Bắt đầu từ cuối năm 2019 - thời điểm xuất hiện đại dịch Covid-19 đã làm khuấy đảo cuộc sống bình thường của mọi người trên toàn thế giới.
Nhiều doanh nghiệp tổ chức rơi vào tình nợ nần phá sản, nhiều cá nhân loay hoay tìm đường sống cho bản thân “bom đạn” dịch bệnh, nhiều ngành nghề rơi vào bế tắc.
Và không thể ngó lơ sự tác động nặng nề của dịch bệnh Covid-19 lên lĩnh vực du lịch lữ hành, khiến thị trường này buộc phải đóng băng nhiều lần.
Tuy nhiên, “trong nguy có cơ” khi đại dịch cũng là “nguồn cảm hứng” của các xu hướng du lịch.
Những con người bức bối vì không thể được sống cuộc sống bình thường như trước, không được vi vu đây đó đã tự tạo ra chất fusion trong du lịch, đó là:
workcation, staycation và daycation.
Staycation - du lịch tại chỗ
“Staycation” là sự kết hợp của hai từ “stay” - tại chỗ và “vacation” - kỳ nghỉ.
Xu hướng du lịch này đã xuất hiện từ 13 năm về trước, sau cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ.
Tại thời điểm đó, đa số các hộ gia đình đều phải “thắt lưng buộc bụng”, chắt chiu từng đồng trang trải cuộc sống và hiển nhiên, ngân sách cho các chuyến nghỉ dưỡng cũng bị giới hạn.
Chính vì vậy, họ đã nghĩ ra phương án là khám phá những địa điểm gần nhà hay tổ chức “kỳ nghỉ dưỡng” tại gia thay vì những chuyến đi chơi xa thân thuộc ngày nào.
Cũng từ đó, xu hướng staycation bắt đầu nở rộ và được ưa chuộng bởi những ưu điểm vượt trội của nó, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp như hiện nay.
“Xu hướng này không chỉ đáp ứng nhu cầu của các bạn trẻ mà còn là lựa chọn của đối tượng khách lớn tuổi. Dịch Covid-19 khiến xu hướng du lịch của du khách thay đổi rất nhiều.
Vì thế, các doanh nghiệp lữ hành buộc phải thích nghi, nắm bắt cơ hội để xoay chuyển hình thức kinh doanh, tìm kiếm cơ hội trở lại hậu dịch Covid-19, bắt đầu từ chính xu hướng staycation này”, ông Đoàn Ngọc Tùng, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội, Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch quốc tế MTV Việt Nam đánh giá.
So với các loại hình du lịch khác thì staycation có nhiều ưu điểm nổi bật như không phải lên kế hoạch quá lâu trước chuyến đi, không cần phải xin nghỉ làm dài ngày.
Hay khi tài chính của bạn không dư dả và sức khỏe cũng có hạn thì một chuyến du lịch tại chỗ là hoàn toàn phù hợp.
Và điểm khác biệt lớn nhất của staycation với những kỳ nghỉ thông thường là địa điểm nghỉ dưỡng.
Cụ thể, trong những chuyến du lịch staycation, thường đích đến là các tỉnh thành lân cận nơi du khách sinh sống, thậm chí ngôi nhà hiện đang ở cũng trở thành “điểm đến” cho xu hướng du lịch này.
Ngoài ra, nhiều bạn trẻ Việt Nam giờ đây đã mở rộng phạm vi “kỳ nghỉ dưỡng tại chỗ” bằng cách thuê hoặc đầu tư second home nhằm tạm lánh nhịp sống vồn vã nơi đô thị.
Bên cạnh đó, nhiều khách sạn ngay tại nội thành đã bắt kịp xu hướng này bằng những đợt giảm giá “khủng” lên tới 80% với các phòng nghỉ hạng sang của mình để thu hút khách.
Trên thế giới, theo một nghiên cứu của đơn vị cho vay tín dụng Wonga ở Anh cho biết, tỷ lệ người Anh đi du lịch xa chỉ chiếm khoảng 17%.
Hơn nữa, nước Anh có lợi thế là có nhiều điểm đến thú vị, là lựa chọn phù hợp với staycation như Cornwall, Devon, North Wales, Blackpool…
Những vùng duyên hải thường là ưu tiên hàng đầu khi người Anh muốn staycation ở một nơi không quá cách xa khu đô thị, vừa có thể nghỉ ngơi, du lịch nhưng vừa có được sự yên bình và riêng tư.
Tiếp theo là workation - loại hình du lịch phù hợp với dân văn phòng
Khi xu hướng work from home (WFH) dần trở nên bình thường và đôi phần nhàm chán, bí bách thì workation trở thành xu hướng dự sẽ lan rộng đến mọi khu vực thế giới.
Workation được ghép từ "work" - công việc và "vacation" - kỳ nghỉ.
Hai trạng thái này tưởng chừng không bao giờ có thể đứng cạnh nhau nay lại hòa hợp tạo nên một xu hướng đặc biệt ở hiện tại và tương lai.
Workcation bắt nguồn từ châu Mỹ và châu u và nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ đến từ dân công sở, sau đó lan rộng tới khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam.
Nếu ngày ngày ta đến công ty vào lúc 8 giờ sáng và chấm công ra về lúc 5 rưỡi chiều, ắt hẳn sẽ dễ gặp stress và không đạt hiệu quả cao trong công việc.
Đặc biệt là bây giờ, khi dân văn phòng đã phải WFH trong một thời gian khá dài nên họ càng cần một nguồn năng lượng mới để “refresh” bản thân mà vẫn cân bằng được công việc và cuộc sống riêng tư.
Vì thế, workation là sự lựa chọn phù hợp cho người bận rộn, vừa tận hưởng cuộc sống vừa không lo công việc bị chất đầy.
Anh Trần Văn Nam, Giám đốc Công ty về quản lý các kênh OTAs khách sạn tại Huế cho biết “Workation sẽ giúp mọi người chủ động thời gian trong công việc. Hơn nữa, mọi người có thể sắp xếp, phân bổ thời gian hợp lý cho công việc chung và việc riêng. Cũng nhờ vậy mà công ty tiết kiệm được nhiều khoản chi phí như phí thuê văn phòng, phí điện, nước… giảm chi tiêu trong giai đoạn khó khăn, đặc biệt là trong dịch Covid-19.”
Theo cuộc khảo sát đầu năm nay, có đến hơn nửa du khách Việt (52%) muốn thực hiện chuyến du lịch workation.
Lý do được cho bởi kiểu du lịch này giúp họ có không gian làm việc không bị gò bó, tạo cảm giác mới mẻ và cải thiện được sức khỏe tinh thần.
Tuy nhiên, khái niệm làm việc từ xa và workation đôi khi đã gây ra hiểu lầm nhỏ về bản chất của hai loại hình này.
Thực tế, ranh giới của WFH và workcation cũng khá mong manh.
Nhưng làm việc từ xa được coi là 1 nhiệm vụ bắt buộc và đòi hỏi tinh thần trách nhiệm cũng như khả năng hoàn thành cao.
Còn Workcation lại thiên về tính tự nguyện và muốn kết hợp nhiều hoạt động hơn là sự bắt buộc.
Lối sống workation - vừa đi du lịch, vừa làm việc để có thu nhập mà không bỏ lỡ khoảnh khắc khám phá thế giới.
Cuối cùng là daycation - nghỉ dưỡng trong ngày
Daycation chính là kiểu nghỉ dưỡng dành cho người bận rộn bởi đây chỉ là kỳ nghỉ một ngày.
Daycation cũng được ghép bởi từ “day” - một ngày và “vacation” - kỳ nghỉ. Chỉ nhiêu đây thôi ta cũng nắm rõ được bản chất của xu hướng nghỉ dưỡng này.
Rõ ràng, du lịch là một nhu cầu không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại và tạo cảm giác thoải mái, “sạc lại năng lượng” cho du khách sau những ngày bộn bề công việc.
Tuy nhiên, vì tình hình xã hội hiện nay nên những chuyến đi dài ngày và xa cũng trở nên khó khăn hơn vì các thủ tục giấy tờ, xét nghiệm Covid-19.
Vì lẽ đó, daycation ra đời nhằm giải quyết nhu cầu tận hưởng của mọi cá nhân.
Giống như staycation, daycation cho phép du khách có một kỳ nghỉ trọn vẹn chỉ với một khoản chi phí nhỏ và không phải lên kế hoạch tỉ mỉ từ nhiều ngày trước.
Nhìn chung, liên tiếp các đợt dịch Covid-19 trong năm nay bùng phát khiến những người làm trong ngành du lịch chưa kịp ngẩng mặt thu lãi bù lỗ đã vội lo toan cho những khoản đầu tư vừa bỏ ra.
Thế nhưng đánh đổi lại là những xu hướng du lịch mang cảm giác mới lạ, thú vị cho du khách và mang tính lâu bền.
Thục San - Trends Việt Nam