Dấu ấn hành trình của “ông lớn” Samsung
Năm 2008, Samsung chính thức nhận giấy phép đầu tư và bắt đầu khởi công xây dựng nhà máy sản xuất điện thoại di động Samsung Electronics Việt Nam (SEV) tại Bắc Ninh.
Đây là dự án đầu tiên trong đại kế hoạch đầu tư cho di động của Samsung tại Việt Nam, có vai trò quan trọng tạo tiền đề vững chắc cho sự mở rộng quy mô đầu tư của Samsung trong hành trình đưa Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất toàn cầu của tập đoàn.
Sau 10 năm, khởi đầu với mức đầu tư 670 triệu USD cho nhà máy SEV, hiện Samsung là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất Việt Nam với tổng vốn đầu tư đã tăng gấp gần 26 lần lên tới trên 17,3 tỷ USD.
Tính đến nay, sự hiện diện của Samsung tại Việt Nam bao gồm 6 nhà máy và 1 trung tâm Nghiên cứu & Phát triển (R&D), trong đó SEV (Bắc Ninh) và SEVT (Thái Nguyên) là 2 nhà máy sản xuất điện thoại di động lớn nhất của Samsung trên toàn cầu.
SEHC (Thành phố Hồ Chí Minh) là nhà máy điện tử gia dụng lớn nhất tại Đông Nam Á, và SVMC là Trung tâm R&D lớn nhất của Samsung tại Đông Nam Á.
Trong chiến lược phát triển của Samsung, Việt Nam đóng vai trò quan trọng là cứ điểm toàn cầu không chỉ trong sản xuất mà còn với các hoạt động nghiên cứu và phát triển R&D.
Như lời cam kết cùng Việt Nam phát triển đồng thịnh vượng kể từ ngày đầu tiên Samsung đặt nền móng cho các dự án đầu tư lớn tại Việt Nam, chặng đường 10 năm qua đã minh chứng sự lớn mạnh của Samsung luôn song hành cùng sự phát triển của cả Việt Nam.
Hiện, số lượng doanh nghiệp Việt Nam là nhà cung ứng cấp 1 của Samsung gia tăng mạnh mẽ.
Từ 4 doanh nghiệp vào năm 2014, hiện tại đã có hơn 50 doanh nghiệp vào năm 2020.
Samsung đã và đang liên tục triển khai các hoạt động thiết thực bao gồm:
- Hội thảo triển lãm công nghiệp phụ trợ được tổ chức thường niên cùng với sự hỗ trợ của Bộ Công thương để tìm kiếm và kết nối các doanh nghiệp nội địa vào chuỗi cung ứng toàn cầu của Samsung.
- Tổ chức các chương trình tư vấn cải tiến năng suất lao động và chất lượng sản phẩm do các chuyên gia Hàn Quốc trực tiếp hướng dẫn từ năm 2015.
- Phối hợp với Bộ Công thương đào tạo 200 chuyên gia tư vấn người Việt Nam trở thành nguồn nhân lực then chốt trong lĩnh vực tư vấn và đào tạo.
- Giúp chương trình tư vấn doanh nghiệp được triển khai ở quy mô lớn hơn với nhiều doanh nghiệp Việt Nam có thể nâng cao năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh, từ đó góp phần vào sự phát triển chung của ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam.
Đại kế hoạch đầu tư của Samsung tại Việt Nam
Khi công bố số liệu về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài 6 tháng đầu năm, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã đưa ra một nhận định quan trọng.
Đó là nhiều dự án sản xuất, chế tạo các sản phẩm điện tử, công nghệ cao được tăng vốn với quy mô lớn.
Rất nhiều dự án đã được nhắc đến trong danh sách này, bao gồm các dự án nhà máy chế tạo điện tử, phương tiện thiết bị mạng và sản phẩm âm thanh đa phương tiện tại Bắc Ninh, Nghệ An và Hải Phòng, tăng lần lượt gần 306 triệu USD, 260 triệu USD và 127 triệu USD.
Tháng 2/2022, Samsung Electro-mechanics Việt Nam (Thái Nguyên) đã tăng vốn đầu tư thêm 920 triệu USD.
Nhưng đó không phải là con số cuối cùng, bởi trong số liệu thống kê 6 tháng đầu năm Cục Đầu tư nước ngoài tiếp tục nhắc đến Samsung Electro-Mechanics Việt Nam, với khoản tăng vốn 267 triệu USD.
Cùng với đó, dự án của Samsung tại TP.HCM - SEHC cũng tăng vốn.
Được cấp chứng nhận đầu tư từ tháng 9/2021, với vốn đăng ký 1,4 tỷ USD, dự án đã tăng vốn đầu tư lên 2 tỷ USD cuối năm 2015.
Và bây giờ, là tăng thêm 841 triệu USD - một con số không nhỏ trong bối cảnh Samsung đã đầu tư tại Việt Nam trên 19 tỷ USD và xu hướng dịch chuyển sản xuất về Việt Nam ngày càng mở rộng.
Với việc có tới 2 khoản đầu tư mở rộng, đến nay, tổng vốn đầu tư của Samsung tại Việt Nam đã vượt ngưỡng 20 tỷ USD.
Như vậy, “đại kế hoạch” đầu tư khoảng 20 tỷ USD vào Việt Nam, được nhắc tới ít năm trước đây đã được hiện thực hóa và Samsung sẽ tiếp tục giữ vững vị thế là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất, khó doanh nghiệp nào có thể đuổi kịp.
Qua đó, Samsung tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa cho kinh tế - xã hội Việt Nam, đặc biệt trong thúc đẩy xuất khẩu, tái cơ cấu sản xuất, giải quyết việc làm…
Trong một động thái khác, ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam cho biết, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) của Samsung tại Hà Nội đang trong quá trình hoàn thiện xây dựng, để kịp vận hành cuối năm nay, như cam kết với Chính phủ Việt Nam.
“Trung tâm R&D mới không chỉ là minh chứng cho cam kết đầu tư lâu dài của Samsung tại Việt Nam, mà còn thể hiện ý chí của Samsung trong quyết tâm đưa Việt Nam vượt qua vai trò là cứ điểm sản xuất để trở thành cứ điểm chiến lược ưu tiên hàng đầu của Samsung ở khu vực Đông Nam Á”, ông Choi Joo Ho nói.
Việt Nam “ghi điểm” trong mắt nhà đầu tư Hàn Quốc
Samsung “tạo hích”, còn Việt Nam tiếp tục “ghi” uy tín trong mắt của các nhà đầu tư nước ngoài.
Các số liệu thống kê về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài nửa đầu năm nay đã chứng minh điều này.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến ngày 20/6/2022, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt trên 14,03 tỷ USD.
Tuy con số này chỉ bằng 91,1% so với cùng kỳ năm 2021 và phần nhiều do vốn đăng ký mới chưa hồi phục hoàn toàn sau sự gián đoạn của các biện pháp chống dịch năm 2021, chỉ đạt 4,94 tỷ USD, giảm 48,2% so với cùng kỳ, song vốn tăng thêm và vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đều tăng rất mạnh.
Không chỉ là số lượng, nửa đầu năm nay đã ghi dấu ấn quan trọng về chất lượng dòng vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.
Trong đó, vốn tăng thêm đạt trên 6,82 tỷ USD, tăng 65,6% so với cùng kỳ; còn vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đạt trên 2,27 tỷ USD, tăng 41,4% so với cùng kỳ.
“Việc vốn điều chỉnh liên tục tăng cao thời gian gần đây cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đặt niềm tin vào kinh tế, môi trường đầu tư của Việt Nam và đưa ra quyết định đầu tư mở rộng dự án hiện hữu”, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài nhận xét.
Ông Hoàng không quên nhắc đến những tác động của lạm phát, của giá cả tăng cao do ảnh hưởng của các cuộc xung đột chính trị, thương mại trên thế giới đến phần vốn điều chỉnh của các nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, xu thế tích cực là điều nhìn thấy rõ, nhất là khi phần vốn thực hiện trong nửa đầu năm 2022 đạt gần 10,06 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2021.
Đây là mức tăng cao nhất kể từ đầu năm và tăng hơn 1 điểm phần trăm so với 5 tháng.
“Các doanh nghiệp đang không ngừng phục hồi, duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh”, ông Hoàng nói.
Không chỉ là số lượng, nửa đầu năm nay đã ghi dấu ấn quan trọng về chất lượng dòng vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.
Trong một báo cáo gần đây, Savills Việt Nam cho rằng, quyết định đặt nhà máy của Lego là sự thể hiện rõ nét về tiềm năng to lớn của Việt Nam nói chung và ngành công nghiệp nói riêng.
“Sự kiện này đánh dấu bước ngoặt cho định hướng phát triển nền kinh tế xanh và bền vững của nước nhà”.
Bày tỏ quan điểm rằng, Việt Nam đang ở cửa ngõ của sự phát triển, với nhiều tiềm năng để vươn xa hơn trên bản đồ thế giới, nhưng theo ông Đông, ngành công nghiệp Việt Nam cần nhìn vào bài học từ những nước khác trong khu vực và trên thế giới để tránh đi vào vết xe đổ.
“Việt Nam cần coi yếu tố ‘xanh’ như là một điều kiện cần thiết trong phát triển công nghiệp”, ông Đông nhấn mạnh.
Trên thực tế, lâu nay, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo luôn đứng đầu các ngành nghề thu hút đầu tư lớn vào Việt Nam.
Con số của nửa đầu năm nay là gần 8,84 tỷ USD, chiếm gần 63% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Đáng chú ý, xu hướng những năm gần đây, các dự án đầu tư quy mô lớn hầu hết đều tập trung vào những ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, mà sản xuất, lắp ráp thiết bị, linh kiện điện tử là một ví dụ điển hình.
Đây đều là các dự án công nghệ cao và “sạch” hơn.
Sự chuyển hướng trên cũng sẽ góp phần quan trọng ghi thêm điểm của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài, bởi cộng với các chiến lược tăng trưởng xanh và các cam kết tại COP26.
Việt Nam đang dần trở thành một điểm đến của dòng vốn có chất lượng ngày càng cao hơn, “xanh” hơn.