Sau khi chỉ thị giãn cách xã hội được gỡ bỏ, nhiều hàng quán, cửa hàng ăn uống đã hoạt động trở lại sau chuỗi ngày dài “nằm yên”.
Tuy nhiên, chiến lược cũ có còn phù hợp với cuộc sống bình thường mới hay không, đặc biệt là lĩnh vực F&B?
Câu trả lời là “Không hẳn” bởi sau biến động lớn mà Covid gây ra, nhu cầu và thói quen tiêu dùng ăn uống của nhiều người phần đa là đã thay đổi.
Dưới đây là 4 yếu tố chiến lược doanh nghiệp F&B cần lưu ý để phục hồi và tồn tại lâu dài sau dịch.
1. Lựa chọn địa điểm kỹ càng
“Thiên thời địa lợi nhân hòa” luôn là tiêu chuẩn mọi người hướng đến khi bắt tay vào những “phi vụ” quan trọng như lựa chọn mặt bằng kinh doanh.
Cụ thể, với thị trường F&B, những địa điểm trung tâm thành phố hoặc gần trung tâm sẽ lọt vào “mắt xanh” các nhà kinh doanh.
Tuy nhiên, vào khoảng thời gian sau dịch, thay vì tập trung nhiều cửa hàng tại một khu vực trung tâm thì doanh nghiệp nên dàn trải trên nhiều quận huyện và các tỉnh thành phố.
Điều này cho phép các doanh nghiệp F&B có cơ hội được tiếp cận nhiều hơn các đối tượng khách hàng khác nhau, tối đa hóa tệp khách hàng nội địa càng nhiều càng tốt.
Đồng thời, việc mở rộng nhiều chi nhánh tại nhiều địa phương vừa cung cấp sự tiện lợi về ăn uống ngay tại nơi khách hàng sinh sống vừa bao phủ diện rộng cho mạng lưới vận chuyển và bán hàng mang đi của cửa hàng.
2. Thu nhỏ diện tích quán
Nếu như trước kia, trải nghiệm khách hàng tại không gian quán là một trong những ưu tiên hàng đầu của chủ quán thì nay việc thu hẹp không gian lại trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.
Lý do được cho bởi, sự lây lan rộng rãi của Covid đã khiến các nhà kinh doanh F&B phải lao đao vì kinh tế không đủ để vận hành doanh nghiệp trơn tru, thậm chí tiền thuê nhân viên và các chi phí điện nước cũng thiếu thốn.
Hơn nữa, dịch bệnh ngày càng phức tạp đã khiến người dân hạn chế ra ngoài và e ngại khi tập trung tại những nơi tụ tập đông người
Chính vì vậy, thu gọn diện tích không gian quán vừa đủ hợp lý là cách doanh nghiệp F&B nên làm để tránh lãng phí không gian cũng như giảm bớt đáng kể những chi phí liên quan.
Theo bà Trần Phạm Phương Quyên, quản lý cho thuê mặt bằng bán lẻ, Savills Việt Nam chia sẻ “Để duy trì hiệu quả, chi phí thuê mặt bằng của doanh nghiệp chỉ nên tối đa từ 10% đến 16% doanh thu.”
3. Tinh gọn bộ máy doanh nghiệp
Để giảm thiểu chi phí nhiều nhất có thể, ngoài việc thu hẹp không gian quán, các doanh nghiệp F&B nên tinh chỉnh lại bộ máy doanh nghiệp: ít nhân sự nhưng hiệu quả cao.
Bằng việc đưa chương trình huấn luyện đa nhiệm vào cơ chế đào tạo nhân sự, doanh nghiệp có thể khai thác được nhiều tiềm năng chỉ ở một nhân viên, và đồng thời nâng cao kỹ năng đa nhiệm cho đội ngũ.
Đây có thể được coi là chiến lược “một mũi tên trúng hai đích”, vừa gia tăng lợi nhuận vừa nâng cao được kỹ năng mềm cho nhân viên - yếu tố chủ chốt cho sự tăng trưởng của doanh nghiệp.
4. Đầu tư và nuôi dưỡng hệ thống phân phối
“Tiền đẻ ra tiền” có lẽ là bí quyết tự cổ chí kim mà giới kinh doanh luôn ghi nhớ để đầu tư và phát triển doanh nghiệp lớn mạnh.
Và một trong 4 chiến lược vực dậy hoạt động kinh doanh mà bà Phương Quyên đề ra chính là cần tập trung nguồn lực và phần tài chính tiết kiệm được nhờ tinh gọn không gian quán và bộ máy nhân sự để có thể nuôi dưỡng hệ thống phân phối và giao nhận hiệu quả hơn.
Thời đại số lên ngôi yêu cầu doanh nghiệp F&B cần chăm chút và đầu tư vào những thông điệp marketing online nhằm tiếp cận gần hơn và đa dạng hơn tới khách hàng.
Bên cạnh đó, các nhà kinh doanh lĩnh vực F&B cần chú trọng hơn trong việc chăm sóc giá trị tinh thần và trải nghiệm khách hàng tại nhà.
Theo GS. TS. BS. Cao Tiến Đức - Nguyên Chủ nhiệm Khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân y 103 cho biết “COVID-19 là một sang chấn nghiêm trọng tác động đến tâm lý con người khiến người ta dễ mắc các rối loạn về tâm thần như trầm cảm, lo âu, rối loạn stress sau sang chấn.”
Do vậy, chăm lo tới đời sống tinh thần của khách hàng là điều doanh nghiệp nên làm để gia tăng cơ hội ghi điểm trong mắt họ.
Song song đó, doanh nghiệp có thể tạo thêm nhiều khách hàng tiềm năng hơn qua việc quan tâm tới trải nghiệm người tiêu dùng ngay tại chính căn nhà của họ.
Có thể nói, đại dịch dù mang đến nhiều tổn thất lớn cho doanh nghiệp nhưng đâu đó vẫn có lối thoát cho các nhà kinh doanh, cụ thể là 4 chiến lược nêu trên trong lĩnh vực F&B, để vực dậy và khôi phục hoạt động kinh doanh doanh nghiệp.
Thục San - Trends Việt Nam