Theo thống kê của khảo sát, thị trường lao động phổ thông tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng đáng chú ý về nhu cầu tìm việc.

Theo đó, sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, nền kinh tế đã có những chuyển biến và phục hồi tích cực.

Thị trường lao động phổ thông ghi nhận tăng trưởng sau COVID-19

Một minh chứng là bức tranh chung của thị trường lao động phổ thông nửa đầu năm 2022 ghi nhận sự tăng trưởng rõ rệt trong nhu cầu tìm việc dù có trải qua giai đoạn trầm lắng thường niên trước và sau Tết Âm Lịch.

Đỉnh điểm gia tăng lượng tìm việc kể từ khi hết giãn cách là tháng 3/2022 khi tăng 31% so với tháng 10/2021.

Nhu-cầu-tìm-việc-làm-lao-động-phổ-thông-tăng-trưởng-mạnh-mẽ-nửa-đầu-năm-2022-Ảnh-Việc-Làm-Tốt.
Nhu cầu tìm việc làm lao động phổ thông tăng trưởng mạnh mẽ nửa đầu năm 2022. Ảnh: Việc Làm Tốt.

Nhu cầu tìm việc của nhóm ngành Nhà hàng - Khách sạn tăng trưởng mạnh nhất nửa đầu năm 2022

Theo thống kê, Quý 2/2022 có xu hướng khác biệt so với mức độ tăng trưởng mạnh mẽ về nhu cầu tìm việc của Quý 1 bởi không có nhiều biến động, khi chứng kiến mức giảm nhẹ vào tháng 4/2022 và nhanh chóng đổi chiều tăng trở lại từ tháng 5/2022 đến nay.

Đặc biệt, nhu cầu tìm việc của 4 nhóm ngành gồm Công nhân, Tài xế - Giao nhận, Bán hàng, Nhà hàng - Khách sạn đều ghi nhận số liệu tăng trưởng trong nửa đầu năm 2022.
Theo-thống-kê-mọi-nhóm-ngành-chính-của-lao-động-phổ-thông-đều-ghi-nhận-sự-tăng-trưởng-trong-Quý-1-2022.
Theo thống kê, mọi nhóm ngành chính của lao động phổ thông đều ghi nhận sự tăng trưởng trong Quý 1/2022.
Đáng chú ý, nhóm ngành nhân viên Nhà hàng - Khách sạn có sự phục hồi mạnh mẽ khi tăng tới 25% so với cao điểm Quý 4/2021.
Điều này cho thấy những dấu hiệu phục hồi tích cực của nguồn nhân lực ngành dịch vụ sau một năm 2021 đầy biến động.

Bên cạnh đó, nhóm ngành Bán lẻ (làm việc tại siêu thị, cửa hàng tiện lợi, v.v..) và Tài xế - Giao nhận cũng ghi nhận mức tăng trưởng trong nhu cầu tìm việc từ giai đoạn sau Tết lần lượt là 13% và 19%.

Mức lương bình quân toàn thị trường tăng trưởng xuyên suốt

Mức lương bình quân toàn thị trường nhìn chung tăng trưởng xuyên suốt trong những tháng đầu năm 2022, và đạt đỉnh vào tháng 04/2022 khi tăng trưởng 12,4% so với thời điểm đầu năm.

Đặc biệt là thời điểm sau Tết Âm Lịch (tháng 03/2022) ghi nhận sự tăng trưởng rõ rệt nhất với mức tăng 6.8% so với cùng kỳ năm 2021.

Tuy nhiên, tiến vào giữa năm, mức lương trên thị trường hiện đang có xu hướng giảm nhẹ.
Xu-hướng-tăng-trưởng-mức-lương-bình-quân-Ảnh-Việc-Làm-Tốt.
Xu hướng tăng trưởng mức lương bình quân. Ảnh: Việc Làm Tốt.
Nhóm ngành Tài xế - Giao nhận và Nhà hàng - Khách sạn tăng trưởng cao nhất với mức tăng lần lượt là 11.2% và 10.4%.

Điều này phản ánh độ nóng trong nhu cầu và cạnh tranh nguồn lao động của hai nhóm ngành này so với các ngành khác.

Đáng chú ý ở nhóm ngành Công nhân, mức lương trung bình ghi nhận được ở TP.HCM vượt lên dẫn đầu ở mức 9,8 triệu đồng/tháng.

Tại Bình Dương và Đồng Nai, so với giai đoạn Quý 4/2021, mức lương của nhóm ngành này giữ nguyên, không có sự thay đổi nào.

Trong khi đó, mức lương của Công nhân ở TP.HCM vốn luôn ở mức thấp so với cùng vị trí tại các tỉnh tập trung khu chế xuất, nhà máy như Bình Dương, Đồng Nai, vẫn tiếp tục tăng từ sau thời điểm giãn cách xã hội đến nay.

Việc các doanh nghiệp tại TP.HCM liên tục nâng cao mức lương cho nhóm ngành Công nhân phản ánh mức độ thiếu hụt nguồn nhân lực so với nhu cầu sản xuất thực tế.

Ngược lại, ở nhóm ngành Tài xế - Giao nhận thì Bình Dương và Đồng Nai được ghi nhận điểm nóng về nguồn lao động, với mức lương dẫn đầu các ngành, dao động từ 10 - 10,5 triệu đồng/tháng.

Sự thay đổi về nhu cầu tìm việc khi nền kinh tế phục hồi

2/3 lao động muốn quay lại tìm việc ở các thành phố trọng điểm

Trong thời gian giãn cách xã hội từ tháng 08/2021 để phòng chống dịch COVID-19 lần thứ 4 tại TP.HCM, phần đông lao động nhập cư thất nghiệp đã lựa chọn về quê (chiếm hơn 22%).

Khoảng 16% cố bám trụ lại thành phố để tìm việc khác, hy vọng dịch qua đi sẽ nhanh chóng đi làm ngay, hoặc lựa chọn các công việc thời vụ, bán thời gian để trang trải thu nhập trong ngắn hạn.

Khi nền kinh tế dần phục hồi sau dịch, có đến hơn 2/3 lao động muốn quay trở lại tìm việc ở các thành phố trọng điểm.
Theo khảo sát, trong số những lao động đã về quê thời gian qua, có hơn 68% lao động mong muốn quay trở lại thành phố tìm việc, khoảng 18% người đã tìm được việc và chỉ 13% có dự định tiếp tục tìm việc ở quê nhà thay vì quay lại các thành phố trọng điểm.

Do trong giai đoạn phục hồi kinh tế, các cơ quan quản lý cũng như các doanh nghiệp đã đề ra những chính sách phúc lợi hấp dẫn nhằm thu hút đông đảo người lao động trở về các khu vực kinh tế trọng điểm.

Một lượng lớn công việc đang tuyển ở các thành phố thu hút nhiều lao động chọn quay trở lại, bên cạnh đó là lý do văn hoá và phúc lợi.

Lý-do-người-lao-động-chọn-tìm-việc-ở-các-thành-phố-trọng-điểm-Ảnh-Việc-Làm-Tốt.
Lý do người lao động chọn tìm việc ở các thành phố trọng điểm. Ảnh: Việc Làm Tốt.

Những văn hóa làm việc mới hình thành những tiêu chí mới

Trong thời gian bình thường mới, những yếu tố phòng chống dịch bệnh không còn là tiêu chí hàng đầu của người lao động khi tìm việc.

Song, việc người lao động được chủ động thời gian làm việc hay cho phép làm việc tại nhà đã được hình thành trong suốt giai đoạn diễn biến dịch bệnh đến nay đã dần trở thành văn hóa làm việc mới, không chỉ của riêng các nhóm ngành việc làm hành chính - văn phòng mà còn cả lực lượng lao động phổ thông.

Nhiều lao động cũng ưu tiên tìm việc có tính tự do về thời gian, giờ giấc lao động và không gian, môi trường làm việc.

Những-tiêu-chí-được-ưu-tiên-nhất-khi-tìm-việc-mới-của-người-lao-động-Ảnh-Việc-Làm-Tốt.
Những tiêu chí được ưu tiên nhất khi tìm việc mới của người lao động. Ảnh: Việc Làm Tốt.

3 nhóm ngành nghề được tìm kiếm nhiều nhất và đồng thời đáp ứng được các tiêu chí này gồm có:

  • Bán hàng và chăm sóc khách hàng.
  • Việc làm trực tuyến, gia công tại nhà.
  • Tài xế - Giao nhận.

Trong số những ngành nghề phổ thông phổ biến (Công nhân, Bán hàng, nhân viên Nhà hàng - Khách sạn và Tài xế - Giao nhận), nhóm lao động Công nhân có xu hướng tìm việc thay đổi rõ rệt hơn hẳn.

Khoảng 61% số lao động từng làm Công nhân nay bắt đầu tìm việc ở những nhóm ngành khác, với mong muốn làm những công việc linh hoạt về thời gian.

Do vậy, đa phần những công việc mà nhóm lao động này tìm kiếm là những công việc làm trực tuyến hoặc gia công tại nhà, Bán hàng, Tài xế - Giao nhận.

Theo đó, khi nền kinh tế phục hồi sau đại dịch, tình hình nhân sự lao động phổ thông đều có ít nhiều sự thay đổi về nhu cầu và tiêu chí tìm việc.

Điều này đòi hỏi các cơ quan quản lý cũng như các doanh nghiệp cần có những chính sách phù hợp để thu hút người lao động.