Nỗi sợ kích thích não và tạo sự phấn khởi
“Không phải lúc nào não cũng hoàn toàn phân biệt được ranh giới giữa tưởng tượng và thực tế.”
Krista Jordan, Nhà tâm lý học tại Texas, Mỹ nói.
Cũng như việc bạn nhìn thấy ai đó ăn món “chanh chấm muối ớt” và bất giác nuốt nước bọt, con người là sinh vật rất thích liên tưởng.
Những gì diễn ra trong phim kinh dị là giả, nhưng chúng thực sự có thể kích hoạt phản ứng căng thẳng cấp tính ở người xem.
Vì thế mà đưa não vào trạng thái sinh tồn và gia tăng các Hormone như Adrenaline, Endorphin, Dopamine.
Đây đều là những "liều thuốc" tạo cảm giác hưng phấn, thư giãn và khiến ta tin mình có thể chinh phục cả thế giới.
Và khi bộ phim qua đi và bạn biết rằng mình an toàn, phản ứng trung hòa khi các Hormone trên giảm xuống cũng tạo nên một cảm giác dễ chịu.
Tiến sĩ tâm lý Margot Levin chia sẻ một trong những khoảnh khắc dễ chịu nhất mà hầu hết người khao khát đó là:
Được nhìn thấy những thứ đáng sợ với một cảm giác an toàn và bản thân nắm quyền kiểm soát.
Đáng sợ nhưng... an toàn và thú vị
Theo lời David Rudd, Chủ nhiệm khoa Khoa học Xã hội và Hành vi tại Đại học Utah (Mỹ):
Khi xem những bộ phim kinh dị và nếm trải cảm giác sợ hãi, dù cảm thấy sợ sệt lúc đầu nhưng ta biết rằng không có nguy hiểm thật sự nào đằng sau những cảnh tượng đã xem.
Điều này phần nào tạo ra cảm giác “an toàn” cho tất cả mọi người.
Ngoài phim ảnh, ngôi nhà ma trong các dịp lễ hội cũng là địa điểm “hốt bạc” khi đánh đúng vào tâm lý mọi người.
Tuy sợ nhưng một lần nữa, khách tham quan biết rằng cảnh tượng rùng rợn trước mắt chỉ dừng lại ở mức hù dọa chứ hoàn toàn không gây hại đến họ.
Vậy là dù có sợ nhưng họ vẫn cứ “thử một lần cho biết”.
Con người chỉ thực sự cảm thấy sợ hãi khi họ cảm nhận được sự nguy hiểm lớn hơn sự an toàn.
Chẳng hạn như khi đi trong những ngôi nhà ma, bỗng có một bàn tay ai đó chạm vào bạn, phản xạ của bạn sẽ là nhảy dựng lên rồi chạy thật nhanh.
Lúc đó, tâm trí bạn sẽ bị choáng ngợp với suy nghĩ “nếu không nhanh thoát ra khỏi đây, bạn sẽ bị con ma nào đó giữ lại”.
Đó cũng là lý do tại sao trẻ em dễ cảm thấy sợ hãi hơn, có nghĩa với việc ít kinh nghiệm sống sẽ khiến con người “nhạy cảm” với nguy hiểm hơn.
Chính cảm giác thú vị này khiến chúng ta tham quan những ngôi nhà ma dù biết nó rất đáng sợ.
Đáng sợ đan xen với sự an toàn rồi sau đó là cảm giác thú vị.
Những cảm xúc trên chính là “chìa khóa” khiến phim kinh dị và những ngôi nhà ma luôn nhận được sự quan tâm không nhỏ của mọi người.
Phim kinh dị dạy ta cách đối phó căng thẳng
Một số cảnh phim kinh dị tái hiện những tình huống căng thẳng có thể có ở ngoài đời như cướp của, bạo lực.
Bằng cách xem chúng, dù bạn nhận ra hay không, cơ thể phần nào cảm thấy sẵn sàng hơn trước những nguy hiểm thực tế.
Điều này tương tự với việc chúng ta xem phim The Walking Dead và vô tình muốn học theo cách nhân vật xử lý lũ xác sống.
Ngoài ra, một nghiên cứu được đăng tải trên ScienceDirect đầu năm 2021 cho rằng, có khả năng fan phim kinh dị ít bị ảnh hưởng tâm lý trước dịch COVID-19 hơn phần còn lại.
Lý do là trong những năm tháng xem phim, họ đã dần xây dựng một bộ công cụ đối phó với lo lắng, sợ hãi.
Dù đó chỉ là suy đoán của nhóm nghiên cứu, một điều có thể chắc chắn là khi thưởng thức phim mang tính chất hồi hộp, chúng ta cũng vô thức điều chỉnh cảm xúc của mình để vừa sợ, vừa vui.
Không phải ngẫu nhiên mà những loạt phim kinh dị như The Conjuring hay Annabelle lại đắt khách đến vậy dù ít được đánh giá cao về mặt nội dung.
Các nhà làm phim đã khai thác cảm giác phấn khích, nỗi sợ thầm kín cũng như những mặt tối bên trong con người để kéo chúng ta ra rạp.