Tình hình khả quan của VinCommerce sau khi về tay Tập đoàn Masan
Một năm về tay Masan, hệ thống này lần đầu tiên đã ghi nhận điểm hoà vốn với biên EBITDA dương 0,2% trong quý IV/2020. Tính chung cả năm ngoái, VinCommerce đã mang về cho Masan Group 30.978 tỷ đồng, đóng góp hơn 40% tổng doanh thu toàn tập đoàn.
Đáng chú ý, chỉ riêng doanh thu thuần hợp nhất Quý 1/2020 đạt được mức 17.632 tỷ đồng bất chấp ảnh hưởng nặng nề của COVID-19, tăng trưởng 116,1% so với mức 8.160 tỷ đồng vào Quý 1/2019.
Tuy không phải là con số quá lớn, nhưng nó đánh dấu một cột mốc quan trọng đối với mảng bán lẻ của Masan Group, tạo tiền đề cho công cuộc chuyển đổi của năm 2021.
Kế hoạch tương lai của VinCommerce qua những con số
Chủ tịch Tập đoàn Masan, ông Nguyễn Đăng Quang chia sẻ:
"Chúng ta sẽ phát triển ít nhất 50% cửa hàng trở thành các điểm kết hợp cung cấp dịch vụ tài chính, bao gồm dịch vụ ngân hàng truyền thống và cổng thanh toán kỹ thuật số".
Trong đó, đối tác cung cấp dịch vụ tài chính không ai khác chính là Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank).
Vị Chủ tịch Masan cũng cho biết tham vọng của doanh nghiệp sau khi thâu tóm VinCommerce đó là gia tăng khả năng tiếp cận thị trường tiêu dùng từ 1% lên 25%.
Trong đó, kế hoạch 5 năm tới là xây dựng mô hình hiệu quả để phục vụ 30 - 50 triệu khách hàng. Đồng thời xây dựng một doanh nghiệp có quy mô doanh thu 7 - 10 tỷ USD và lợi nhuận gộp gia tăng hai con số cho lĩnh vực bán lẻ.
Để làm được điều đó, Masan đã lên kế hoạch phát triển mạng lưới 10.000 cửa hàng do chính công ty tự vận hành và 20.000 cửa hàng nhượng quyền bằng cách hợp tác với những tiệm tạp hóa gia đình.
Cơ sở của tham vọng này, theo ông Quang đó là hiện tại Việt Nam đang xử lý hơn 1 triệu giao dịch mỗi ngày và dự báo con số này sẽ tăng gấp 5 - 10 lần vào năm 2025.
Kết hợp bán lẻ và dịch vụ tài chính với 50% ngân sách tiêu dùng có thể mang lại cho Masan nền tảng ổn định và khả năng gia tăng quy mô để thu hút khách hàng trung thành mà không "đốt" tiền.
Biến VinCommerce thành điểm đến "tất cả trong một"
Trong báo cáo thường niên 2020 của Tập đoàn Masan, ông Nguyễn Đăng Quang cho biết sau giai đoạn xây dựng nền tảng với EBITDA hòa vốn trong Quý 4/2020, hệ thống bán lẻ VinCommerce sẽ bước vào kế hoạch "Alpha-Bet".
Đáng chú ý, bước cuối cùng trong kế hoạch này đó là chuyển hoá The CrownX - đơn vị sở hữu VinCommerce thành nền tảng "Point of Life".
Trong đó, hệ thống các điểm bán của VinCommerce (gồm VinMart và VinMar+) sẽ trở thành điểm đến "tất cả trong một" (one-stop shop) phục vụ các nhu cầu thiết yếu về tài chính, giáo dục, xã hội, giải trí và chăm sóc sức khỏe của người tiêu dùng.
Người đứng đầu Masan cho biết doanh nghiệp đã có những mảnh ghép chiến lược để hiện thực hóa mô hình này ở Việt Nam. Và minh chứng đầu tiên về nền tảng "Point of Life" sẽ diễn ra trong năm nay.
"Chúng tôi không tin tưởng vào mô hình thu hút khách hàng chỉ bằng khuyến mãi và giảm giá. Thay vào đó, chúng ta tin vào mô hình kinh doanh đột phá có thể cung cấp các giải pháp sáng tạo và các nhãn hiệu mạnh để mang đến cho người tiêu dùng nhiều giá trị hơn".
- ông Nguyễn Đăng Quang khẳng định.
Doanh nghiệp có kế hoạch tiếp tục xây dựng mô hình chuỗi cung ứng, tối ưu hóa hệ thống phân phối hiện còn kém hiệu quả do có quá nhiều tầng nấc bằng cách ứng dụng công nghệ và khả năng tiếp cận trên quy mô toàn quốc của Masan.
Mặt khác, đẩy mạnh phát triển danh mục nhãn hàng riêng trên cơ sở hợp tác với các nhà cung cấp chiến lược để phục vụ người tiêu dùng, đặc biệt là người tiêu dùng ở nông thôn, với các sản phẩm chất lượng, đột phá với giá cả hợp lý.
Cuối cùng là xây dựng mô hình bán lẻ kết hợp xuyên suốt từ online đến offline để đáp ứng nhu cầu mua sắm đa dạng của người tiêu dùng.
Tổng hợp