Sự bùng nổ của thị trường Edtech Việt Nam
Theo báo cáo của Ken Research, thị trường Edtech Việt Nam có thể đạt giá trị 3 tỷ USD vào năm 2023, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm đạt khoảng 20,2% trong giai đoạn 2019 - 2023.
Sự trỗi dậy của Edtech tại Việt Nam là một dấu hiệu hy vọng cho thấy lực lượng lao động của đất nước sẽ được trang bị tốt hơn cho một thị trường số hóa và toàn cầu hóa.
Nhiều tập đoàn lớn và các startup đều đang nỗ lực để chia sẻ một phần của “miếng bánh” này.
Tập đoàn FPT là nhà cung cấp CNTT phổ biến nhất tại Việt Nam và đang ngày càng trở thành một công ty lớn trong lĩnh vực Edtech.
Ứng dụng của họ sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để điều chỉnh trải nghiệm học tập phù hợp với nhu cầu cá nhân của từng học sinh.
Theo FPT, có khoảng 40.000 trường học duy trì 3 triệu tài khoản.
Không chỉ có các công ty trong nước đang có những bước phát triển nhảy vọt trong ngành Edtech mà nhiều “ông lớn” ở các quốc gia như Australia, Nhật Bản, Canada, Hàn Quốc đều đã nhìn thấy tiềm năng lớn của thị trường Việt Nam và họ bắt đầu đưa các mô hình Edtech vào một cách mạnh mẽ hơn.
Bên cạnh đó, các công ty khởi nghiệp cũng đang thúc đẩy sự bùng nổ của Edtech.
Tập đoàn Giáo dục EQuest, tập trung vào việc giảng dạy tiếng Anh và giáo dục kỹ thuật số cho lực lượng lao động cạnh tranh toàn cầu, đã nhận được 100 triệu USD đầu tư từ một công ty cổ phần tư nhân của Mỹ KKR vào đầu năm nay.
Chính phủ Việt Nam cũng đang tỏ rõ sự quan tâm đến lĩnh vực công nghệ giáo dục và đặt ra mục tiêu đưa giáo dục trực tuyến đến 90% trường đại học và 80% trường trung học và đào tạo nghề vào năm 2030.
Năm 2021: Năm kỷ lục về vốn đầu tư vào Edtech trên toàn cầu
Edtech (Education Technology) là từ kết hợp giữa Education (giáo dục) và Technology (công nghệ).
Edtech được hiểu là áp dụng công nghệ vào giáo dục, hay được gọi với cái tên khác là giáo dục 4.0.
Khái niệm này đề cập đến việc đưa các kỹ thuật áp dụng công nghệ thông tin vào giáo dục bao gồm: phần cứng và phần mềm vào việc giảng dạy nhằm nâng cao trải nghiệm học tập một cách toàn diện và hấp dẫn hơn.
Theo Grand View Research, ngành công nghiệp Edtech đã có giá trị hơn 76 tỷ USD vào năm 2019 và được dự kiến tăng trưởng với mức tăng trưởng kép hàng năm vào khoảng 18,1% từ năm 2020 - 2027.
Tại Châu Âu, đầu tư mạo hiểm vào lĩnh vực Edtech năm 2021 đã đạt 2,5 tỷ USD, cao hơn 3 lần so với chỉ 785 triệu USD năm 2020.
Con số này ở thị trường Bắc Mỹ là 9,3 tỷ USD, tăng hơn 181% so với năm 2020.
Thị trường Edtech Ấn Độ cũng ghi nhận mức tăng tương tự, từ 1,8 tỷ USD năm 2020 lên 4 tỷ USD năm 2021.
Trong một báo cáo năm 2020, MarketsandMarkets dự báo, thị trường Edtech toàn cầu sẽ đạt 181,3 tỷ USD vào năm 2025, gấp hơn 2 lần so với 85,8 tỷ USD năm 2020, với mức tăng trưởng kép hàng năm CAGR là 16,1%.
Thị trường Edtech tại Việt Nam - "ngôi sao mới nổi" thời đại dịch
Theo Ken Research, quy mô thị trường Edtech Việt Nam sẽ đạt 3 tỷ USD vào năm 2023 với tỉ lệ tăng trưởng kép hàng năm CAGR là 20,2% trong giai đoạn 2019-2023.
Tiềm năng nhưng không dễ dàng "khai phá"
Nhiều chuyên gia đánh giá, lĩnh vực công nghệ giáo dục công nghệ tại Việt Nam hiện còn rất nhiều tiềm năng phát triển.
Sự gia tăng mạnh mẽ vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này trong năm 2021 là bằng chứng.
Tuy nhiên, dù nhiều cơ hội, lợi nhuận cao nhưng cũng có không ít thách thức.
Và trong số những startup trong lĩnh vực Edtech bỗng trở thành những “ngôi sao mới nổi” thì đâu đó vẫn còn nhiều nhà đầu tư đã thất bại đành chia tay lĩnh vực "nóng" tưởng "dễ ăn" này.
Thứ nhất, phải thừa nhận, học trực tuyến đã hoàn toàn “soán ngôi” học trực tiếp trên lớp trong giai đoạn COVID-19.
Nhưng khi dịch bệnh được kiểm soát, học trực tiếp vẫn là hình thức học tập phổ biến nhất.
Thứ hai, thị trường Edtech tăng trưởng nhanh chóng sẽ “mời gọi” nhiều công ty tham gia, áp lực cạnh tranh là không hề nhỏ.
Muốn tồn tại và phát triển, các doanh nghiệp Edtech phải tìm ra hướng đi sáng tạo để giải quyết nhu cầu của người dùng, nâng cao khả năng cạnh tranh.
Thứ ba, các chuyên gia nhận định, “cuộc chơi” giáo dục là cuộc chơi dài hạn.
Để “hái quả ngọt”, nhà đầu tư cần ít nhất 5 năm. Đầu tư “lướt sóng” hay tìm kiếm siêu lợi nhuận trong thị trường này là điều không thể.
Tiềm năng phát triển của lĩnh vực Edtech tại Việt Nam là rất lớn, nhưng cần phải có thêm thời gian để đánh giá khả năng sinh lời nó.
Dẫu vậy, trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra nhanh hơn, cơ hội sẽ luôn đến cho những nhà đầu tư biết nắm bắt và có sự chuẩn bị.