Những năm qua, dịch bệnh khiến công nghệ trở thành ưu tiên hàng đầu trong hầu hết mọi lĩnh vực của cuộc sống.
Tất nhiên, một lĩnh vực hiện đại như Fintech cũng trở nên phát triển vượt bậc nhờ những thành tựu của lĩnh vực công nghệ.
Hãy điểm qua những thành công của lĩnh vực Fintech trong những năm qua? Định hướng tương lai của lĩnh vực này trong năm 2022 sẽ ra sao.
Sự thành công ngoài dự đoán, tăng trưởng tốc độ cấp số nhân
Sự bùng nổ của đại dịch đã chứng kiến ngành công nghiệp Fintech đứng đầu với các giải pháp hòa nhập tài chính toàn cầu.
Sự tiến bộ trong công nghệ kết hợp với nhu cầu ngày càng tăng về tính lưu động của thị trường đã thúc đẩy các khoản đầu tư vào công nghệ Fintech với tốc độ cấp số nhân.
Nền công nghiệp Fintech của Ấn Độ là nền Fintech đi tiên phong có những biến đổi mang tính đột phá bởi sự đổi mới, thích nghi nhanh chóng cùng với các cải tiến về công nghệ.
Trong Ngày hội Fintech toàn cầu lần thứ 2-2021, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp của Ấn Độ Piyush Goyal đã tuyên bố rằng Ấn Độ có tỷ lệ tiếp nhận Fintech cao nhất trên thế giới ở mức 87% so với mức trung bình toàn cầu là 64%.
Thị trường Fintech của Ấn Độ với hơn 2.100 doanh nghiệp, bao gồm rất nhiều “kỳ lân” và hiện tại đang được định giá ở mức 31 tỷ đô la với kỳ vọng tăng trưởng lên 84 tỷ đô la vào năm 2025.
Trên thực tế, theo Tập đoàn Tư vấn Boston và FICCI, Ấn Độ có vị trí “đắc địa” để đạt được mức định giá lĩnh vực Fintech là 150-160 tỷ USD vào năm 2025, đồng nghĩa với tiềm năng tạo ra giá trị gia tăng 100 tỷ USD.
Không nằm ngoài guồng quay phát triển của Fintech toàn cầu, trong những năm gần đây, Việt Nam đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ, sâu rộng của lĩnh vực Fintech.
Số lượng các công ty Fintech tham gia cung ứng dịch vụ trên thị trường Việt Nam đã tăng gấp 3 lần, từ con số khoảng 40 công ty cuối năm 2016 lên tới hơn 120 công ty ở thời điểm hiện tại, trải rộng trên nhiều lĩnh vực khác nhau.
Không chỉ các startup Fintech mới vào cuộc mà nhiều ngân hàng thương mại đã và đang dần chuyển đổi, vận hành hệ thống ngân hàng số trên nền tảng công nghệ hiện đại như: BIDV, Vietinbank, VPBank, TPBank… nhằm đáp ứng yêu cầu phục vụ khách hàng nhanh chóng, thông suốt.
Tuy nhiên, so với một số quốc gia trong khu vực, số lượng các công ty Fintech tại Việt Nam còn khá ít (Indonesia có 120, Singapore có hơn 300 công ty…).
Với việc áp dụng rộng rãi khả năng của lĩnh vực Fintech trên toàn cầu, có vài xu hướng sẽ được hình thành trong năm tới và bổ sung sự hỗ trợ phát triển cho ngành fintech.
Xu hướng tương lai của nền công nghệ Fintech
1. Sự kết hợp với công nghệ Blockchain để tái phát minh bánh xe kinh tế
Không thể phủ nhận được rằng Blockchain đã và đang trở thành một trong những cải tiến đột phá quan trọng nhất đối với ngành tài chính những năm gần đây.
Blockchain đã chuyển đổi các quy trình và hoạt động tài chính thành một hệ sinh thái gồm các thủ tục nhanh nhẹn và minh bạch được gây dựng trên các nền tảng an toàn và hiệu quả cao.
Công nghệ này sẽ cách mạng hóa những phương thức chuyển giao tài sản, đầu tư và thanh toán, đồng thời loại bỏ các lỗi và sự kém hiệu quả của hình thức giao dịch trực tiếp như hiện nay.
Quá trình xử lý và sử dụng dữ liệu với sự trợ giúp của Blockchain sẽ thúc đẩy công cuộc mở rộng phạm vi hoạt động.
2. Sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ “SMEs”
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ là một chiến trường mới cho cuộc cạnh tranh của Fintech và sự trải rộng của các sản phẩm kỹ thuật số đã trở thành sự đột phá của thị trường kinh tế.
Nền kinh tế Ấn Độ được thúc đẩy phần lớn bởi các “SMEs” với đóng góp đến gần 30% GDP cho nền kinh tế nước nhà và tạo ra vô số các cơ hội việc làm cho người dân.
Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vay trực tiếp chính là một trong những lĩnh vực mà Fintech sẽ tiếp tục duy trì và phát triển, công việc này sẽ duy trì tính liên tục của hoạt động kinh doanh và thúc đẩy dòng chảy doanh nghiệp.
Tuy nhiên, lĩnh vực này cũng gặp phải một rào cản rất lớn đó chính là những cái giá “cắt cổ” phải trả đối với những doanh nghiệp cần sản phẩm nhưng không đủ khả năng chi trả.
Nếu những nhà cải cách trong lĩnh vực Fintech có thể giải quyết sự chênh lệch đang diễn ra, chúng ta sẽ chứng kiến sự tăng trưởng bền vững của ngành.
3. Tối ưu khả năng siêu cá nhân hóa của các dịch vụ
Nhu cầu và mong muốn của khách hàng đang thay đổi hàng ngày với một tốc độ chóng mặt.
Theo một nghiên cứu của Martech Alliance, 66% khách hàng ngày nay mong đợi các công ty thấu hiểu được nhu cầu và mong muốn của họ, những điều mà chỉ phù hợp, độc nhất với riêng họ.
Các sản phẩm trong lĩnh vực Fintech hiện đang được mong chờ là một sản phẩm thiết yếu hơn là một sản phẩm mới lạ.
Cho dù đó có là thanh toán hóa đơn, bảo hiểm, sức khỏe hay thậm chí là trả nợ, mọi người đang xem xét các sản phẩm fintech ở một mức độ nghiêm túc hơn.
Những khách hàng trong thời đại mới cần một cách tiếp cận được cá nhân hóa kết hợp với việc cung cấp các sản phẩm và dịch vụ phù hợp.
Hải Minh - Trends Việt Nam, nguồn tổng hợp và biên dịch từ Entrepreneur