Thị trường sách và những con số đáng chú ý
Liên minh các nhà bán sách châu u và quốc tế (EIBF) có trụ sở tại Brussels đã đưa ra báo cáo thị trường bán sách toàn cầu năm 2022.
Báo cáo đã đánh giá tình hình ngành sách năm 2021 và dự báo các xu hướng của ngành xuất bản.
Tại những thị trường được phân tích, doanh số bán sách tăng 5% trong năm qua.
1/3 thị trường tham gia báo cáo, doanh số thậm chí tăng tới 15% và một số nơi còn cao hơn.
Doanh thu từ các đầu sách dành cho trẻ em này năm 2021 tăng thêm 9% so với năm 2019.
Lần đầu tiên, vào năm 2021, các kênh thương mại điện tử bán ra lượng sách nhiều hơn so với các cửa hàng giao dịch trực tiếp.
Cụ thể, tại Hà Lan, doanh thu của các kênh bán sách trực tuyến tăng 20%, trong khi các cửa hàng sách có doanh số giảm 7%.
Những con số trên cho thấy tình hình phát triển của thị trường sách.
Từ đó, các nhà nghiên cứu đã có những đề xuất giúp ngành này tăng trưởng tốt hơn nữa.
Tăng cường ứng dụng công nghệ số và tối ưu hóa các kênh bán hàng trực tuyến
Doanh số bán hàng trực tuyến gia tăng đáng kể trên toàn cầu.
Vậy nên bán hàng trực tuyến được xác định là chiến lược quan trọng để tăng doanh số bán sách thị trường sách trên toàn thế giới.
Nhiều hiệu sách ở Pháp đã mở rộng hình thức hoạt động, hướng đến thị trường trực tuyến.
Họ đăng tải sách và các sản phẩm trên trang web của cửa hàng. Khách hàng có thể chọn giao hàng đến nhà hoặc tới trực tiếp hiệu sách để lấy.
Bên cạnh việc mở rộng các kênh bán hàng kỹ thuật số, dịch vụ phát trực tuyến (livestream) sẽ còn phát triển mạnh hơn nữa.
Ở những quốc gia dịch vụ phát trực tuyến mới chỉ hiện diện hạn chế hoặc chưa từng xuất hiện trước thời kỳ dịch bệnh, hiện tại, thị trường sách đang ghi nhận sự phát triển theo cấp số nhân.
Liên minh các đơn vị bán sách của New Zealand cũng chia sẻ về định hướng của họ.
Cụ thể, ưu tiên chính của họ trong tương lai là nâng cao năng lực kỹ thuật số cho các hiệu sách độc lập để cạnh tranh với các chuỗi bán sách quốc tế và quy mô lớn.
Cùng với đó là cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật số cho các đơn vị thuộc hiệp hội.
Đảm bảo sự vận hành của chuỗi cung ứng
Tình trạng thiếu giấy đã xảy ra trong thời gian dài, từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
Một trong những nguyên nhân của tình trạng thiếu hụt giấy là do Trung Quốc đóng cửa nhiều nhà máy giấy.
Quốc gia sản xuất lượng lớn nguyên liệu cho ngành giấy này đã thực hiện chính sách cắt giảm nhân lực cũng như số lượng nhà máy.
Đại dịch xảy ra khiến biên giới đóng cửa, sau này là chính sách hạn chế tiếp xúc khiến nguồn cung giấy vào các nước giảm.
Các nhà máy giấy châu u đang vật lộn để tìm công nhân khi hoạt động trở lại sau khi ngừng hoạt động do COVID-19.
Sự thiếu hụt giấy dẫn đến giá giấy tăng và sau đó là việc tăng giá sách.
Tại Việt Nam, giá giấy cũng tăng ảnh hưởng hoạt động của các nhà xuất bản, làm tăng giá sách bán ra thị trường.
Không chỉ giấy nhập khẩu mà giấy trong nước sản xuất cũng tăng giá. Có loại giấy tăng 20%, đặc biệt có loại tăng tới 50% so với năm 2020.
Trong khoảng 6 tháng đầu năm 2021, tình trạng khan hiếm giấy khiến Công ty Nhã Nam 3 lần điều chỉnh giá.
Vậy nên trong thời gian tới các nước sẽ rà soát đảm bảo chuỗi cung ứng. Đặc biệt là về thủ tục giấy tờ và hậu cần vận chuyển.
Hiệp hội các nhà xuất bản và nhà bán sách Thụy Sĩ chia sẻ:
“Các lĩnh vực phát triển chính trong những tháng tới sẽ tập trung vào số hóa và tất cả các chủ đề xoay quanh các vấn đề của chuỗi cung ứng, bao gồm sự thiếu hụt nguyên liệu thô, trước hết là cung cấp giấy.”
Sẵn sàng ứng phó với việc giảm sức mua của khách hàng
Những tháng mùa thu và mùa đông sắp tới cùng với sự bất ổn do giá cả tăng ở tất cả các khu vực sẽ ảnh hưởng đến khả năng mua sách.
Sách sẽ phải cạnh tranh với các hàng hóa và dịch vụ thiết yếu khác.
Khi đó, bán hàng trực tuyến và giảm giá là kế hoạch chính được các nhà sách triển khai.
Chiến lược bán hàng trực tuyến được xác định là rất quan trọng để tăng doanh số bán sách trên các thị trường sách trên toàn thế giới.
Nhiều nhà bán sách đang phát triển các cửa hàng trực tuyến của riêng họ để cạnh tranh với các trang thương mại điện tử.
Liên minh các nhà bán sách ở nhiều quốc gia đã xây dựng được ảnh hưởng thực tế.
Họ mở rộng bán hàng trực tuyến và tìm cách kết nối thành công các hiệu sách để đảm bảo sự phát triển chung của họ.
Liên đoàn những người bán sách Luxembourg cho biết để duy trì và kích thích doanh số bán hàng trên internet, họ đã tạo trang web hấp dẫn và cho phép khách hàng mua sắm suốt 24 giờ.
Đồng thời chi phí vận chuyển được tối ưu hóa để thu hút khách hàng.
Tại cửa hàng, sự chào đón và chăm sóc khách hàng được tăng cường để họ cảm thấy thoải mái. Cùng với đó là tạo ra những ưu đãi hấp dẫn để thu hút khách hàng.
Có thể thấy sự thay đổi trong hành vi của khách hàng, ưu tiên các kênh bán hàng kỹ thuật số.
Điều này tác động đến những người bán sách khiến họ phải sử dụng các công cụ cho phép họ thích ứng với việc quản lý, tiếp thị và phân phối mới và hiệu quả hơn.
Ứng dụng và tối ưu hóa công nghệ, đảm bảo chuỗi cung ứng và xây dựng những kịch bản ứng phó với việc giảm sức mua là xu hướng của thị trường sách toàn cầu trong thời gian tới.