GS.TS Nguyễn Đức An - nhà báo tại TP.HCM và hiện đang là giáo sư báo chí tại Đại học Bournemouth (Anh) vừa qua đã có những phân tích đắt giá về tình hình của báo chí trong kỷ nguyên số trong buổi phỏng vấn với báo Kinh tế Sài Gòn.
Với xu hướng kinh tế báo chí hiện nay, GS.TS Nguyễn Đức An đã đưa ra những nhận định khách quan về trở ngại cũng như cơ hội phát triển của báo chí truyền thống trong kỷ nguyên số.
Ở bài viết này, Trends Việt Nam sẽ tập trung đi vào phân tích những cơ hội phát triển và tương lai của ngành báo chí.
Thay đổi tư duy trong nhận thức về việc phân loại các loại báo (chủ yếu giữa báo giấy và báo điện tử)
Báo điện tử ra đời thuộc mục tiêu chuyển đổi số của ngành báo chí, nhằm đáp ứng kịp nhu cầu theo dõi thông tin của người đọc.
Tuy nhiên, đa số mọi người thường suy nghĩ chính báo điện tử là nguyên nhân khiến cho báo giấy trở nên kém được ưa chuộng.
Trước ý kiến trên, GS.TS Nguyễn Đức An nhận định:
Báo chí cho dù là xuất thân từ môi trường nào cũng đều đã và đang phải tiếp tục chuyển mình theo mô hình tổ hợp truyền thông, kết hợp nhiều loại hình khác nhau trên nhiều nền tảng khác nhau dưới cùng một thương hiệu.
Một cách ngắn gọn, báo chí truyền thống hay báo chí điện tử cũng đều là cách thức thể hiện của cùng một đơn vị truyền thông hay công ty tin tức.
Nhiều tờ báo in ở Âu, Mỹ giờ đã đổi tên thành công ty tin tức hay hãng truyền thông, vì giờ họ làm cả ấn phẩm web, ứng dụng, mạng xã hội, tin thư điện tử.
Mô hình kinh doanh, dòng sản phẩm, nguồn doanh thu, tổ chức tòa soạn, quy trình phát hành từ đó cũng thay đổi theo để phù hợp với sự mở rộng trên.
Báo chí truyền thống hiện đang phải đối diện với những tư duy có phần tiêu cực về sự biến mất trước cuộc đổ bộ mạnh mẽ đến từ báo điện tử.
Những câu hỏi như làm thế nào để báo in tiếp tục nuôi báo điện tử, làm sao để báo điện tử không làm hại báo in luôn hiện lên khi đề cập đến vấn đề này.
Nếu không thay đổi hướng nhìn nhận sự việc, báo chí truyền thống sẽ mãi ở trong vòng luẩn quẩn giữa những câu hỏi khó có lời giải đáp, từ đó càng dẫn đến kết quả bị thụt lùi trong kỷ nguyên số.
Thay vì nhìn nhận báo chí truyền thống và báo điện tử như hai thực thể tách rời, chúng ta nên bắt đầu nhận diện chúng như một tổ chức cùng hoạt động, bổ trợ cho nhau và tạo ra lợi ích kinh doanh, lợi ích cho cộng đồng.
Theo ông Nguyễn Đức An, lối suy nghĩ truyền thống sẽ cản trở tư duy cách tân triệt để và tinh thần sáng tạo thấu đáo cần thiết để có thể phát triển bền vững ngành báo trong tương lai.
Xu hướng báo chí, xu hướng truyền thông
Kỷ nguyên số và ngành công nghiệp báo chí có thể phát triển cùng nhau.
Theo khảo sát của Viện Reuters thuộc Đại học Oxford với 246 cơ quan báo chí thuộc 52 nước đã cho thấy 60% trong số cơ quan báo chí đã báo cáo tăng doanh thu trong thời gian dịch bệnh.
Trong bối cảnh đại dịch và thông tin hỗn loạn, nhiều người sẵn sàng bỏ tiền đăng ký mua tin tức từ những nguồn họ tin cậy.
Cũng trong cuộc khảo sát này, có đến 75% nhân viên có niềm tin vào công ty báo chí mà mình đang làm.
Các số liệu tích cực trên cho thấy những nỗ lực chuyển đổi số mạnh mẽ gần đây trong ngành công nghiệp báo chí đã ít nhiều có hiệu quả.
Có thể thấy, báo chí vốn đã có chỗ đứng nhất định trong lòng người đọc, đặc biệt là những tờ báo lớn có uy tín.
Kỷ nguyên số vừa là thách thức nhưng cũng vừa là cơ hội cho ngành báo chí.
Nếu nắm bắt được xu hướng đọc tin từ người dùng, kết hợp với chuyển đổi số, những tờ báo hay các công ty báo chí nhiều khả năng sẽ vực dậy được doanh thu, tạo được tiền đề phát triển báo chí nói chung trong kỷ nguyên số.
Phát triển sản phẩm và mô hình kinh doanh
Đa dạng hóa sản phẩm và nguồn thu chính là chìa khóa dẫn đến sự thành công.
Nếu như trước đây, báo giấy kiếm nguồn thu chủ yếu dựa vào các nguồn quảng cáo thì giờ đây, phương thức này không còn hiệu quả.
Vào môi trường số, báo chí không còn kiểm soát những gì công chúng có thể nghe, xem, đọc theo kiểu “từ trên xuống” nữa.
Quảng cáo hiển thị (display advertising) mất dần thế mạnh trước các mô thức đẩy quảng cáo “từ dưới lên” qua thuật toán trên các cỗ máy tìm kiếm hay các mạng xã hội.
Theo thống kê, gần như toàn bộ doanh thu quảng cáo số rơi vào các đại công ty công nghệ (Big Tech).
Theo dự báo của eMarketer, Google (kể cả YouTube) và Facebook (kể cả Instagram) sẽ vẫn chiếm hơn một nửa (53%) doanh thu quảng cáo số toàn cầu vào năm 2023.
Các tổ chức báo chí vì thế phải cạnh tranh với nhau cho một thị phần không chỉ tí hon mà càng lúc càng bị chia vụn.
Giải pháp đặt ra ở đây là báo chí cần phải thích ứng nhanh hơn, tận dụng các công nghệ mới, nhất là trí thông minh nhân tạo, để tăng hiệu năng quảng cáo, đẩy quảng cáo đến đúng đối tượng tiêu dùng.
Đa dạng hóa sản phẩm và nguồn thu cũng chính là phương án tốt nhất để đảm bảo doanh thu vững vàng.
Trong các nguồn thu tiềm năng, phí nội dung đang là xu hướng được coi trọng và đang tạo nên những hy vọng mới.
Một số tên tuổi như New York Times, Washington Post ở Mỹ hay Times, Financial Times ở Anh đã thành công trong việc thuyết phục độc giả trả tiền.
Nổi bật nhất là New York Times, với lượng thuê bao tin dài hạn tăng hơn gấp đôi từ 2,8 triệu vào quý 1 năm 2019 lên 6,2 triệu quý 1 năm 2022 (chưa kể hơn 2,5 triệu thuê bao các dịch vụ nội dung phi tin tức khác như ẩm thực, trò chơi, điểm sản phẩm).
Tín hiệu tích cực từ các quốc gia tiên phong trong việc giành lại lợi phần quảng cáo cho báo chí từ sự bành trước của các trang Mạng xã hội
Tuy mạng xã hội với sức ảnh hưởng rộng lớn của mình đã trở thành một kênh phân phối không thể thiếu cho báo chí nhưng cũng chính nó lại đang độc chiếm nguồn doanh thu quảng cáo đến từ chính việc khai thác nguồn tin từ những kênh báo chí truyền thống.
GS.TS Nguyễn Đức An đánh giá tình trạng bất công trên là một khiếm khuyết thị trường (market failure) và cần có sự can thiệp đến từ nhà nước để cân bằng lại sự việc.
Úc là nước tiên phong trong việc giành lại công bằng cho báo chí truyền thống.
Úc đã ra đạo luật bắt buộc các mạng xã hội và các ông lớn công nghệ là Facebook, Google phải chia lại một phần doanh thu cho báo chí, để đảm bảo cho báo chí bền vững, tiếp tục cống hiến cho các giá trị dân chủ và tiến bộ xã hội.
Liên minh châu Âu ra Chỉ thị về bản quyền, thành quả là các hãng công nghệ hoạt động tại khu vực này đã bắt đầu chi trả cho các công ty báo chí.
Ở Anh, nơi 80% thị phần quảng cáo số thuộc về Facebook và Google, một đạo luật tương tự đang được soạn thảo, bắt buộc hai ông lớn công nghệ đàm phán trả tiền cho báo chí.
Đạo luật này còn đảm bảo cho báo chí đủ thông tin minh bạch về các thuật toán thúc đẩy lượng truy cập và doanh thu, thêm khả năng kiểm soát cách thức trưng bày nội dung và thương hiệu trên mạng xã hội, cũng như tiếp cận dữ liệu về cách thức người dùng tương tác với nội dung báo chí.
Những nỗ lực kiểm soát sức ảnh hưởng và độc quyền doanh thu của những ông lớn công nghệ đến từ các chính phủ chính là tín hiệu tích cực cho ngành báo chí nói chung.
Thế hệ nhà báo tương lai sẽ là “key factor” cho tương lai của ngành báo chí
Với một thế hệ trẻ năng động, sáng tạo trong cả tư duy lẫn phong cách sống, cực kỳ thức thời với những thay đổi và luôn theo kịp xu hướng mới nhất, điển hình là Gen Z, viễn cảnh báo chí phát triển không còn quá xa vời.
Ngành báo chí trong tương lai sẽ sở hữu một lực lượng lao động trẻ đa năng, không chỉ còn gói gọn kỹ năng trong cây bút, máy quay, trang giấy, màn hình mà sẵn sàng thể hiện khả năng trong một thế giới truyền thông phức tạp, đa nguyên, đa phương tiện, đa nền tảng, đa sản phẩm.
Có thể nói, lực lượng lao động trẻ hiện nay không chỉ thẩm định thông tin và kể chuyện báo chí giỏi theo từng môi trường, mà còn có thể được đào tạo để hiểu rõ nhu cầu của người tiêu dùng, nắm vững xu hướng công nghệ để liên tục cách tân.
Thế hệ trẻ cũng là những người am hiểu và thường xuyên sử dụng các thiết bị công nghệ, những trang mạng xã hội và ứng dụng truyền thông nhiều nhất.
Chính vì vậy, đứng trước một kỷ nguyên số mạnh mẽ, lớp nhà báo trẻ với kiến thức và kỹ năng kỹ càng về chuyển đổi số sẽ có khả năng cải tiến và tối ưu doanh thu của báo chí, từ đó xây dựng nền tảng cho một tương lai phát triển bền vững cho ngành báo chí.
Tuy vẫn còn nhiều trở ngại và mối lo phát triển ngành, nhưng tương lai báo chí nói chung vẫn còn rất nhiều cơ hội để phát triển trong kỷ nguyên số.
Tích cực chuyển đổi số, kết hợp với những nỗ lực đến từ chính phủ, cải thiện nguồn thu, đa dạng hóa sản phẩm và xây dựng một đội ngũ nhà báo trẻ kỹ năng chính là những yếu tố góp phần tạo nên cơ hội cho ngành báo chí phát triển bền vững.