Số liệu thống kê từ 2 doanh nghiệp bưu chính là Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) và Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) cũng cho hay, trong thời gian từ ngày 1/4 đến ngày 10/4, số lượng đơn hàng nông sản trên các sàn thương mại điện tử Postmart và Vỏ Sò là hơn 2.600 đơn.
Trong 33 nhà cung cấp sản phẩm nông sản và đặc sản vùng miền mới tham gia các sàn thương mại điện tử của doanh nghiệp bưu chính, có 21 nhà cung cấp mở gian hàng trên sàn Vỏ Sò và số nhà cung cấp nông sản mở mới trên sàn Postmart là 12.
Thông tin về sự hỗ trợ các hộ nông dân làm quen với công nghệ số, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, đại diện Vietnam Post cho biết, từ đầu tháng 4/2021, sàn Postmart đã triển khai khóa đào tạo ngắn hạn về việc kinh doanh trên sàn tại Hà Nam và Thái Bình dành cho hộ kinh doanh trên địa bàn.
Cụ thể, sau khóa đào tạo ngắn hạn, đã có ngay lập tức 4 nhà cung cấp đưa sản phẩm lên sàn Postmart, trong tuần sau khi thực hiện các thủ tục ký hợp đồng với sàn thành công.
Ngoài ra, trong thời gian đào tạo và hỗ trợ các hộ kinh doanh này, sàn thương mại điện tử Postmart đồng thời cung cấp và ưu đãi sử dụng miễn phí cho các hộ kinh doanh đăng ký sớm gói dịch vụ Markeing như ưu tiên vị trí hiển thị trên sàn, ưu tiên tối ưu từ khóa tìm kiếm…
Đây là những bước hỗ trợ được đánh giá khá hiệu quả và hữu ích, đặc biệt dành cho những nhà cung cấp mới tham gia hoạt động trên sàn.
Với sàn thương mại điện tử Vỏ Sò, trong chiến dịch ứng dụng công nghệ số giúp nông sản Việt thoát cảnh giải cứu được triển khai tại Hải Dương, với việc tổ chức hàng chục nhóm nhân sự trực tiếp xuống các hợp tác xã, trang trại, hộ nông dân, đơn vị này đã hướng dẫn cho khoảng 200 hộ nông dân về cách thức kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, đã có 50 hộ mở gian hàng trên sàn Vỏ Sò.
Trong kế hoạch được sàn Vỏ Sò xây dựng cho các tháng cuối năm 2021, đơn vị này dự kiến từ khoảng giữa tháng 4 đến tháng 11 sẽ tập trung đưa toàn bộ các sản phẩm đạt tiêu chuẩn chứng nhận OCOP, VietGap lên sàn.
Cùng với đó, trong 3 quý cuối năm nay, Viettel Post cũng tham gia hỗ trợ chuyển đổi số tại 9 tỉnh, thành phố gồm:
Sơn La, Lào Cai, Bắc Giang (quý II); Bến Tre, Cần Thơ, Hậu Giang, Đồng Tháp (quý III); Lâm Đồng, Nghệ An (quý IV).
Từ thực tế triển khai tại Hải Dương, các doanh nghiệp bưu chính đều có chung nhận định, các hộ nông dân đa phần vẫn chưa quen với phương thức bán hàng và mua hàng trực tuyến.
Vì thế, việc tuyên truyền, hướng dẫn để giúp bà con nông dân chuyển đổi nhận thức, thay đổi thói quen cần được duy trì lâu dài, đòi hỏi các đơn vị phải kiên trì.
Ở góc độ của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), trao đổi với ICTnews, Chủ tịch VECOM Nguyễn Thanh Hưng nhận định, xu thế dịch chuyển và mở rộng các kênh bán hàng trên môi trường trực tuyến là điều chúng ta đều nhìn thấy, không chỉ sản phẩm hàng hoá thông thường, mà kể cả các sản phẩm nông sản.
Do vậy người nông dân sẽ cần thích nghi nhanh với sự thay đổi này.
Với việc tổ chức kênh tiêu thụ nông sản qua các sản thương mại điện tử, người nông dân không chỉ có thêm kênh bán hàng mà qua đó có thể quảng bá tốt hơn sản phẩm của mình đến với các đối tác và người tiêu dùng cuối cùng.
“Thách thức lớn trong việc bán hàng nông sản trên môi trường trực tuyến là việc bảo quản và vận chuyển cho đơn hàng nhỏ lẻ, nếu có sự hỗ trợ tốt của các nhà vận chuyển cơ hội sẽ mở ra rất lớn cho người nông dân”, ông Hưng chia sẻ.
Đại diện VECOM cũng cho rằng, việc các doanh nghiệp tham gia hỗ trợ nông dân đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử là rất đáng khích lệ.
Mặc dù là giải pháp tình thế nhưng đây là cơ hội tốt để bà con thấy được hiệu quả của kênh bán hàng mới.
Chúng ta cần giúp người nông dân duy trì và phát huy mô hình thay đổi này, từ việc xây dựng các nền tảng cho bán hàng trực tuyến đến đào tạo kỹ năng vận hành khi bán hàng trên Internet.
Tổng hợp