Nhà đầu tư nước ngoài vẫn đặt niềm tin vào Việt Nam

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN). Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN).

Báo cáo Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, một trong những điểm tích cực của nền kinh tế trong 4 tháng đầu năm chính là thu hút đầu tư nước ngoài.

Ông cũng khẳng định:

“Vốn FDI đăng ký tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần trong 4 tháng tăng 1,9 lần so với cùng kỳ, chủ yếu trong lĩnh vực điện tử, công nghệ cao.

Vốn FDI thực hiện tăng 7,6%, phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư nước ngoài vào dự phục hồi tăng trưởng của Việt Nam”.

Theo số liệu thống kê về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài do Cục Đầu tư nước ngoài công bố, 4 tháng đầu năm, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt 10,8 tỷ USD, bằng 88,3% so với cùng kỳ năm 2021.

Cơ cấu đầu tư nước ngoài 4 tháng đầu năm 2022 theo thành phần vốn đầu tư. (Ảnh: Báo điện tử Đầu tư). Cơ cấu đầu tư nước ngoài 4 tháng đầu năm 2022 theo thành phần vốn đầu tư. (Ảnh: Báo điện tử Đầu tư).

Trong đó, vốn tăng thêm đạt 5,29 tỷ USD, tăng 92,5% so với cùng kỳ; vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đạt gần 1,83 tỷ USD, tăng 74,5% so với cùng kỳ. Ngược lại, vốn đăng ký đầu tư mới lại giảm.

Từ đầu năm tới nay, vốn đăng ký mới chỉ đạt 3,7 tỷ USD, giảm 56,3% so với cùng kỳ.

Như vậy, “kéo” tổng vốn đầu tư lên chủ yếu là nhờ vốn tăng thêm và vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần, trong đó đáng chú ý nhất là vốn tăng thêm.

Thực tế, trong các dự án quy mô lớn đăng ký đầu tư vào Việt Nam từ đầu năm đến nay, ngoài dự án cấp mới 1,32 tỷ USD của Lego, hầu hết các dự án còn lại đều là dự án tăng vốn.

Tập đoàn LEGO đầu tư hơn 1 tỷ USD xây dựng nhà máy ở Việt Nam. (Ảnh: Văn Xuyên/BNEWS/TTXVN). Tập đoàn LEGO đầu tư hơn 1 tỷ USD xây dựng nhà máy ở Việt Nam. (Ảnh: Văn Xuyên/BNEWS/TTXVN).

Chẳng hạn, Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng khu đô thị và dịch vụ VSIP Bắc Ninh (Singapore) tăng vốn đầu tư thêm gần 941 triệu USD.

Dự án của Công ty TNHH Samsung Electro-mechanics Việt Nam (Hàn Quốc) có số vốn đầu tư tăng thêm 920 triệu USD.

Ngoài ra, có thể kể đến Dự án của Goertek (Hồng Kông) với nguồn vốn tăng thêm 306 triệu USD.

Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng bình luận:

“Điều này đã cho thấy nhà đầu tư nước ngoài vẫn đặt niềm tin vào nền kinh tế, vào môi trường đầu tư của Việt Nam”.

Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng. (Ảnh: Internet). Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng. (Ảnh: Internet).

Bình luận này khá tương đồng với các kết quả nghiên cứu được đề cập trong Báo cáo Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2021, mà Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố hôm 27/4.

Trong báo cáo PCI 2021, dù chịu những tác động tiêu cực từ dịch Covid-19, nhưng các doanh nghiệp nước ngoài vẫn có niềm tin kinh doanh vững chắc tại Việt Nam.

Theo ghi nhận của Điều tra PCI-FDI 2021, tỷ lệ doanh nghiệp FDI có kế hoạch mở rộng quy mô hoạt động tại Việt Nam là 47,7%.

Nhóm nghiên cứu PCI nhận xét:

“Sự lạc quan trở lại của các doanh nghiệp FDI được quan sát thấy ở hầu hết các ngành nghề, dù là doanh nghiệp định hướng thị trường xuất khẩu hay thị trường nội địa”.

Trong số 22 tỉnh, thành phố có doanh nghiệp FDI tham gia Điều tra PCI-FDI 2021, 3 tỉnh, thành phố tại vùng Đồng bằng sông Hồng có tỷ lệ doanh nghiệp dự kiến mở rộng quy mô cao nhất.

Đó là Hà Nam (65,4%), Quảng Ninh (65%) và Hải Phòng (60%).

Hai đại diện trong nhóm 5 tỉnh, thành phố ở vùng miền núi phía Bắc được đánh giá có tỷ lệ doanh nghiệp FDI dự định mở rộng quy mô cao nhất.

Hai đại diện này bao gồm Thái Nguyên (59,3%) và Bắc Giang (58,1%).

Giải pháp tăng sức hấp dẫn trong "cuộc đua giành FDI"

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh trong bối cảnh nguồn cung vốn hạn chế, các quốc gia đều tranh thủ thu hút nguồn lực bên ngoài để duy trì và phục hồi nền kinh tế.

Sự cạnh tranh thu hút FDI giữa các quốc gia đang phát triển có sự tương đồng về thị trường, trình độ phát triển, công nghệ và lao động đang ngày càng gay gắt.

Do vậy, để tiếp tục duy trì và tăng cường sức hấp dẫn trong thu hút doanh nghiệp FDI, nước ta cần thực hiện một số giải pháp trọng tâm.

Thứ nhất, rà soát, điều chỉnh kịp thời chính sách đầu tư nước ngoài

Việc rà soát, điều chỉnh chính sách đầu tư nước ngoài cho phù hợp và theo kịp với những biến động của kinh tế toàn cầu và những thay đổi trong chiến lược sẽ thu hút doanh nghiệp FDI của các nước trên thế giới.

Đồng thời, điều này cũng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động của các doanh nghiệp, nhà đầu tư khi các khó khăn, vướng mắc về chính sách được tháo gỡ.

Thứ hai, đẩy nhanh quá trình bình thường hóa xã hội

Việt nam cần đẩy nhanh quá trình cần thiết để đưa các hoạt động kinh tế, xã hội trở lại bình thường.

Trạng thái bình thường mới sẽ xóa bỏ tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, lao động, củng cố niềm tin và sự an tâm của các nhà đầu tư nước ngoài.

Thứ ba, củng cố các nguồn lực để chuẩn bị đón đầu tư

Các điều kiện cần thiết về nhân lực, vật lực để thu hút đầu tư cần được chuẩn bị sẵn sàng.

Những công tác chuẩn bị có thể bao gồm rà soát, bổ sung quỹ đất sạch, rà soát lại quy hoạch điện và đôn đốc triển khai các dự án điện.

Bên cạnh đó, tăng cường việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bổ sung chính sách và các biện pháp để phát triển công nghiệp hỗ trợ, cải thiện thủ tục hành chính,… cũng cần được chú trọng.

Thứ tư, xây dựng các quy định, tiêu chuẩn để chọn lọc đầu tư nước ngoài

Chính phủ cần xây dựng các quy định, tiêu chuẩn như một bộ lọc mới nhằm lựa chọn các nhà đầu tư nước ngoài phù hợp để phát triển bền vững và bảo đảm an ninh quốc gia của đất nước.

Trong đó, các doanh nghiệp có công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, có năng lực, khả năng chống chịu sức ép từ bên ngoài nên được ưu tiên hàng đầu.

Thứ năm, chủ động phối hợp liên ngành để tiếp cận quỹ đầu tư tiềm năng

Các doanh nghiệp cần chủ động tiếp cận, trao đổi, mời vào đầu tư trong nước đối với các doanh nghiệp đang quan tâm đến đầu tư tại Việt Nam.

Để làm được điều này, sự chủ động phối hợp với các cơ quan ngoại giao, các hiệp hội doanh nghiệp, các công ty tư vấn, công ty luật, ngân hàng, quỹ đầu tư để tiếp cận lên danh sách các doanh nghiệp FDI là vô cùng quan trọng.

Đồng thời, cần chú trọng tiếp xúc trực tiếp các nhà đầu tư lớn để gia tăng cơ hội đầu tư.

Cùng với đó là sự hỗ trợ doanh nghiệp trong đào tạo và tuyển dụng lao động đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế, đặc biệt nhu cầu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài sau các đợt đứt gãy về nguồn lao động.

Bên cạnh dạy kỹ năng nghề, cần đào tạo nâng cao kỷ luật lao động, các kỹ năng mềm, khả năng hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm để lao động Việt Nam vừa có kỹ năng nghề cao và có tính chuyên nghiệp.

Những yêu cầu cấp cấp thiết trên sẽ đáp ứng nhu cầu lao động của doanh nghiệp trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.

Tổng hợp từ nhiều nguồn