Xu thế tất yếu hậu đại dịch
Mới đây, Alibaba.com - một trong những nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) B2B hàng đầu thế giới đã công bố báo cáo “Toàn cảnh chuyển đổi số Việt Nam B2B 2022” với trọng tâm là tình hình xuất, nhập của Việt Nam trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Báo cáo của Alibaba.com cũng cho thấy trong hoạt động thương mại B2B trong trạng thái bình thường mới, phần lớn các doanh nghiệp B2B đã chuyển đổi mô hình từ tiếp thị truyền thống sang kỹ thuật số, phụ thuộc nhiều vào video và trò chuyện trực tuyến.
Theo đó, cả người mua và bán B2B đều ưa chuộng phương thức giao tiếp kỹ thuật số, hầu hết các tương tác đã chuyển sang các hình thức kết nối trực tuyến.
Theo một khảo sát do McKinsey công bố, có đến 40% người được hỏi bắt đầu chọn các thương hiệu hoặc nhà cung cấp mới khi các kênh trực tiếp bị đình trệ do dịch COVID-19.
Tại Việt Nam, theo Alibaba.com, trong 3-5 năm tới, đại dịch COVID-19 sẽ tiếp tục được bình ổn và trong trạng thái bình thường mới, thương mại điện tử, đặc biệt là các hoạt động xuất nhập khẩu trực tuyến sẽ trở thành một hình thức tất yếu để tham gia vào chuỗi thương mại toàn cầu.
Theo ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công thương cho biết trong hai năm qua, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, đầu tư và kinh doanh trên toàn thế giới, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và thương mại quốc tế.
Theo đó, hoạt động xúc tiến thương mại cũng gặp nhiều khó khăn, không thể thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống cần trao đổi trực tiếp giữa nhà cung cấp, nhà phân phối, người mua, nhà xuất khấu và nhà nhập khẩu.
Cũng theo ông Chiến, trong bối cảnh nói trên, hoạt động xúc tiến thương mại trên nền tảng số đã được Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với các nền tảng thương mại điện tử, trong đó hoạt động đào tạo phối hợp với Alibaba.com đã được các đối tác và doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước đón nhận và đánh giá cao.
Việt Nam trở thành điểm sáng
Theo nhận định của ông Roger Lou, Giám đốc quốc gia Alibaba.com nhận định Việt Nam hiện nay đang nổi lên như một điểm sáng khi hội tụ được các yếu tố giúp chuyển đổi số mạnh mẽ các hoạt động kinh tế truyền thống, đặc biệt là xuất khẩu số.
“Việt Nam hiện đang là thành viên của rất nhiều hiệp định kinh tế và thương mại và . Chúng tôi tin rằng những hiệp định thương mại tự do này sẽ có lợi cho các DNVVN Việt Nam trong tương lai. Cùng với những nỗ lực toàn cầu hoá, các doanh nghiệp nội địa sẽ có nhiều cơ hội hơn để vươn ra xuất khẩu tại nhiều thị trường mới.” ông Roger Lou, Giám đốc quốc gia Việt Nam của Alibaba.com chia sẻ.
Thông qua đó, ông cũng khẳng định “Chúng tôi tin rằng, thương mại toàn cầu thông qua nền tảng TMĐT B2B có khả năng mang đến những cơ hội đó và giúp nhiều DNVVN của Việt Nam hơn nữa phục hồi kinh tế và phát triển một cách bền vững.”
Cũng theo ông Roger Lou, mục tiêu đến năm 2025, Alibaba.com sẽ cung cấp các giải pháp kỹ thuật số cho hơn 10.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ xuất khẩu thành công thông qua Alibaba.com.
Là một doanh nghiệp đã có được những thành công nhất định trong hoạt động xuất khẩu B2B trực tuyến, bà Phạm Diệu, Giám đốc Công ty TNHH Nước giải khát Tân Đô cho biết, doanh nghiệp đã tăng gấp đôi số lượng đơn hàng của mình từ 20 lên 46 sau 3 tháng sử dụng tiếp thị thông minh vượt qua các đối thủ dẫn đầu phân khúc ngành hàng khắp thế giới.
Hiện doanh nghiệp đã có 22 khách hàng thường xuyên, giúp đảm bảo hoạt động sản xuất của chúng tôi ngay cả trong COVID-19, bà Diệu chia sẻ.
Ông Roger Lou cho rằng hiện Việt Nam là một trong những quốc gia sản xuất đại diện cho khu vực Đông Nam Á đã và đang có được uy tín mạnh mẽ trong lòng khách hàng toàn cầu với năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, giá cả cạnh tranh và tập trung vào xuất khẩu.
Trong khi phân khúc thị trường B2C đã áp dụng thương mại điện tử một cách sâu rộng, một số doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng đã thiết lập giao dịch B2B toàn cầu bằng cách sử dụng các kênh kỹ thuật số.
Theo đó, vị Giám đốc quốc gia của Alibaba.com cũng cho biết hiện Việt Nam là một trong những thị trường chiến lược toàn cầu quan trọng nhất của Alibaba.com và hiện đang có nhiều chương trình hợp tác, hỗ trợ mạnh mẽ nhằm kết nối các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong cả nước.
Được biết, trong các hoạt động của mình, trong năm 2021, Alibaba.com Việt Nam đã ký Biên bản ghi nhớ với Liên đoàn Thương Mại Việt Nam (VCCI) nhằm hỗ trợ nhiều hơn vào những đề xuất chính sách phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam, bắt đầu bằng việc đào tạo tư duy về thương mại điện tử cho các chủ doanh nghiệp.