Sự thật quan trọng không phải là bỏ đi bao nhiêu đồ đạc, mà là giữ lại bao nhiêu.
Mọi người thường gặp khó khăn trong việc loại bỏ bớt đồ đạc, bởi vì họ chưa thấy được ý nghĩa của việc giữ ít đồ.
Chính vì vậy, đồ đạc mới rất dễ quay trở lại và lấp đầy căn nhà.
Hạnh phúc với những gì mình thực sự cần
Cuốn sách "Sống tối giản" đưa ra một vài quy tắc mà người đọc có thể áp dụng.
Quy tắc 80/20 đúng với hầu hết khía cạnh của cuộc sống, kể cả sống tối giản.
Chúng ta sử dụng 20% đồ đạc của mình trong 80% thời gian, 80% đồ đạc còn lại chỉ được sử dụng trong 20% thời gian mà thôi.
Ngoài ra, gia đình Becker còn áp dụng quy tắc “hai mươi chín”.
Để biết mình có thực sự cần món đồ đó không, bạn hãy theo dõi trong 29 ngày.
Thử loại bỏ 29 món trang phục ra khỏi tủ quần áo của mình và không mặc chúng trong 29 ngày. Hoặc loại bỏ 29% số đồ chơi của con và xem bọn trẻ muốn lấy món đồ nào trong số đó trong 29 ngày.
Becker giúp người đọc hiểu ra rằng sống tối giản chỉ là sống ít đồ đạc hơn nhưng được nhiều hơn.
Ta có nhiều không gian sống hơn, nhiều thời gian để tận hưởng hạnh phúc gia đình, nhiều nỗ lực để theo đuổi đam mê và mơ ước.
Vì vậy, bạn hãy cứ sống với những món đồ mang lại cho ta cuộc sống mà mỗi người mong muốn.
Sống tối giản không có công thức
Trong cuốn sách Sống tối giản, Joshua Becker không chỉ kể về hành trình đơn giản hóa cuộc sống của mình, anh chia sẻ câu chuyện của nhiều người khác cũng đang thực hành việc giữ ít đồ đi.
Người đọc sẽ nhận thấy mình đang ở trong hoàn cảnh mà nhiều người trong số họ từng trải qua, và cách họ xử lý thói quen tiêu dùng của mình sẽ đem đến cho mỗi chúng ta nguồn cảm hứng cũng như ý tưởng để bắt đầu hành trình theo đuổi lối sống tối giản của riêng mình.
Đó là Annette Gartland, người phụ nữ sống ở đâu cũng được, bởi cô không có nhà ở, cũng như ôtô.
Lối sống tối giản giúp cô chỉ cần mang theo hành lý vừa một chiếc vali và có thể sống ở bất cứ nơi nào mình muốn.
Hay Ryan, người đã đóng thùng tất cả đồ đạc của mình và chỉ lấy ra những thứ cần thiết.
Sau đó, anh phát hiện sự thật đáng kinh ngạc rằng số đồ mình thực sự dùng ít ỏi đến nhường nào.
Đó là Sarah, người đã thay đổi thói quen mua sắm của mình mãi mãi bằng cách không mua quần áo mới trong suốt một năm.
Nhưng cô vẫn giữ được tính thời thượng trong trang phục hàng ngày của mình.
Sách cũng kể về Ali, người quyên tặng những món trang sức quý giá nhất của mình, qua đó, làm thay đổi cuộc sống của những người ở nửa bên kia của địa cầu.
Mỗi người có cách thay đổi cuộc sống của mình trong việc tối giản hóa.
Đó chính là lý do mà trong cả cuốn sách, Becker không yêu cầu người đọc phải giữ bao nhiêu chiếc áo trong tủ, bao nhiêu đôi giày trên giá...
Thay vào đó, tác giả giúp ta có ý thức quan tâm và ưu tiên những điều có ý nghĩa với mình nhất.
Cuốn sách gồm 13 chương, chia sẻ từ chủ nghĩa tiêu dùng bị các nhà tiếp thị chi phối như thế nào, cho đến cách để cả gia đình cùng tham gia vào hành trình sống tối giản của mỗi cá nhân.
Người đọc sẽ tìm thấy nhiều ví dụ thực tiễn hữu ích cũng như bài học kinh nghiệm của những người từng sống theo chủ nghĩa tối giản.
Từ đó, bản thân người đọc sẽ tìm được cách sống tối giản của riêng mình, phù hợp điều kiện cá nhân, với mục đích và ước mơ để có cuộc sống tốt đẹp hơn.
"Có ít, được nhiều", đó chính là thông điệp xuyên suốt cuốn sách Sống tối giản mà Joshua Becker muốn chia sẻ với người đọc.
Theo đuổi lối sống tối giản chưa bao giờ là dễ dàng, nhưng nếu thực sự muốn bắt đầu từ ngày hôm nay, cuốn sách nhỏ này có thể là bước khởi đầu tốt đẹp cho hành trình dài phía trước.