Trong cuốn “Deep Human”, “5 siêu kỹ năng thiết yếu trong kỷ nguyên công nghệ 4.0”, hai tác giả Crystal và Gregor Lim-Lange đã đúc kết kiến thức chuyên môn của họ về:
Kỹ năng lãnh đạo và tâm lý vào cuốn sách để chia sẻ năm siêu năng lực giúp bạn mở khóa tiềm năng tối đa gồm:
Tập trung và chánh niệm; tự nhận thức; đồng cảm; giao tiếp phức tạp; bền bỉ và linh hoạt.
Tập trung và chánh niệm, không bị phân tâm bởi yếu tố nhiễu
Sự chú ý của bạn hiện nay là một loại hàng hóa khan hiếm và có giá trị cao.
Trong kỷ nguyên của sự phân tâm ngày nay, năm gã khổng lồ về công nghệ (Facebook, Amazon, Apple, Google và Microsoft) đang cạnh tranh quyết liệt với nhau để thu hút và giữ chân khách hàng.
Mỗi cú nhấp chuột, mỗi lần vuốt màn hình điện thoại của họ đều mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Các thiết bị điện thoại trên tay như keo dán, con người liên tục kiểm tra điện thoại và chịu những trận oanh tạc liên miên của cơn lốc thông tin.
Do đó, nhân tố đóng vai trò then chốt để thành công trong cuộc sống là khả năng kiểm soát sự chú ý.
Điều chỉnh sự tập trung vào những vấn đề quan trọng và hình thành các mối liên hệ có ý nghĩa để nhận ra được tín hiệu giữa vô vàn các yếu tố gây nhiễu.
Cụ thể, đây là khả năng chú tâm đến những gì xuất hiện trong giây phút hiện tại mà không để bị phân tâm bởi những đánh giá và nhận xét chủ quan.
Tự nhận thức, hiểu được đâu là giá trị
Có lẽ chúng ta đều gặp phải các trường hợp:
Một người đồng nghiệp, hay bạn học cùng lớp luôn tranh công của người khác nhưng luôn thắc mắc vì sao không ai muốn họ tham gia vào cùng nhóm.
Một vị sếp chắc mẩm trong bụng rằng bài thuyết trình vừa rồi của mình là một thành công ngoạn mục trong khi tất cả mọi người đều cảm thấy khó hiểu và buồn ngủ.
Một người bạn chỉ hẹn hò với những người không phù hợp để rồi luôn tự hỏi vì sao đường tình duyên mãi lận đận.
Những người này thiếu điều gì? Câu trả lời là khả năng tự nhận thức.
Đó là khả năng biết đâu là các giá trị và hiểu được người khác nhìn nhận mình như thế nào.
Trong thế giới ngày càng mơ hồ và thiếu rõ ràng, tự nhận thức là khả năng giúp chúng ta xác định được đường đi cho bản thân giữa những bất trắc.
Đồng thời biết được khi nào cần phải thay đổi hướng đi và khi nào nên kiên trì tranh đấu vì niềm tin của mình.
Đồng cảm, hiểu thấu người khác
Các công ty hàng đầu thế giới như Google, Cisco, Ford cùng nhiều doanh nghiệp khác đang dành nhiều sự quan tâm lớn đến khả năng đồng cảm.
Thực tế, người ta ước tính khoảng 20% các đơn vị tuyển dụng tại Mỹ hiện nay có cung cấp các khóa đào tạo giảng dạy về năng lực đồng cảm và tỷ lệ này được dự đoán sẽ tăng gấp đôi trong vòng một thập kỷ tới.
Nói đơn giản, đồng cảm là khả năng thấu hiểu thế giới của người khác và cho họ biết rằng bạn cảm nhận được những điều mà họ đang trải qua.
Trên thực tế, chúng ta đã và đang chứng kiến xu hướng này diễn ra ở nhiều lĩnh vực đa dạng khác nhau.
Một ví dụ điển hình là câu chuyện của Airbnb. Khi mới bắt đầu, các nhà đồng sáng lập Airbnb đã đến New York và trực tiếp dành thời gian sống với những khách hàng đăng ký dịch vụ đầu tiên của họ.
Theo nhà đồng sáng lập Brian Chesky:
“Dù chỉ thuyết phục được mười người yêu thích ý tưởng nào đó thôi cũng đã là rất khó khăn, nhưng dành thời gian với họ thì không gì khó khăn cả.
Chúng tôi không chỉ gặp gỡ người dùng mà còn thực sự chung sống cùng họ”.
Vì vậy, sự đồng cảm còn có thể thay đổi văn hóa tại nơi làm việc và cải thiện chất lượng hợp tác.
Giao tiếp phức tạp, chủ động trao đổi khi cần thiết
Theo một báo cáo về tương lai việc làm của Diễn đàn Kinh tế thế giới, ít nhất bảy trên mười kỹ năng cần thiết từ năm 2020 có liên hệ trực tiếp với nghệ thuật giao tiếp.
Khi robot, chatbot, và trí tuệ nhân tạo có thể quản lý hoạt động giao tiếp ở những mức độ cơ bản chẳng hạn như gửi tin nhắn hoặc đưa ra câu trả lời có/không.
Nhiệm vụ còn lại của con người là đảm nhận nhiệm vụ giao tiếp phức tạp.
Thay vì chỉ là những sứ giả truyền tin đơn thuần, chúng ta phải xử lý các tình huống giao tiếp khó khăn, cân bằng sự đồng cảm với những giới hạn cần thiết.
Không còn chỉ thụ động tiếp nhận đánh giả phản hồi từ cấp trên mỗi năm một lần, chúng ta phải chủ động và liên tục trao đổi thông tin phản hồi qua lại với những người khác trong đó có cả cấp trên.
Và không nên né khỏi các tình huống căng thẳng hay âm thầm gặm nhấm những điều bất mãn trong lòng.
Chúng ta cần phải khéo léo tìm cách hóa giải những căng thẳng và mâu thuẫn này trước khi chúng kịp tích tụ lại và gây ra những tổn thất nghiêm trong.
Bền bỉ và linh hoạt giữa những khó khăn trong công việc hoặc cuộc sống
Dù đã sở hữu cả bốn năng lực trên thì cũng sẽ là vô nghĩa nếu bạn là người dễ dàng bỏ cuộc, nản lòng khi thất bại hoặc không có sự linh hoạt về mặt tâm lý để thích nghi và vững vàng trải qua những giai đoạn nhiều biến động.
Chìa khóa để vượt qua những thách thức của cuộc sống, là sự bền bỉ linh hoạt cũng là mảnh ghép cuối cùng trong 5 siêu kỹ năng.
Sự bền bỉ linh hoạt là khả năng vững tiến bất chấp những khó khăn trong công việc hoặc cuộc sống.
Nó liên quan đến việc vượt qua những thách thức, rào cản và dần rèn luyện kỹ luật bản thân.
Tóm lại, nếu muốn thành công hơn trong cuộc sống, bạn phải chạm tới những tầng sâu hơn nữa thì mới có thể phát triển lối tư duy lành mạnh, dẻo dai và những niềm tin cốt lõi.
Hãy đưa lịch trình rèn luyện vào nhật ký cá nhân và nghiêm túc tuân thủ theo cam kết đã đặt ra trong năm 2022.
Hồng Trâm - Trends Việt Nam