Khi Hybrid Working trở thành trào lưu làm việc sau giãn cách

Hybrid Working là mô hình làm việc mà nhân viên có thể chủ động lựa chọn làm việc tại bất cứ nơi đâu và chỉ lên văn phòng khi cần thiết.

Theo kết quả khảo sát Work Trend Index của Microsoft năm 2021 có quy mô trên 30.000 người tại 31 quốc gia, Hybrid Working là mô hình làm việc đang được ưa chuộng trên thế giới trong giai đoạn bình thường mới.

null
Kết quả khảo sát Work Trend Index của Microsoft năm 2021 tiết lộ 52% nhân sự cân nhắc Hybrid Working.

Bà Tiêu Yến Trinh, CEO công ty tư vấn nhân sự Talentnet nhận định, tại Việt Nam, mô hình này chưa phổ biến trước đây.

Tuy nhiên, sau giai đoạn làm việc tại nhà do giãn cách xã hội kéo dài, mô hình làm việc này sẽ là xu hướng được ưa chuộng.

Bà Trinh cho biết:

“Có đến 81% người lao động nước ta muốn tiếp tục làm việc theo xu hướng "Làm việc kết hợp - Hybrid Workplace", đặc biệt là nhóm lao động trẻ Gen Z.”

Hybrid Working và những nhu cầu mới nổi về nơi làm việc

Với mô hình Hybrid Working, nhân viên có nhiều lựa chọn nơi làm việc hơn, và những như cầu về một chỗ làm việc mới thay vì công ty cũng dẫn đến những xu hướng làm việc mới.

Coworking Space - Xu hướng làm việc tại các văn phòng dịch vụ

Theo đó, các quán cà phê chạy deadline được quan tâm nhiều hơn khi mọi người có xu hướng thích công việc linh hoạt, làm việc từ xa sau khoảng thời gian work from home vì dịch bệnh.

Tại TP.HCM, một số quán cà phê trước đây chủ yếu phục vụ khách check-in, sống ảo nay đã chuyển sang kết hợp kinh doanh đồ uống với mô hình coworking space (văn phòng dịch vụ).

null
Các quán cà phê mở dịch vụ kinh doanh kết hợp coworking space và đồ uống.

Workcation - Xu hướng du lịch kết hợp với làm việc từ xa

Booking.com mới đây đã thực hiện một khảo sát về dự đoán Tương lai của Du lịch tại Việt Nam.

Theo đó, hơn một nửa số khách du lịch Việt Nam (52%) cân nhắc đặt chỗ nghỉ ở điểm đến có thể làm việc thay vì ở nhà hoặc tại văn phòng, đồng thời 57% không ngại đi cách ly nếu có cơ hội làm việc từ xa.

null
Xu hướng du lịch kết hợp với làm việc từ xa đang nở rộ.

Chia sẻ về xu hướng này, ông Anthony Lu, Giám đốc Khu vực Việt Nam của Booking.com, nhận định:

"Làm việc từ xa sẽ trở thành một xu hướng dài hạn vì sức khỏe và an toàn là ưu tiên hàng đầu trước tình hình hiện nay.

Để thay đổi không gian làm việc, khách du lịch muốn tìm đến nơi họ có thể dễ dàng kết hợp giải trí với công việc".

Lợi ích của Hybrid Working đối với người lao động và doanh nghiệp

Thực tế trên thế giới, Hybrid Working đã và đang được triển khai, đồng thời mang lại những kết quả thiết thực cho doanh nghiệp.

Cách vận hành này khiến nhân viên có thể lựa chọn khung giờ làm việc đạt hiệu suất tốt nhất với mình, đồng thời có thể giảm áp lực tinh thần bởi dư chấn Covid-19 và giảm nguy cơ lây nhiễm chéo.

Theo Công ty Tư vấn Quản lý Toàn cầu McKinsey & Company, Hybrid Working không chỉ mang lại sự tiện lợi cho nhân viên mà còn mang lại lợi ích cho doanh nghiệp bởi có thể giúp giảm tới 30% chi phí vận hành.

null
Mô hình Hybrid Working giúp giảm chi phí vận hành cho doanh nghiệp.

Với khoản chi phí tiết kiệm đó, công ty có thể sử dụng để tái đầu tư hoặc xây dựng văn phòng vệ tinh giúp nhân viên có nhiều lựa chọn nơi làm việc hơn.

Ngoài ra, khi không bị giới hạn bởi việc phải có mặt tại văn phòng, công ty có thể mở rộng nguồn lực, tuyển dụng nhân tài từ khắp nơi trên thế giới, gia tăng tính cạnh tranh khi gia nhập thị trường quốc tế.

Sự linh hoạt cả về không gian lẫn thời gian khiến mô hình Hybrid Working lấy được lòng của nhiều người lao động.

Những lưu ý cho doanh nghiệp khi áp dụng mô hình làm việc Hybrid Working

Để tận dụng mô hình này một cách hiệu quả, các doanh nghiệp cần lưu ý đến 4 vấn đề sau:

Xem xét ngành nghề

Báo cáo World Trend Index của Microsoft đã chỉ ra rằng không phải ngành nghề nào cũng có thể áp dụng Hybrid Working.

Mô hình này phù hợp cho một số ngành như công nghệ, truyền thông/quảng cáo, thiết kế, du lịch, thời trang, mỹ phẩm, đồ gia dụng...

Đơn cử, hiện những "ông lớn" công nghệ như Microsoft, Google, Facebook... cũng đã triển khai để nhân viên có thể linh hoạt làm việc tại nhà hoặc văn phòng.

null
Mô hình Hybrid Working được ứng dụng tại Microsoft.

Tuy nhiên, đối với với các ngành nghề đòi hỏi nghiêm ngặt việc bảo mật thông tin, quy trình như ngân hàng, chứng khoán, mô hình này sẽ khó phù hợp.

Chuẩn bị kỹ cho các công đoạn chuyển giao

Trong việc tái cấu trúc mô hình làm việc nội bộ, các cấp quản lý cần xác định bộ phận, phòng ban nào có thể luân chuyển làm việc ở nhà và văn phòng.

Thông thường sẽ là khối văn phòng, công việc không lệ thuộc vào máy móc công nghệ cao hay sổ sách chứng từ tuyệt mật của công ty.

Đối với đội ngũ nhân lực không có đủ thiết bị, máy móc phục vụ công việc tại nhà, bộ phận nhân sự cần thu thập thông tin để kịp thời phối hợp với bộ phận IT hỗ trợ xử lý.

Nhà quản lý cần thấu hiểu đặc thù của từng nhóm đối tượng nhân viên để có cách triển khai phù hợp.

Chẳng hạn, trong khi nhân viên gen Z có thể tiếp cận công nghệ và thích ứng nhanh với mô hình làm việc mới, những nhân viên thế hệ gen X, gen Y lại cần thời gian để sắp xếp và làm quen.

Nâng cấp hệ thống quản lý

Để đội ngũ lao động yên tâm làm việc theo mô hình Hybrid Working, các nhà lãnh đạo cần chuẩn bị một hệ thống làm việc, quản lý từ xa với sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ.

Làm việc trên cùng một hệ thống giúp nhân viên đối soát và lưu trữ dữ liệu về một mối để bảo mật thông tin dù ở bất cứ đâu.

Xây dựng thang đánh giá hiệu suất cấp tiến

Hình thức làm việc mới sẽ đòi hỏi cách đánh giá hiệu suất, chất lượng công việc nhân viên cũng phải được cập nhật.

Các nhà quản lý cần có quy trình mới để giao việc, theo dõi và đánh giá công việc, đảm bảo tính công bằng cho đội ngũ nhân viên làm việc từ xa và làm việc tại văn phòng.

null
Hình thức làm việc mới sẽ đòi hỏi cách đánh giá hiệu suất, chất lượng công việc nhân viên cũng phải được cập nhật.

"Việc chuyển đổi sang Hybrid Working sẽ cần lộ trình, nên doanh nghiệp hãy sắp xếp thứ tự ưu tiên từng bước và chú trọng đến tâm lý nhân viên cũng như xây dựng hợp tác nhóm.

Bà Trinh cũng khẳng định:

“Dù áp dụng mô hình làm việc nào, thì giá trị của người lao động thể hiện bằng chất lượng công việc, chứ không phải sự hiện diện của họ.”