Khẩu vị thay đổi
Thực tế thị trường ghi nhận phần lớn khách thuê văn phòng đang thay đổi thói quen sử dụng bất động sản sau 2 năm COVID-19 bùng phát.
Các doanh nghiệp thuê mặt bằng có xu hướng tái cơ cấu không gian làm việc theo mô hình kết hợp giữa văn phòng truyền thống và văn phòng ảo, từ đó điều chỉnh giảm mật độ chỗ ngồi nhân viên tại nơi làm việc.
Nhân viên văn phòng cũng linh hoạt hơn khi có thể xử lý công việc ở mọi nơi, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, duy trì hiệu quả hoạt động và đảm bảo an toàn phòng chống dịch.
Những thay đổi này kéo theo sự “đổi chỗ” của các tiêu chí lựa chọn văn phòng cho thuê.
Nếu trước đây giá thuê, trang thiết bị… được đặt lên hàng đầu thì hiện nay, các yếu tố giúp đảm bảo sức khỏe được thêm vào danh mục ưu tiên.
Đây là lý do khiến các không gian văn phòng mở (co-working) hay không gian văn phòng xanh (green office)… trở nên phổ biến hơn.
Tính chuyên nghiệp và khả năng tổ chức, ứng phó với dịch của các đơn vị cho thuê cũng được xem xét kỹ lưỡng hơn bao giờ hết.
Các hoạt động vệ sinh, khử khuẩn khu vực công cộng, đo thân nhiệt khách ra/vào, khai báo y tế nhanh chóng, giải pháp ứng phó khi có dịch… dần trở thành yêu cầu cơ bản thúc đẩy doanh nghiệp thuê mặt bằng ra quyết định cuối cùng.
Thị trường văn phòng đang có sự "đổi ngôi" hậu COVID-19
Các không gian làm việc chung (co-working) có nguồn cung tăng trưởng chậm trong năm 2021 ở mức 3% với tổng diện tích 83.500m2 , trong khi đó mức tăng trưởng ở năm 2020 là 6% theo năm.
Có 3 dự án co-working mới cung cấp cho thị trường tổng diện tích cho thuê 4.300m2 với quy mô nhỏ, nhưng bên cạnh đó cũng có 4 dự án đóng cửa với tổng diện tích 2.100m2 .
Với lượng cung mới ít ỏi, công suất trung bình toàn thị trường co- working tăng 7 điểm phần trăm theo năm, giá trung bình được giữ ổn định theo năm ở mức 5,9 triệu đồng/vị trí/tháng.
Co-working trong các tòa văn phòng Hạng B có công suất trung bình cao nhất thị trường ở mức 84%, kế đến là ở các tòa hạng A với 82%.
Với các dự báo kinh tế tích cực cho năm 2022, nhu cầu mở địa điểm co-working có triển vọng tăng trưởng.
Bà Từ Thị Hồng An, Giám đốc bộ phận Cho thuê Thương mai, Savills VIệt Nam nhận định "Thị trường văn phòng phục hồi sau giãn cách với nhu cầu cao và nguồn cung hạn chế. Văn phòng kết hợp trở nên ngày càng phổ biến như một giải pháp khả thi và tối ưu chi phí. Ngành công nghệ thông tin là nhóm khách thuê năng động nhất, đang tìm kiếm diện tích thuê tại cả ba hạng văn phòng. Mặc dù nguồn cung khan hiếm, giá thuê gần như không tăng do tỷ lệ hấp thụ tại các văn phòng cỡ nhỏ đang chậm lại"
Xu hướng Hybrid working đang được quan tâm
Theo Savills, Co-working đang tăng trưởng chậm, trong khi đó mô hình làm việc kết hợp (hybrid working) lại đang đón nhận sự quan tâm từ các chủ doanh nghiệp sau giai đoạn giãn cách xã hội kéo dài.
Bà An cho hay, có thể thấy, với tình hình nguồn cung hạn chế tại các khu vực trung tâm, áp dụng mô hình văn phòng kết hợp là một phương pháp có tính khả thi nhằm tối ưu chi phí hoạt động mà vẫn đáp ứng được nhu cầu mở rộng, các tiện ích văn phòng, mức độ hài lòng của nhân viên khi làm việc và hiệu suất của doanh nghiệp.
Với tính chất linh hoạt nhưng vẫn lấy bản chất của công ty làm trọng tâm của sự chuyển đổi, mô hình làm việc kết hợp không chỉ mang lại lợi ích cấp thiết cho những doanh nghiệp đang có nhu cầu mở rộng nhưng vướng phải rào cản nguồn cung hạn hẹp mà còn mở ra những giá trị bền vững lâu dài để các doanh nghiệp thích ứng với những biến đổi của xã hội.
Nói về triển vọng, theo Savills, tới năm 2025, thị trường văn phòng sẽ ghi nhận thêm 550.000m 2 diện tích sàn từ 21 dự án mới, trong đó 11 dự án ngoài trung tâm chiếm 48% tổng diện tích.
Bốn dự án Hạng A với quy mô lớn sẽ vào thị trường từ năm 2023 trở đi, với diện tích sàn trung bình 67.000 m2/dự án, chiếm 49% tổng nguồn cung tương lai.
FocusEconomics dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam sẽ là 6,9%/năm từ 2022 đến 2024.
Trung tâm dự báo nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM ước tính nếu dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát tốt, nhu cầu lao động ở TP.HCM trong năm 2022 sẽ là 310.000 chỗ làm việc, tập trung chủ yếu từ ngành Thương nghiệp, Bất động sản và Sản xuất điện tử.
Những ngành này cùng với ngành Công nghệ thông tin và truyền thông cũng chiếm đa số nguồn vốn FDI mới và vốn FDI bổ sung trong năm 2021, nên nhiều khả năng sẽ trở thành những ngành trọng điểm tạo ra nhu cầu thuê phòng.