Soya Garden đã quyết định tái cơ cấu với năm bước đi sau: Đóng bớt cửa hàng, Mở ki-ốt nhỏ để kinh doanh, Hợp tác với các Food App, triển khai mô hình English Talk Café và thử nghiệm Soya Bistro.
Covid-19: Cuộc “đại thanh trừng” ngành F&B
Ở các khía cạnh nhất định, đại dịch Covid-19 thực sự là “dấu chấm buồn” cho ngành F&B. Chi phí mặt bằng và vận hàng quá cao, doanh thu chưa đủ để bù đắp số vốn ban đầu, chính sách giãn cách xã hội của Chính phủ, tất cả đã khiến nhiều doanh nghiệp phải hứng chịu hậu quả.
Trước bối cảnh ấy, các thương hiệu F&B lớn đã lựa chọn phương án trả lại mặt bằng giá cao, chuyển hướng sang online, giảm chi phí vận hành và tăng cường các chương trình khuyến mãi để đáp ứng xu hướng tiêu dùng “thời dịch”.
Soya Garden - Hệ thống đậu nành chuẩn hữu cơ đầu tiên tại Việt Nam - cũng không phải ngoại lệ.
Khai trương cửa hàng đầu tiên tại Ô Chợ Dừa (Hà Nội) vào năm 2016, sau phi vụ gọi thành công số vốn 20 tỷ đồng từ Shark Nguyễn Ngọc Thủy trên chương trình Shark Tank Việt Nam 2017, đến năm 2019 Soya Garden đã sở hữu 50 cửa hàng trên toàn quốc.
Tuy nhiên, sau khi trải qua các đợt bùng phát dịch, Soya Garden đã phải liên tiếp đóng hàng loạt cửa hàng vào năm ngoái. Đến giữa tháng 03 năm nay, theo Trends Việt Nam ghi nhận, hệ thống này chỉ còn lại chín địa điểm tại Hà Nội và một điểm tại TP.HCM, tức giảm 40 cửa hàng so với lần ghi nhận năm 2019.
Nhưng "trong nguy có cơ", dịch bệnh cũng là cơ hội và động lực thúc đẩy các nhà hàng, cửa hiệu kinh doanh mảng F&B thực hiện chuyển đổi. Không ngồi im chịu trận, Soya Garden đã lên kế hoạch chỉ giữ lại các cửa hàng có doanh thu tốt, đồng thời tiến hành tái cơ cấu để thích nghi với thời cuộc.
Năm điều Soya Garden xem xét thực hiện khi quyết định TÁI CƠ CẤU
1. Chỉ giữ lại các cửa hàng có doanh thu tốt, đóng bớt các cửa hàng tốn kém chi phí mặt bằng và vận hành
Nhằm ứng phó với làn sóng Covid, Soya Garden đã lên kế hoạch điều chỉnh: chỉ giữ lại các cửa hàng có doanh thu tốt. Mới đây nhất, khi Việt Nam liên tục ghi nhận thêm nhiều ca dương tính mới trong cộng đồng, chuỗi đã mạnh tay hơn khi điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, trong đó cân nhắc việc sẽ đóng cửa mặt bằng tại Ngã Sáu Phù Đổng - vị trí đắc địa bậc nhất Sài Gòn.
Thứ nhất, Soya Garden đóng bớt các cửa hàng tốn kém chi phí mặt bằng và vận hành.
Trên thực tế, việc cắt giảm các khoản phí mặt bằng đắt đỏ giúp Soya Garden có thêm điều kiện triển khai các kế hoạch đa dạng và phục vụ khách hàng ngày một tốt hơn. Đại diện thương hiệu này cho biết, việc đóng cửa một số cửa hàng không phải để chuyển đổi mô hình kinh doanh, mà là điều chỉnh cho phù hợp với xu thế thị trường và thị hiếu người tiêu dùng.
2. Lựa chọn mở các ki-ốt không quá 20 chỗ, phục vụ bán mang đi và giao hàng
Nằm trong định hướng thay đổi để bắt nhịp xu hướng khách hàng, Soya Garden đang có kế hoạch chuyển sang kinh doanh dạng ki-ốt nhỏ nhằm tiết giảm chi phí mặt bằng, vận hành và nhân lực.
Không chỉ đơn thuần đa dạng hóa sản phẩm, điều chỉnh lại menu, tạo thêm không gian mở… cho các cửa hàng, nay “Vườn Đậu” còn chọn hướng đi mới: Mở các cửa hàng quy mô nhỏ dưới 20 chỗ và dạng ki-ốt nhằm tập trung nhiều hơn vào hình thức bán mang đi và giao hàng.
Mô hình quán nhỏ hay ki-ốt gần đây được đánh giá là dễ len lỏi vào các khu dân cư cũng như giới nhân viên văn phòng. Hơn nữa, việc bán hàng qua các quán nhỏ và take-away đã khá thành công và trở nên phổ biến tại nhiều thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM…
Thứ hai, Soya Garden lựa chọn mở các ki-ốt không quá 20 chỗ.
Tất nhiên, chuỗi vẫn giữ lại những “gà chiến” mang lại nguồn thu tốt, đồng thời vẫn đáp ứng nhu cầu trải nghiệm dịch vụ trong không gian sống xanh, lành mạnh, mang đậm bản sắc thương hiệu Soya Garden.
Phương án “ki-ốt hóa” trong ngắn hạn có thể giúp Soya Garden thử nghiệm các nhánh thị trường mới, tăng nhận diện thương hiệu và chạm đến nguồn khách hàng tiềm năng thích khám phá những trải nghiệm mới mẻ.
Đồng thời, việc duy trì các cửa hàng trọng yếu vẫn giữ nguyên giá trị lõi “đề cao sức khỏe, vẻ đẹp và trải nghiệm khách hàng” của Soya Garden, trung thành và nhất quán với mục tiêu dài hạn mang đến cho khách hàng những sản phẩm chuẩn hữu cơ, tốt cho sức khỏe, sự tiện lợi và những trải nghiệm mới.
Hơn nữa, ở góc độ của một start-up, đây cũng là giải pháp để Soya Garden đảm bảo lợi ích dài hạn cho các nhà đầu tư.
3. Hợp tác với các ứng dụng giao thức ăn
Grab, Now, Foody, Baemin và VinID là những cái tên được chuỗi "Vườn Đậu" này lựa chọn. “Trải nghiệm khách hàng” không gói gọn trong cái gọi là “view đẹp quán xinh phục vụ chu đáo”, khái niệm này cần được hiểu theo nghĩa rộng hơn: đáp ứng và phục vụ khách hàng mọi lúc, mọi nơi.
Thứ ba, Soya Garden hợp tác với các ứng dụng giao thức ăn.
Trên thực tế, không phải chỉ đợi đến khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, bản thân cuộc đua bán hàng trực tuyến đã nở rộ trên các nền tảng đặt đồ ăn, thức uống như Now, GrabFood, Baemin... Điểm quan trọng là mô hình giao hàng này đáp ứng được nhu cầu “nhanh - gọn - tiện” hết sức tối thượng của người tiêu dùng thế hệ 4.0.
Theo nhận định của ông Michael Schaefer - Giám đốc mảng F&B toàn cầu của Euromonitor, việc giao hàng ngày càng rẻ, nhanh và đáng tin cậy hơn nên phân khúc này có thể giành đến 50% dịch vụ đặt xe qua app (75 tỷ USD), 50% dịch vụ take away (250 tỷ USD), 35% của thị trường đồ ăn sẵn (40 tỷ USD), 30% các nguyên liệu đồ ăn đóng gói (100 tỷ USD) và 15% đồ ăn vặt đóng gói (125 tỷ USD).
Chuỗi đang tận dụng lợi thế công nghệ của các đối tác trên, nhằm “tối ưu hóa chi phí mặt bằng và vận hành, đồng thời đưa sản phẩm của mình về gần với nhà khách hàng hơn" - một chuyên gia F&B nhận định.
4. Hợp tác cùng Englishnow triển khai mô hình English Talk Café
Sau thời gian thử nghiệm chương trình "Học tiếng Anh thông minh – Uống sữa đậu nành tuyệt đỉnh" và thu về những kết quả nhất định, Soya Garden sẽ tiếp tục hợp tác với Englishnow triển khai mô hình English Talk Café để gia tăng tệp khách hàng và không gian trải nghiệm cho các học sinh của Englishnow.
Thứ tư, Soya Garden đồng triển khai mô hình English Talk Café.
5. Thử nghiệm mô hình Soya Bistro
Chuỗi cửa hàng này sẽ kết hợp với một số thương hiệu F&B với mục tiêu xây dựng mô hình Soya Bistro tương tự như một số nhà hàng đa dạng hiện khá phổ biến tại các thành phố du lịch phát triển như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng.
Tổng hợp