Thế hệ Z (1995 – 2012) là nhóm thế hệ ra đời trong thời kỳ ổn định của sự phát triển công nghệ kỹ thuật số trước khi nó bùng nổ và có những bước tiến đột phá như hiện nay.
Đặc điểm chung của những người thuộc thế hệ này là sự cởi mở, tự chủ trong suy nghĩ, nhanh nhạy với sự đổi mới và khả năng sử dụng công nghệ một cách dễ dàng.
Điều này đem đến nhiều lợi ích cho người sử dụng lao động, nhưng cũng gây ra nhiều khó khăn nếu doanh nghiệp không nắm rõ được nhu cầu và mong muốn của Gen Z khi làm việc.
Ngoài ra, Gen Z được nhận xét là thế hệ có ý chí về khởi nghiệp khá cao và họ không còn quá yêu thích môi trường làm việc gò bó nơi doanh nghiệp.
Vậy, khi làm việc cùng Gen Z, doanh nghiệp cần lưu ý những vấn đề gì để giúp giữ chân được nhóm nhân lực này?
1. Minh bạch
Sự cởi mở và minh bạch từ người sử dụng lao động giúp Gen Z biết được họ đã đóng góp gì cho công ty và cần cải thiện ở điểm nào.
Điều này rất quan trọng vì họ cảm thấy không thoải mái khi làm việc mà không biết mục đích mình đang hướng tới.
Tính minh bạch không chỉ giúp người chủ lao động cải thiện giao tiếp và sự tin cậy với Gen Z, việc xem họ như một phần quan trọng trong định hướng và hoạt động của công ty sẽ thu hút ứng viên gắn bó lâu dài hơn.
Vì vậy, hãy lắng nghe, phản hồi và công nhận họ.
2. Làm việc thoải mái và linh hoạt
Theo nghiên cứu, sự linh hoạt và tự do cá nhân là một trong những ưu tiên khi làm việc của Gen Z.
Sự linh hoạt có thể được thể hiện thông qua lịch trình làm việc tại nhà (hoặc 1-2 ngày làm việc từ xa).
Do đại dịch COVID-19, một lựa chọn phổ biến được các doanh nghiệp lớn áp dụng là hybrid working như Microsoft, Baemin,...
Theo nhiều nghiên cứu, Gen Z tin rằng giờ giấc làm việc linh hoạt, từ xa ở nhiều không gian làm việc khác nhau sẽ giúp họ có tâm lý thoải mái, hiệu suất công việc được nâng cao, kích thích tối đa tính sáng tạo và năng suất.
Ngoài ra, tính linh hoạt còn được thể hiện thông qua việc cho phép và khuyến khích sự sáng tạo.
Vì vậy, các nhà lãnh đạo nên tạo cơ hội cho họ không gian để sáng tạo, nếu có thể, hãy để họ tự mắc lỗi và rút kinh nghiệm.
3. Mức lương xứng đáng
Được tiếp cận với công nghệ và kiến thức từ sớm, không khó để Gen Z sở hữu khối kiến thức về tài chính.
Các cuộc khảo sát cho thấy tiền lương rất quan trọng với Gen Z và họ cũng cảnh giác với việc mắc nợ và tiết kiệm nhiều hơn những người tiền nhiệm.
Mặc dù điều này không phải lúc nào cũng có thể thực hiện được, họ vẫn sẵn sàng học hỏi và muốn được tiến xa hơn, như thăng chức chẳng hạn, để từng bước đạt được mức lương mình mong muốn.
Trong trường hợp không thể chấp nhận thương lượng mức lương với Gen Z, người sử dụng lao động có thể đưa ra các đặc quyền công việc và đề xuất khoản phụ cấp, giúp họ giảm bớt gánh lo về chi phí cá nhân.
4. Áp dụng công nghệ
Sinh ra và lớn lên trong thời đại công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, Gen Z không hề cảm thấy khó khăn khi sử dụng và thậm chí không thể rời xa các công cụ điện tử.
Nhóm thế hệ này ra đời trong kỷ nguyên công nghệ số nên nhiều doanh nghiệp tin tưởng vào khả năng tương tác mạnh mẽ của Gen Z với thế giới công nghệ thông qua các phương tiện truyền thông xã hội, internet,…
Điều này có nghĩa là họ sẽ phát triển tốt trong môi trường làm việc với các quy trình tự động hay các thiết bị luôn được cập nhật mới nhất.
Các khóa đào tạo qua video, sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào công việc sẽ thu hút nguồn năng lực trẻ này hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên, người sử dụng lao động cũng không nên lơ là việc trang bị cho Gen Z những kỹ năng về con người khi sử dụng các thiết bị công nghệ, nhất là trong lĩnh vực chăm sóc khách hàng.
5. Gen Z và trách nhiệm xã hội
Theo Deloitte.com, ý thức xã hội chiếm vị trí cao trong danh sách ưu tiên của nhân viên thế hệ Z.
Họ xem mình là công dân toàn cầu, do đó, cảm thấy cần phải tham gia vào công cuộc biến thế giới trở thành một nơi tốt đẹp hơn.
Vì vậy, lực lượng lao động tiềm năng này sẽ bị thu hút và cảm thấy có động lực làm việc hơn với các doanh nghiệp, tổ chức đang tạo ra sự thay đổi tích cực trong cộng đồng và trên toàn thế giới.
Trách nhiệm với xã hội này sẽ thúc đẩy tinh thần và sự quý mến của các nhân viên thế hệ Z với công ty của họ.
Tạm kết
Mặc dù còn nhiều thiếu sót, Gen Z là nguồn lao động năng động, ham học hỏi và ẩn chứa nhiều tiềm năng có ích cho xã hội.
Nếu người sử dụng lao động có thể đưa những điều trên vào các chính sách quản lý nhân viên, họ có thể mong đợi Gen Z đem đến sự hiệu quả về chất và lượng.
Theo ELLE Vietnam