Các tổ chức báo chí truyền thống đang mất dần vị thế

Báo in là hình thức xuất bản lâu đời và truyền thống nhất của báo chí.

Báo in hiện vẫn song hành với các loại hình báo chí ra đời sau là báo phát thanh, truyền hình, báo điện tử nhưng phải thừa nhận một điều chắc chắn rằng, thời hoàng kim của báo in đã qua.

null

Nhiều tờ báo in vốn rất hấp dẫn bạn đọc như Thanh niên, Tuổi trẻ, Phụ nữ Việt Nam… nay phải giảm số lượng phát hành đáng kể.

Có không ít tờ báo, tạp chí phải cắt giảm nhân lực vì lượng quảng cáo sụt giảm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn thu của các cơ quan báo chí.

Đó là vì cả người tiêu dùng tin tức lẫn giới quảng cáo ngày càng dồn nguồn lực vào không gian số.

Để những tờ báo nổi tiếng một thời trên quay trở lại vị trí hàng đầu sẽ cần rất nhiều thời gian và công sức cho chuyển đổi số.

Tốc độ chuyển đổi số của báo chí truyền thống vẫn chậm

Từ giữa thập niên 1990, báo chí nước ta bắt đầu ứng dụng công nghệ trong sản xuất tin bài.

Có thể kể đến như Thông tấn xã Việt Nam đã xây dựng các phần mềm soạn thảo trên máy tính cũng như thực hiện thu phát thông tin trên môi trường số và điện tử để phục vụ công tác của ngành.

Tiếp đó, nhiều ứng dụng công nghệ thông tin được đơn vị này đầu tư, phát triển nhằm phục vụ từng nhiệm vụ cụ thể.

Tuy nhiên, so với tốc độ công nghệ và thói quen tiêu thụ tin tức thì tốc độ chuyển đổi số của báo chí nước ta vẫn còn chậm.

Theo thống kê của Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến ngày 30/11/2021, đã có 259/816 cơ quan báo chí có phiên bản điện tử.

Trong đó, 230 báo và tạp chí thực hiện 2 loại hình in và điện tử; 29 báo chí điện tử độc lập (không có bản in); 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình; 5 đơn vị hoạt động truyền hình không có hạ tầng phát sóng truyền hình riêng.

null

Ngoài ra, có 224 cơ quan báo chí (164 cơ quan báo chí Trung ương; 60 cơ quan báo chí địa phương) thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, trong đó có cả những cơ quan báo chí đã có loại hình điện tử.

Có 227 chuyên trang của 88 cơ quan báo chí điện tử, gồm: 178 chuyên trang của 62 cơ quan báo chí Trung ương; 49 chuyên trang của 26 cơ quan báo chí địa phương.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cơ quan báo chí chưa có phiên bản điện tử hay trang thông tin điện tử, chuyên trang.

Thực trạng này tập trung phần lớn ở khối tạp chí, nhất là tạp chí khoa học.

Vài năm gần đây có sự tăng tốc chuyển đổi số, đem lại vài tín hiệu tích cực, nhưng đa phần báo số có gốc truyền thống vẫn còn loay hoay tìm chỗ đứng.

Báo chí trong môi trường số phải cạnh tranh với mạng xã hội

Doanh thu của báo chí phần nhiều đến từ quảng cáo. Hiện nay, báo chí không còn kiểm soát những gì công chúng có thể nghe/xem/đọc nữa.

Quảng cáo hiển thị (display advertising) trên những trang báo điện tử mất dần thế mạnh trước các thuật toán trên công cụ tìm kiếm hay mạng xã hội.

Đó là lý do vì sao gần như toàn bộ doanh thu quảng cáo số rơi vào các hãng công nghệ lớn như Google, Facebook.

null

Nhiều người hiện nay có xu hướng đọc tin trên mạng xã hội thay vì tìm đến những trang báo chính thống.

Mạng xã hội cung cấp nền tảng và các tiện ích tương tác để người sử dụng tự sản xuất và phân phối nội dung với nhau.

Khả năng lan tỏa đến hàng trăm triệu, hàng tỉ người khiến mạng xã hội trở thành một kênh phân phối không thể thiếu cho báo chí.

Nhiều tòa soạn đã tích hợp cả nhân lực, cơ sở vật chất, hạ tầng thông tin, sử dụng các trang mạng xã hội để quảng bá, truyền tải thông tin một cách đa dạng, nhanh chóng tới công chúng.

Nhưng oái oăm là báo chí có thể sử dụng mạng xã hội để tăng lượng truy cập hay xây dựng quan hệ với độc giả, nhưng không kéo được quảng cáo từ mạng xã hội về cho mình.

Mạng xã hội ăn dần các nguồn lực mà báo chí cần có để tiếp tục tạo ra các giá trị to lớn cho công chúng.

Vì thế mà mạng xã hội ngày càng phình to trong khi báo chí càng lúc càng co rút lại.

Đạo đức của người làm báo trong thời đại mới

Thời gian qua, các hành vi tiêu cực như tung tin giả mạo, phát tán tin xấu độc, xuyên tạc, bịa đặt, phát ngôn gây thù ghét... chủ yếu xuất hiện trên các mạng xã hội.

Đó là do nhận thức của người sử dụng cho rằng, đây là môi trường ảo nên có thể tự do phát ngôn, tự do thông tin mà không phải chịu bất cứ trách nhiệm nào.

Thêm vào đó, nhiều phóng viên báo chí cũng đang bị lệ thuộc quá nhiều vào mạng xã hội, lấy đề tài, thông tin từ mạng xã hội nhưng thiếu sự kiểm định, kiểm duyệt khiến nhiều khi báo chí bị chi phối quá lớn.

Cũng từ đây, thực trạng vi phạm đạo đức nghề báo, xa rời chuẩn mực truyền thống ngày càng đáng báo động.

null

Không ít sản phẩm báo chí sa vào giật gân, câu khách, miêu tả rùng rợn, ly kỳ, dung tục, kích thích những thị hiếu tầm thường.

Hiện tượng “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ” diễn ra với các báo điện tử, trang thông tin điện tử đã gây không ít bức xúc đối với dư luận xã hội.

Dù chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh”, nhưng những hành vi trên đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến những nhà báo hoạt động chân chính và làm giảm lòng tin của độc giả với báo chí truyền thông.

Thông tin trong thời đại số có thể được lan tỏa với tốc độ nhanh đến chóng mặt. Vì thế người làm báo cần có sự khách quan khi đưa thông tin đến với công chúng.

Báo chí không chỉ đóng vai trò là nguồn thông tin phản ánh mọi lĩnh vực đời sống xã hội mà báo chí trong thời kỳ mới còn là "bộ lọc" thông tin, giải đáp hướng dẫn, phân tích các vấn đề trong xã hội.

Sự chuyển dịch phương thức tiếp cận thông tin của người đọc từ bị động sang chủ động và công nghệ định hướng, dẫn dắt người dùng sẽ là xu thế chủ đạo trong tương lai.

Điều đó đòi hỏi các cơ quan báo chí phải có chiến lược hoạt động theo mô hình mới để giải quyết các thách thức của báo chí trong môi trường số và đáp ứng nhu cầu của khán giả.