Kinh nghiệm từ Quốc đảo Maldives
Được mệnh danh là "thiên đường nghỉ dưỡng" của châu Á và Thế giới, Maldives đã có chính sách đầu tư, phát triển du lịch bài bản, khoa học hướng đến phát triển bền vững.
Trong đó, đặc biệt là chính sách phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh gắn với gìn giữ, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường và bảo tồn sinh vật biển.
Chính sách phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh của Maldives được thể hiện ở các quy định cụ thể về sức chứa môi trường với việc kiểm soát môi trường xây dựng và đảm bảo an sinh cho người lao động trong ngành du lịch.
Theo kế hoạch, đến năm 2030, Maldives sẽ thay thế hoàn toàn các nguồn năng lượng hóa thạch bằng năng lượng tái tạo, và trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới có lượng cacbon trung tính.
Bộ Du lịch Maldives cấp chứng nhận nhãn Travelife Gold cho các khu nghỉ dưỡng đảm bảo có hệ thống xử lý nước thải và rác thải.
Cho đến nay, 100% resort trên đảo tuân thủ chính sách phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh và đạt chứng nhận nhãn Travelife Gold.
Với những nỗ lực trong hành động của Chính phủ cùng người dân, du lịch Maldives đang phát triển chuyên nghiệp theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững.
Maldives có thể trở thành mô hình điển hình về phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, có thể nghiên cứu áp dụng cho phát triển du lịch tại các đảo nói riêng và các khu du lịch biển của Việt Nam nói chung.
Sự phát triển nhanh chóng của du lịch nghỉ dưỡng tại Maldives
Một mô hình kinh doanh được thiết lập:
Các thương hiệu lớn xây dựng một khu nghỉ dưỡng thường tại một hòn đảo và chỉ có thể được tiếp cập bằng tàu cao tốc hoặc thủy phi cơ.
Và số lượng khách sạn này ngày càng gia tăng.
Theo tạp chí Travel + Leisure, từ năm 2018 đến 2021, gần 50 khu nghỉ dưỡng mới đã được khai trương tại đây.
Tốc độ tăng trưởng đó khá dễ thấy ở Maldives.
11 khu nghỉ dưỡng mới đã đi vào hoạt động trong năm 2016, tiếp theo là khoảng 15 khách sạn mới trong năm 2017.
Khi bất kỳ ai muốn xây dựng một khách sạn, người đó sẽ có thể thuê cả một hòn đảo nhưng chỉ có thể phát triển một nửa hòn đảo đó, vì nửa còn lại phải được bảo tồn trong môi trường tự nhiên.
Quy định đó khiến cho cảnh quan khá quyến rũ và lãng mạn.
Và với 1.192 hòn đảo san hô trải rộng trên 90.000 km2 biển, dù đã phát triển cơ sở hạ tầng khá nhiều tại Maldives, vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ gần nửa thế kỷ trước vẫn có thể được tìm thấy tại đây.
Nhưng thêm vào đó, du khách giờ đây có thể trải nghiệm thêm các loại hình du lịch sang trọng và được di chuyển bằng thủy phi cơ hiện đại – điều những khách du lịch của thập niên 70 chỉ có thể mơ ước.
Sự phát triển du lịch xanh ở Việt Nam những năm qua
Việt Nam có tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa - nhân văn rất phong phú, đa dạng.
Đó là điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch xanh.
Mặt khác, Việt Nam cũng là một quốc gia chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Do vậy, chúng ta càng cần phải phát triển du lịch xanh, góp phần phát triển một nền kinh tế xanh bền vững.
Thời gian qua, một số địa phương, công ty lữ hành, khách sạn đã có sự chú phát triển du lịch xanh, như một số tỉnh Tây Bắc, Quảng Bình, Nghệ An…
Nha Trang phát triển du lịch biển đảo; một số tỉnh Nam Bộ phát triển du lịch miệt vườn.
Nhiều công ty lữ hành xây dựng các tour du lịch xanh; khách sạn đạt chứng chỉ xanh…
Tuy nhiên, hoạt động du lịch còn tồn tại một số vấn đề khiến cho du lịch xanh chưa được phát triển.
Phát triển du lịch chưa gắn với khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường; phát triển du lịch chưa tính đến biến đổi khí hậu…
Việc phát triển quá nhanh đã gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường du lịch.
Đây là nguyên nhân cơ bản của tình trạng cho đến nay Du lịch Việt Nam còn thiếu những sản phẩm du lịch xanh đặc thù ở các cấp độ đặc biệt ở cấp quốc gia, để thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.
Thúc đẩy phát triển du lịch nghỉ dưỡng tại Việt Nam
Nhìn chung, ở Việt Nam việc khai thác tài nguyên để phát triển du lịch nghỉ dưỡng đã đạt những thành công nhất định.
Từ đó, góp phần đa dạng hóa sản phẩm, kéo dài thời gian lưu trú cũng như tăng chi tiêu của khách du lịch ở Việt Nam.
Tuy nhiên, những thành công này chưa tương xứng với tiềm năng đặc sắc đang có.
Các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng còn ít, chưa đa dạng, chưa có nhiều cơ sở dịch vụ đủ tầm cỡ về quy mô, chất lượng để đón khách, nhất là khách du lịch có khả năng chi trả cao.
Phần lớn các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng như spa và tắm nước khoáng, nước nóng tắm bùn, thiền, Yoga, làm đẹp... vẫn hạn chế về quy mô, nhân lực, cơ sở vật chất kỹ thuật.
Dịch vụ chỉ ở mức đáp ứng nhu cầu cơ bản của khách du lịch.
Vì vậy, cần tăng cường xúc tiến quảng bá tiếp thị du lịch nghỉ dưỡng tại Việt Nam ra thị trường quốc tế thông qua các sự kiện, kênh truyền thông và hình thức ngoại giao - văn hóa - thể thao - kinh tế.
Đồng thời, việc tăng cường năng lực quản lý từ việc tiêu chuẩn tiêu chí dịch vụ, giám sát chất lượng, sự an toàn và đặc biệt vấn đề chuyên môn nghiệp vụ liên quan đến sức khỏe của khách sử dụng dịch vụ cần được chú ý.
Lời kết
Nhìn từ Maldives, có thể thấy, Việt Nam có nhiều tiềm năng và đã bước đầu phát triển mạnh do nhu cầu gia tăng du lịch nghỉ dưỡng và du lịch xanh.
Khách du lịch ở bất kỳ phân khúc thị trường nào cũng quan tâm tới hình thức du lịch an toàn, sản phẩm du lịch đảm bảo sức khỏe về tinh thần và thể chất.
Do đó, Việt Nam cần nắm bắt xu hướng và khắc phục hạn chế để giành được sự quan tâm của khách du lịch.