Sau một thời gian cạnh tranh quyết liệt, thị trường nước giải khát đóng chai Việt Nam đã định hình rõ nét.
Nhóm doanh nghiệp thống lĩnh thị trường gồm các doanh nghiệp FDI như Suntory Pepsi, Coca-Cola, URC, Red Bull, Kirin cùng các doanh nghiệp nội là Tân Hiệp Phát và Masan.
Thị trường màu mỡ có quy mô vài tỷ USD mỗi năm này có thể chia thành vài phân khúc chính như đồ uống có ga, trà xanh uống liền, nước tăng lực, cà phê, nước khoáng/nước tinh khiết…
Trong đó, mảng trà xanh uống liền là một trong những phân khúc lớn nhất với các thương hiệu nổi bật như:
Trà xanh không độ (Tân Hiệp Phát), Oolong Tea Plus (Suntory Pepsi) và C2 (URC Vietnam).
Báo cáo mới nhất của tập đoàn đồ uống Philippines URC cho biết tập đoàn này đang đứng thứ 3 thị trường trà xanh uống liền (RTD Tea) Việt Nam với 16,3% thị phần. Hai doanh nghiệp dẫn đầu đang chiếm lần lượt là 48,1% và 18,7% thị phần.
Dù không nêu tên cụ thể nhưng không khó để nhận thấy 2 cái tên đứng đầu chính là Tân Hiệp Phát và Suntory Pepsi.
Như vậy tổng cộng bộ ba này đã nắm giữ hơn 83% thị phần.
Trong khi cả URC và Tân Hiệp Phát đều khá tập trung vào thị trường trà xanh uống liền (THP còn 2 phân khúc sản phẩm lớn khác là nước tăng lực và trà thảo mộc) thì Suntory Pepsi có hàng loạt thương hiệu mạnh trên hầu hết các phân khúc chính.
Do vậy, Suntory Pepsi đang có quy mô doanh thu vượt trội, đạt hơn 18.300 tỷ đồng năm 2019 – bỏ xa mức doanh thu khoảng hơn 9.000 tỷ của Coca-Cola, Tân Hiệp Phát và hơn 7.000 tỷ của URC.
Giai đoạn 2014-2017, với tác động của "sự cố con ruồi", doanh thu của hệ thống Tân Hiệp Phát chững lại quanh mốc 7.000 tỷ đồng/năm dù có thêm nhà máy mới Number One Hà Nam đi vào hoạt động.
Tuy nhiên doanh nghiệp này đã lấy lại đà tăng trưởng từ năm 2018 và duy trì trong năm 2019 khi có thêm nhà máy Number One Chu Lai đóng góp gần 1.400 tỷ doanh thu.
Chưa có thống kê chính thức nhưng vị trí thứ 5 nhiều khả năng thuộc về Masan Consumer.
Doanh thu mảng đồ uống năm 2019 của Masan Consumer đạt gần 5.600 tỷ đồng, trong đó có 3.500 tỷ đến đồ uống đóng chai (nước khoáng, nước tăng lực…) và phần còn lại đến từ cà phê hòa tan, ngũ cốc.
Các doanh nghiệp đồ uống lớn khác nhìn chung có quy mô nhỏ hơn khá nhiều như Trung Nguyên Group đạt hơn 4.000 tỷ, La Vie (thuộc Nestle) với 3.000 tỷ, Kirin Interfood đạt 1.600 tỷ, Red Bull đạt 1.000 tỷ…
Trong khi Suntory Pepsi vượt trội với doanh thu bằng cả Tân Hiệp Phát và Coca-Coca cộng lại thì điều bất ngờ là lợi nhuận của Tân Hiệp Phát lại gần bằng Suntory Pepsi và Coca-Cola cộng lại.
Tổng lợi nhuận trước thuế năm 2019 của nhóm Tân Hiệp Phát đạt 3.300 tỷ đồng trong khi tổng lợi nhuận của 2 ông lớn FDI là 3.700 tỷ đồng.
Xét về lợi nhuận sau thuế, khoảng cách còn chưa đến 200 tỷ đồng.
Kết quả trên tương ứng tỷ suất sinh lợi vào loại tốt nhất trong ngành: với 100 đồng doanh thu, Pepsi, Coca-Cola hay URC chỉ thu về 11-15 đồng lợi nhuận thì Tân Hiệp Phát thu về tới 36 đồng – chỉ xếp sau Red Bull với 49 đồng; Vinamilk với vị thế thống lĩnh ngành sữa cũng chỉ thu về 23 đồng.
Lợi nhuận của tổ hợp Tân Hiệp Phát vẫn tăng đều đặn qua các năm nhưng năm 2019 đã tăng vọt 65% từ 2.000 tỷ lên 3.300 tỷ do 2 yếu tố là (1) giá vốn hàng bán – có thể là giá nguyên liệu đầu vào – giảm mạnh và (2) đóng góp từ nhà máy mới Number One Chu Lai.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị