Ngày 26/2/2021, VnExpress kỷ niệm 20 năm thành lập, một quá trình cải tiến và không ngừng đổi mới về công nghệ để ngày một hoàn thiện.

null Giao diện đầu tiên của VNExpress.


Mở ra các khái niệm "bài báo mở", "tường thuật trực tiếp" và "phỏng vấn trực tiếp" tại Việt Nam

Đầu tiên, cần nói đến phần mềm cho phép thực hiện loại hình "bài báo mở" của VnExpress. Với phần mềm này, bài báo sau khi đã lên trang vẫn tiếp tục được cập nhật.

Với khả năng đó, VnExpress sau này đem đến cho độc giả các bài "Tường thuật trực tiếp" và "Phỏng vấn trực tuyến" đầu tiên tại Việt Nam.

Tiến sĩ Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông chia sẻ:

"Ra mắt trên Internet ngày 26/2/2001, VnExpress là báo mạng hoàn toàn, không có bản in giấy, có thể đưa tin ngay lập tức, trực tiếp lên trên phạm vi trong nước cũng như quốc tế.

Điều này có tác dụng rất mạnh, tạo điều kiện cho Việt Nam gắn bó với thế giới, người Việt Nam ở nước ngoài cũng phấn khởi vì đọc được thông tin rất nhanh, nắm được tình hình trong nước".

Tái cấu trúc toàn bộ sau một thập kỷ

Một thập kỷ sau đó, nhu cầu phát triển ngày càng lớn buộc đội công nghệ phải đối mặt với một hệ thống bắt đầu phình to, nặng nề. Việc phát triển các tính năng mới trở nên phức tạp hơn với nền tảng công nghệ lúc bấy giờ.

Thái Xuân Lãm, kỹ sư phụ trách kiến trúc, framework của VnExpress cho biết để chuyển sang nền tảng mới, VnExpress bắt buộc phải thay đổi toàn bộ, từ xây dựng kiến trúc đến ngôn ngữ lập trình và cơ sở dữ liệu.

Các công việc cần làm có thể kể đến biên tập mặt trang, cải tiến mục bình luận của bài viết để người đọc có thể tương tác với nhau, hoàn thiện hệ thống CMS,... - mất rất  nhiều thời gian và công sức của toàn thể đội ngũ.

"Cuộc di cư số" đầu tiên của VnExpress không chỉ giải quyết bài toán về tòa soạn hội tụ, tính bản quyền trong các ứng dụng công nghệ, mà còn mở rộng hệ thống khi lượng truy cập của độc giả vào báo ngày càng cao. 

null

VnExpress là một trong những báo điện tử đầu tiên xây dựng ứng dụng đọc báo trên cả nền tảng iOS lẫn Android.


Đón đầu xu hướng 'mobile first'

Năm 2014, ứng dụng di động nở rộ, "mobile first" trở thành xu hướng toàn cầu. VnExpress nhanh chóng ra mắt ứng dụng đọc báo trên iOS và Android.

Không chỉ mang đến những trải nghiệm mới, ứng dụng còn cá nhân hóa trải nghiệm của người dùng.

Theo ông Nguyễn Văn Ngọc, người quản lý kỹ thuật bộ phận nội dung số của VnExpress, đội kỹ thuật của báo đã nghiên cứu về chuẩn WAP, giảm tối đa hình ảnh, background, giảm dung lượng để giúp độc giả truy cập trên các thiết bị cầm tay mượt mà nhất có thể.

Nâng cấp lên IPv6

Trước sự bùng nổ về dịch vụ tiện ích trên Internet, không gian địa chỉ IPv4 dần cạn kiệt, còn IPv6 lại là một giải pháp khắc phục được những hạn chế của phiên bản cũ. 

Sớm nhìn thấy những hạn chế của IPv4, từ năm 2009, VnExpress đã nghiên cứu công nghệ và xin cấp phát địa chỉ IPv6 để chuẩn bị cho kế hoạch triển khai, bám sát lộ trình Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia - Trung tâm Internet Việt Nam - đưa ra.

Các hệ thống monitor tự động đã được ứng dụng để đảm bảo chỉ số SLAs, như Application Performance Monitoring (APM), sử dụng chatbot trong quản trị và xử lý sự cố hạ tầng, network...

Quá trình chuyển đổi hoàn tất từ cuối năm 2017, VnExpress trở thành đơn vị nội dung số đầu tiên chuyển đổi thành công IPv6 thời điểm đó.

null  VnExpress trở thành đơn vị nội dung số đầu tiên chuyển đổi thành công IPv6 tại Việt Nam vào năm 2017.


Tính năng Recommendation

Năm 2017, khi vừa hoàn tất chuyển đổi sang giao thức IPv6, đội kỹ thuật của VnExpress đã áp dụng thành công tính năng Recommendation (Có thể bạn quan tâm) trong hoạt động xuất bản, bước đầu ghi nhận tỷ lệ nhấp chuột (CTR) của độc giả đạt từ 15 đến 20%.

Hỗ trợ phóng viên, biên tập viên với AI và Big Data

Những công nghệ mới trong lĩnh vực AI cũng đang được áp dụng trong VnExpress như Natural Language Processing (NLP), Machine Learning (ML), Vision, Speech (Speech To Text, Text To Speech), hỗ trợ các nhân viên trong việc sản xuất tin bài, đề xuất tin liên quan, lựa chọn tin bài...

Hệ thống cũng hỗ trợ tự động phân loại bình luận, ứng dụng NLP giúp giảm lượng comment tồn từ 40% xuống còn 5%, thời gian xử lý bình luận tăng 50% so với thao tác thủ công.

Công cụ kiểm tra lỗi chính tả giúp giảm 70% thời gian soát lỗi cho biên tập. Hệ thống phân tích dữ liệu video của độc giả trên các nhà mạng (ISP) giúp phát hiện và xử lý lỗi nhanh và kịp thời. Giảm trung bình 80% thời gian xử lý lỗi về video.

Theo VNExpress