Tự chăm sóc sức khỏe là gì?
Theo định nghĩa từ WHO, tự chăm sóc sức khỏe là cách mỗi cá nhân có khả năng tự chăm sóc cho nhu cầu thể chất, kiểm soát các vấn đề bệnh lý nhẹ và các chứng bệnh mãn tính của bản thân.
Đây được xem là giải pháp giúp giảm tải áp lực lên hệ thống y tế, kiểm soát thành công chi tiêu y tế, thúc đẩy hành vi chăm sóc sức khỏe phù hợp, trong đó mỗi cá nhân chịu một phần trách nhiệm với sức khỏe của chính mình.
Thực tế, mô hình này không mới và đã được các quốc gia phát triển như Mỹ, Úc, Brazil, Nhật Bản... áp dụng, kết hợp vào hệ thống y tế quốc gia như một phần cốt lõi.
Nó được xem là tiền đề quan trọng hỗ trợ cho những mục tiêu dài hạn về y tế lẫn kinh tế xã hội của nước nhà.
Tác động tích cực của tự chăm sóc sức khỏe trên nhiều phương diện
Tại Hội nghị trực tuyến giới thiệu báo cáo độc quyền và đầu tiên - "Sức mạnh của việc tự chăm sóc sức khỏe - Nỗ lực hướng đến mục tiêu bao phủ sức khỏe toàn dân" do KPMG Việt Nam phối hợp cùng Sanofi Việt Nam tổ chức vừa qua, ông Luke Treloar - Giám đốc, Trưởng Khối Tư vấn Ngành hàng Chăm sóc Sức khỏe & Khoa học Đời sống, KPMG Việt Nam nhận định Việt Nam có đầy đủ tiềm năng và cơ hội phát triển mô hình chăm sóc sức khỏe.
Những nghiên cứu và phân tích chúng tôi tổng hợp trong Báo cáo chỉ ra rằng: Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có hệ thống chăm sóc y tế khá phát triển tại Đông Nam Á với gần 90% dân số (khoảng 84 triệu người) đã có cùng mức bảo hiểm hỗ trợ (theo khảo sát năm 2018) và ước tính khả năng phòng ngừa các bệnh mãn tính trong nước lên đến 80% (theo WHO).
Các chuyên gia cho biết, một trong những lợi ích trước mắt khi triển khai mô hình tự chăm sóc sức khỏe là việc tiết kiệm được chi phí y tế do nâng cao hiểu biết về chăm sóc sức khỏe của người dân và mở rộng cơ hội tiếp cận với các phương pháp điều trị .
Theo ước tính, giải pháp này có thể mang lại 4,2 tỉ đô cho lợi ích kinh tế và tiết kiệm lên đến 0,6 tỉ đô cho ngân sách của hệ thống y tế quốc gia nhờ cắt giảm các khoản phí y tế không cần thiết.
Các kết quả tài chính khả quan từ chương trình tự chăm sóc sức khỏe không phải là lợi ích duy nhất đạt được nếu triển khai mô hình y tế này.
Cả bệnh nhân, chính phủ và ngành y tế đều được lợi từ ảnh hưởng tích cực của chương trình, bao gồm chất lượng sức khỏe được cải thiện, chi phí được giảm thiểu, năng suất lao động được nâng cao, tăng khách hàng lâu dài cho các nhà thuốc, phát triển kinh tế vi mô, thậm chí góp phần tích cực cho ngân sách thuế.
Đặc biệt, đây là giải pháp thiết thực, mang lại nhiều lợi ích sức khỏe cộng đồng, nhất là trong bối cảnh xã hội đang chịu nhiều áp lực về y tế & kinh tế xã hội khi đại dịch COVID-19 đang diễn tiến phức tạp.
Đề xuất triển khai chương trình tự chăm sóc sức khỏe
"Chất lượng sức khỏe toàn dân tỉ lệ thuận với năng suất lao động và sự thịnh vượng của quốc gia. Giữa sức khỏe và giáo dục tồn tại một mối tương quan tỉ lệ thuận, tương tự như quan hệ tương hỗ giữa sức khỏe và kinh tế. Do đó, để phát triển được chương trình tự chăm sóc sức khỏe hiệu quả, chúng ta cần tăng cường giáo dục và nâng cao hiểu biết cộng đồng. Đây chính là nền tảng quan trọng của chương trình" - ông Luke Treloar chia sẻ thêm.
Một yếu tố khác có vai trò gắn kết việc sử dụng cơ sở hạ tầng hiện có với hiểu biết về chăm sóc sức khỏe là xu hướng sử dụng nền tảng kỹ thuật số.
Thông qua internet và các ứng dụng chuyên biệt về chăm sóc sức khỏe, người dân có thể tự cập nhật kiến thức chăm sóc sức phù hợp tuổi tác, ngôn ngữ và khu vực địa lý.
"Công tác nâng cao ý thức chăm sóc sức khỏe trong cộng đồng, đặc biệt là giáo dục về tự chăm sóc sức khỏe, là vô cùng quan trọng.
Một cách làm hiệu quả đã được áp dụng thành công tại nhiều nước trên thế giới là mở rộng cơ hội tiếp cận của người dân với các phương pháp tự kiểm soát và điều trị các triệu chứng bệnh thông thường, từ đó giúp giảm tải áp lực cho hệ thống y tế quốc gia", bà Penn Policarpio - Tổng Giám đốc, Khối Ngành hàng Chăm sóc Sức khỏe Người tiêu dùng, Sanofi Việt Nam và Campuchia chia sẻ.
Theo Tuổi Trẻ