Staycation và bước đệm lên ngôi thời hiện đại
Staycation là cách chơi chữ giữa “stay” (tại chỗ) và “vacation” (kỳ nghỉ), khái niệm này ra đời từ cuộc khủng hoảng thị trường năm 2008 tại Mỹ.
Thời điểm đó, các gia đình phải “thắt lưng buộc bụng”, giới hạn ngân sách cho những kỳ nghỉ dài ngày quen thuộc. Thay vì đi chơi xa, du lịch nước ngoài, họ khám phá những địa điểm gần hơn, thâm chí tổ chức kỳ nghỉ ngay tại tổ ấm của mình.
Sau hơn 2 thập kỷ, hình thức này không những không hạ nhiệt mà còn trở thành xu hướng du lịch phổ biến của giới trẻ muốn tiết kiệm chi phí và dân văn phòng khó thu xếp kỳ nghỉ dài ngày ở nơi quá xa.
Cuối năm 2019, khi dịch COVID-19 xuất hiện và tác động mạnh mẽ đến hình thức du lịch truyền thống, staycation lại càng phát huy ưu thế.
Khi những chuyến du lịch dài ngày có thể khiến lịch sử dịch tễ trở nên phức tạp, nhiều người chọn staycation để đảm bảo an toàn mà vẫn được xả hơi sau những ngày làm việc chăm chỉ.
“Liều thuốc" cứu giúp ngành du lịch Việt Nam
Gần đây, sự xuất hiện và lên ngôi của hình thức du lịch gần nhà - staycation đã giúp ngành du lịch và thị trường Bất động sản nghỉ dưỡng có nhiều khởi sắc sau thời gian dài ảm đạm.
Hiện nay, dịch COVID-19 đã đóng băng nhiều thị trường du lịch trên thế giới. Điểm dừng đầu tiên trên tiến trình phục hồi ngành du lịch, khách sạn chính là nhờ vào thị trường nội địa.
Tại Trung Quốc, các khách sạn, khu nghỉ dưỡng và các công ty du lịch đang có nhiều chương trình khuyến khích du lịch trở lại sau thời gian dài chống dịch. Do chưa thể đi du lịch nước ngoài nên nhiều người đã lựa chọn đi tới các thành phố gần với nơi mình sinh sống.
Tại Việt Nam, cơn đói của ngành du lịch đang là động lực để thúc đẩy doanh thu cho ngành khách sạn, du lịch.
Hiện nay, các thành phố du lịch như: Nha Trang, Phú Quốc, Đà Lạt,... đang dần đông đúc trở lại vào các dịp cuối tuần. Đây có thể xem là tín hiệu tốt cho các doanh nghiệp khách sạn.
Mặc dù lượng khách nội địa hiện nay chưa thể bằng lượng khách du lịch quốc tế trước thời kỳ COVID-19 bùng phát nhưng các khách sạn vẫn chấp nhận khuyến mãi để khách thuê phòng còn hơn là để trống không.
Trong thời gian giãn cách xã hội, các nhà nghỉ, khách sạn khó lòng kiếm doanh thu trừ những nơi hoạt động như một khu cách ly của chính phủ.
Xu hướng staycation lên ngôi đã trở thành một động lực lớn giúp các cơ sở kinh doanh khách sạn, resort vực dậy tinh thần cũng như tài chính.
Giải pháp “F5” tinh thần hiệu quả
Du lịch tại chỗ đã mang lại cho họ những trải nghiệm đầy thú vị; giúp họ thỏa mãn các nhu cầu khám phá, thư giãn, tái tạo năng lượng. Điều này lý giải vì sao xu hướng du lịch tại chỗ đã lan rộng ra nhiều nước trên thế giới, trong đó có cả Việt Nam.
Nhiều người yêu thích Staycation vì nhờ đó mà họ đã khám phá ra nhiều điều hay ho, thú vị ngay tại nơi mình sinh sống.
Nhờ đó mà họ được tận hưởng những hạnh phúc giản đơn với chi phí thấp nhất – di chuyển ít nhất – hành trang gọn nhẹ nhất.
Khác với những chuyến du lịch khác, thường thì niềm vui được đến từ những người đi cùng hay địa điểm chúng ta đến. Thì staycation ngược lại, niềm vui được tạo dựng từ chính chúng ta, từ sự chuẩn bị kỹ lưỡng về kế hoạch sẽ diễn ra, sau đó mới là staycation trọn vẹn nhất.
Kế hoạch đó cũng do chính chúng ta lập ra chứ không có một đơn vị dịch vụ du lịch nào có thể thực hiện giùm. Khác biệt là vậy nhưng staycation vẫn là xu hướng du lịch được rất nhiều người lựa chọn, nhất là giới trẻ.
Phương Trang, Trends Việt Nam