Đại dịch COVID-19 đã gây sức ép không nhỏ đến y tế toàn cầu, khiến nhu cầu tìm kiếm phương pháp điều trị và chế tạo vaccine tăng cao.
Theo đó, nhiều hãng dược phẩm và công nghệ sinh học đã tìm đến công nghệ A.I nhằm đẩy mạnh tốc độ và hiệu quả chẩn đoán cũng như điều trị, đối phó với dịch bệnh.
Xu hướng sử dụng A.I đối trong lĩnh vực y tế thế giới
Trước những ảnh hưởng của dịch bệnh, thị trường trí tuệ nhân tạo A.I ngày càng phát triển mạnh mẽ và đang có dấu hiệu bùng nổ, nhất là đối với ngành y tế toàn cầu.
Theo hãng nghiên cứu Accenture tại Hoa Kỳ ước tính, vào năm 2026, 10 ứng dụng trí tuệ nhân tạo đi đầu trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe có thể giúp ngành này tiết kiệm 150 tỉ USD mỗi năm.
Việc ứng dụng A.I trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cũng đã được dự đoán sẽ đạt trị giá 6,6 tỉ USD vào năm 2021, tương đương với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm lên đến 40% nếu tính từ năm 2014.
“Chúng tôi sử dụng công nghệ A.I để thiết kế các phân tử tốt nhất có khả năng phát triển hoàn hảo cho sự phát triển lâm sàng.”.
- Giám đốc Điều hành Andrew Hopkins của công ty start-up Exscientia (Anh), nhận định.
“Ông lớn” Google gần đây cũng rất tích cực trong việc ứng dụng A.I cho ngành y tế. Với ứng dụng Google Health Studies, Google dự định xây dựng một hệ sinh thái nghiên cứu lâm sàng cho người dùng hệ điều hành Android.
Ứng dụng còn thu hút sự tham gia của các trường đại học nổi tiếng như Stanford Medicine, Duke University School of Medicine và Hiệp hội Tim mạch Mỹ.
Đồng thời, ứng dụng cũng được hãng phát triển dưới công ty con Verily Life Sciences chuyên về khoa học đời sống.
Các sản phẩm này sẽ cung cấp cho những nhà nghiên cứu y tế luồng dữ liệu sức khỏe của bệnh nhân, từ đó ứng dụng trong điều trị y tế.
Cho đến nay, Verily Life Sciences đã hợp tác với nhiều tập đoàn dược phẩm lớn như Pfizer, Novartis, Otsuka và Sanofi và cho ra đời nhiều cuộc thử nghiệm lâm sàng hiệu quả.
Ứng dụng A.I trong y tế tại Việt Nam
Việt Nam cũng đang triển khai mạnh mẽ việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khoẻ.
Tiến sĩ Trần Thị Mai Oanh, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Y tế cho biết hiện A.I đang được ứng dụng trong 4 lĩnh vực: chẩn đoán bệnh, điều trị, quản lý thông tin theo dõi sức khỏe và đào tạo y tế.
Hệ thống VinDr do VinBigdata (Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn) phát triển đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo để chẩn đoán hình ảnh về bệnh lý phổi và chẩn đoán ung thư vú trên ảnh X-quang.
Hệ thống này hiện đã được thử nghiệm tại ba bệnh viện lớn của Việt Nam là Bệnh viện Đại học Y Dược, Bệnh viện 108 và Vinmec...
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết A.I có thể hỗ trợ ngành y đạt được những thành tựu to lớn như chấm dứt bệnh lao vào năm 2030 và chẩn đoán, điều trị hiệu quả các bệnh khác, trong đó có COVID-19.
Trí tuệ nhân tạo sẽ hỗ trợ trong sàng lọc X-quang lao phổi, dự báo dịch tễ học không gian, hỗ trợ quản lý tác dụng phụ của thuốc và hỗ trợ bệnh nhân trong quá trình điều trị,…
Có thể thấy, khả năng ứng dụng công nghệ A.I rất rộng. Đặc biệt, trong thời điểm căng thẳng của COVID-19, việc ứng dụng A.I trong chẩn đoán sớm đã góp phần rất lớn trong cải thiện hiệu quả chống dịch.
Hãng công nghệ BKAV cho biết họ đang nghiên cứu thiết bị xét nghiệm COVID-19 qua nước muối sinh lý. Với việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo, thiết bị xét nghiệm này chỉ mất 10 giây để cho ra kết quả.
Cụ thể, những người cần lấy mẫu sẽ súc miệng bằng nước muối và cho vào ống nghiệm. A.I sẽ tiến hành phân tích từ dải tần số ánh sáng chiếu vào ống nghiệm và đưa ra kết quả về nguy cơ dương tính với COVID-19.
Hiện sản phẩm này đang được thử nghiệm tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương với kết quả ban đầu khá khả quan. Tuy thiết bị vẫn còn sai số 10% nhưng đã thể tiềm năng được ứng dụng rộng rãi nhờ quy trình nhanh chóng, tốc độ và đơn giản.
Những nguy cơ tiềm tàng của trí tuệ nhân tạo A.I
Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong y khoa tuy vẫn còn hạn chế về tỉ lệ sai số, nhưng vẫn chứng minh được tiềm năng vô cùng to lớn. Thậm chí, nhiều chuyên gia dự đoán A.I sẽ tạo nên một cuộc cách mạng mới trong lĩnh vực y tế toàn cầu.
Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới đây vừa đưa ra một báo về những thách thức và rủi ro trong việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo đối với lĩnh vực y tế.
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus của WHO nêu rõ:
“Giống như tất cả các công nghệ mới, trí tuệ nhân tạo có tiềm năng to lớn trong việc cải thiện sức khỏe của hàng triệu người trên thế giới, nhưng đồng thời nó cũng có thể bị lạm dụng và gây hại.”.
Những cảnh báo này đề cập đến vấn đề thu thập và sử dụng dữ liệu y tế bất hợp pháp và phi đạo đức, rủi ro khi kiểm soát A.I gây ảnh hưởng đến an ninh mạng, bảo mật và an toàn đối với bệnh nhân,...
Theo đó, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo A.I trong lĩnh vực y tế nói riêng cũng như tất cả các lĩnh vực khác đều cần được tiến hành thận trọng, tránh gây nên những rủi ro ảnh hưởng đến sự an toàn của con người.
Theo Nhịp Cầu Đầu Tư.