Khi xu hướng tiêu dùng dịch chuyển ăn tại nhà thay vì đến hàng quán do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Masan tung ra nhiều sản phẩm thực phẩm tiện lợi mới để đón đầu.
Quả ngọt cho Masan khi kết quả doanh thu của Masan Consumer Holdings sau 9 tháng đạt 16.359 tỷ đồng, tăng trưởng 30% so với cùng kỳ năm trước.
Masan 4.0 - Ngưỡng cửa chuyển đổi số và thực hiện hóa tham vọng hệ sinh thái tiêu dùng công nghệ
Hiện tại tập đoàn Masan đang đưa công nghệ vào và ở ngưỡng Masan 4.0.
Ông Danny Lê, Tổng Giám đốc Tập đoàn Masan và ông Trương Công Thắng, Tổng Giám đốc của The CrownX đã phát biểu làm rõ chiến lược của Masan để xây dựng mạng lưới Point of Life (“POL”) với những điểm chính như nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người tiêu dùng Việt Nam thông qua các sáng kiến mang tính đột phá.
Để làm được điều này, Masan cần phục vụ những nhu cầu lớn chưa được đáp ứng của người tiêu dùng trên quy mô lớn với chi phí hiệu quả.
Thông qua Masan Consumer, Masan MEATLife và Wincommerce, Masan đã thay đổi cách người Việt Nam mua sắm và tiêu thụ thực phẩm.
Tại sự kiện năm nay, Masan đã hé lộ thêm bức tranh tổng thể để đạt được tầm nhìn hệ sinh thái Tiêu dùng – Công nghệ Point of Life (“POL”): tái định hình xu hướng tiêu dùng của người Việt (B2C) trong giai đoạn 2021 – 2022, và tiến đến thay đổi cách các doanh nghiệp nội địa vận hành (B2B) trong giai đoạn 2023 – 2024, từ đó kiến tạo nên một hệ sinh thái B2B2C vào năm 2024 trở đi.
Hệ sinh thái Tiêu dùng – Công nghệ POL là hệ sinh thái số offline-to-online bao gồm 03 thành phần chính.
Thành phần đầu tiên bao gồm các sản phẩm, dịch vụ mà Masan cung cấp cho người tiêu dùng và đối tác kinh doanh.
Thành phần thứ hai là hạ tầng thương mại kết nối tất cả các bên trong hệ sinh thái: chương trình khách hàng thân thiết, hệ thống logistics đầu cuối 4PL và giải pháp thanh toán.
Thành phần thứ ba bao gồm một nền tảng công nghệ, năng lực phân tích dữ liệu thông qua Trí tuệ nhân tạo và Máy học cũng như con người và tổ chức của Masan.
Với việc xây dựng thành phần thứ 3 này, Masan sẽ cải thiện hoạt động kinh doanh lõi và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ đến người tiêu dùng một cách chính xác, thuận tiện, giúp người tiêu dùng và đối tác tiếp cận dễ dàng.
Masan 5.0 - Hướng tới một tương lai tràn ngập công nghệ
Tiến sĩ Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch HĐQT Masan Group phát biểu: “Công nghệ đang thay đổi cuộc sống chúng ta.
Và câu hỏi lớn nhất của chúng ta là làm thế nào để luôn luôn phát triển trong sự tiến hóa của xã hội".
Ông Quang cũng chia sẻ, sau mỗi giai đoạn, sự tiến hóa sẽ bị thay thế bởi yếu tố tri thức.
"Consumer of things" - Tiêu dùng với mọi thứ
Tổng Giám đốc Danny Lê cũng giới thiệu mô hình "Mini Mall", một trung tâm mua sắm thu nhỏ.
Mô hình này sẽ tích hợp các sản phẩm, dịch vụ phục vụ các nhu cầu cơ bản, nhu cầu tài chính và nhu cầu tiêu dùng trải nghiệm (lifestyle) tại một điểm bán WinMart+ duy nhất.
Masan muốn nhân rộng mô hình "Mini Mall" lên 30.000 cửa hàng trước năm 2025 và bổ sung thêm hai mảnh ghép còn thiếu là nội dung và giải trí.
Công ty cũng dự kiến xây dựng mô hình ki-ốt kỹ thuật số tích hợp nhiều tiện ích như thanh toán không dùng tiền mặt, rút và nạp tiền, phân phối sim điện thoại, giới thiệu các chương trình khuyến mãi.
Mini Mall sẽ tích hợp các dịch vụ, sản phẩm phục vụ nhu cầu cơ bản, nhu cầu tài chính, nhu cầu tiêu dùng trải nghiệm tại một điểm bán lẻ duy nhất – nhu yếu phẩm với WinMart+, dịch vụ tài chính với Techcombank, F&B với Phúc Long, viễn thông với Reddi và chăm sóc sức khỏe.