Tình hình chung của ngành thời trang
Đại dịch mang đến sự đình trệ cho bất kì ai cũng như bất kì ngành nghề nào, và dĩ nhiên, thời trang và nghệ thuật cũng không hề ngoại lệ.
Điều mà các công ty này cần phải làm để "sống sót" qua mùa dịch đó là thích nghi với hoàn cảnh.
Ngành công nghiệp thời trang trong nước, từ tiêu thụ, sản xuất cho tới phân phối số lượng lớn đều đang gặp khó khăn.
Theo số liệu đến từ tập đoàn nghiên cứu thị trường Euromonitor International, dịch bệnh đã khiến lượng tiêu thụ toàn cầu cho sản phẩm quần áo và phụ kiện giảm 17%, trong khi vào năm 2018, con số này được dự đoán là 2%.
Đối mặt với chồng chất khó khăn, những thương hiệu nội địa hiện tại đang bắt đầu có những động thái tích cực để chống lại sự đình trệ của cả xã hội Việt Nam nói chung.
Mặc dù chỉ là những hành động nhỏ nhằm duy trì thương hiệu và tiến tới một hiện thực tích cực hơn, những cái tên trong nước sau đây đều đang chung tay cổ vũ cộng đồng sáng tạo với những ý tưởng và cách thức tuy không mới nhưng lại vô cùng cần thiết.
Ra mắt BST bằng phim thời trang (fashion film)
Đối với nhiều người, ra mắt một BST mới vào thời điểm này không phải ý tưởng sáng suốt.
Tuy nhiên, những nhà mốt Pháp và Ý vực dậy nhanh hơn cả đồng thời có những suy nghĩ thấu đáo về tình trạng chung.
Một trong những bước thay đổi đáng chú ý nhất có lẽ là sự xuất hiện trở lại của các “Digital Fashion Show” (trình diễn thời trang kỹ thuật số) và sự bùng nổ của những thước phim thời trang.
Mặc dù ý tưởng trình diễn thời trang kỹ thuật số được đề xuất và thực hiện bởi ShowStudio lần đầu tiên vào năm 2009 nhưng giới mộ điệu lúc bấy giờ vẫn luôn đề cao những trải nghiệm thực tế.
Cho tới hiện tại, có lẽ những “Digital Fashion Show” mới trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.
Ở Việt Nam, tất cả dường như chỉ mới bắt đầu.
Và Người hội nhập nhanh nhất có lẽ là NTK Nguyễn Hoàng Tú và BST “Cân Bằng” ra mắt ngày 16/7 dưới dạng một thước phim thời trang.
Chọn hình thức ra mắt BST bằng một đoạn phim ngắn thu lại toàn bộ hình ảnh những trang phục từ khi mới chỉ là một bản vẽ cho tới giai đoạn hoàn thiện.
BST hướng đến rất nhiều cá nhân ngoài xã hội, những người đang cố gắng gồng gánh hoàn cảnh và tìm cho mình sự cân bằng dù là nhỏ bé nhất.
Như vậy, chọn cái tên “Cân Bằng” cho một BST ra mắt giữa không khí ảm đạm và tinh thần chung đang chùng xuống với dịch bệnh, NTK Nguyễn Hoàng Tú phần nào chia sẻ những lo lắng và bất an với cộng đồng:
“Trong bối cảnh đại dịch khó khăn và những điều tiêu cực tràn lan như ngày nay, đội ngũ chúng tôi vẫn gắng sức tiếp tục sáng tạo và giữ tinh thần lạc quan mỗi ngày.
Tôi hi vọng các sản phẩm của BST lần này chung sức phần nào cùng những người làm sáng tạo lan tỏa năng lượng tích cực và những điều đẹp đẽ cho xã hội”.
Việc làm một thước phim cho BST giảm thiểu nhũng bước cần thiết trong một show diễn từ lên lịch, sắp xếp thời gian, chỗ ngồi cho tới mời khách, và để làm được tất cả những điều trên, đại dịch cần phải có dấu hiệu kết thúc.
Có thể nói ở thời điểm hiện tại, “Cân Bằng” đang đi theo xu hướng và vẫn đủ khả năng gói gọn cảm xúc của NTK chỉ trong một thước phim ngắn dài gần 4 phút.
Hành động của Nguyễn Hoàng Tú đã phần nào thành công cổ vũ cộng đồng sáng tạo thích ứng và tích cực hơn trong tình hình dịch bệnh.
Thử sức với sản phẩm tailor-made (thiết kế, may đo riêng)
Là Minapparel, một thương hiệu bình dân hơn lại có bước đi táo bạo khi cho ra mắt dòng sản phẩm mới: Là Mintailor.
Với những thông báo ẩn ý từ ngày 21/7 về việc khách hàng sẽ được tự quyết định phom dáng và giám sát quá trình sản xuất, thương hiệu rõ ràng đang hướng tới phân khúc sản phẩm và khách mua cao cấp hơn.
Vốn dĩ là một cái tên với những thiết kế phù hợp cho mùa dịch như bodysuits, đồ dệt kim, sơmi và jeans rộng, Là Minapparel gần như không bị ảnh hưởng quá nặng nề bởi COVID-19.
Tuy nhiên, giờ đây, thương hiệu trẻ dành cho nữ chính thức cung cấp những trải nghiệm may đo độc quyền và ra mắt BST “TAILORED”.
Được lấy cảm hứng từ cách các nhà mốt thời đầu phục vụ khách hàng thân thiết, mỗi sản phẩm của BST này được thương hiệu lấy số đo và may theo chính yêu cầu của khách hàng, hoàn toàn không sử dụng những bộ rập có sẵn.
Người sáng lập công ty Villa Eugenie (công ty sản xuất show diễn cho Chanel và Burberry) – Etienne Russo chia sẻ:
“Việc thế giới thời trang ‘lockdown’ cho chúng ta cơ hội nhìn lại cách ta giải quyết tình huống.
Có lẽ đại dịch giúp khách hàng hiểu họ cần gì hơn, thời trang có thể sẽ không còn chạy theo xu hướng bán sẵn (ready-made) mà tập trung hơn vào khách hàng với tùy chọn thiết kế riêng (tailor-made)”.
Bên cạnh đó, việc là Minapparel ra mắt dòng là Mintailor sẽ phần nào giải quyết bớt gánh nặng môi trường đến từ việc sản xuất hàng loạt cũng như hạn chế cung cấp số lượng lớn để chạy đua với chủ nghĩa tiêu dùng.
Sự hao hụt tài chính do đại dịch có thể cũng sẽ khiến khách hàng suy nghĩ về lựa chọn mua một món đồ thật sự chất lượng và mặc lâu dài, thay vì mua liên tục những món thời trang nhanh giá rẻ với tuổi thọ ngắn ngủi.
Tận dụng tối đa mạng xã hội
Ngay trong thời kì khó khăn của dịch bệnh, khi các cửa hàng thời trang phải chấp nhận tạm thời ngừng hoạt động, mua sắm online trở nên thịnh hành hơn cả.
Tất cả mọi thứ đều đang được số hoá và sự sôi nổi trên các nền tảng mạng xã hội sẽ chỉ mang lại lợi ích lớn cho thương hiệu nội địa.
Mặc dù còn chưa ra mắt, nhưng Kelbin Lei và Klei Studio đã không ngừng nhá hàng loạt hình ảnh của BST No.3 trên Instagram từ đầu tháng 7.
Với những chiếc áo khoác bông, túi xách bông và thậm chí giày cao gót cũng bọc vải bông, BST No.3 khơi gợi rất nhiều sự tò mò đến từ khách hàng.
Ngoài BST mới, Klei Studio cũng là một cá nhân rất tích cực lăng xê trào lưu ở nhà, lên đồ và chụp hình.
Nhận được sự tham gia ủng hộ của những nghệ sĩ, influencers, fashionista nổi tiếng như Tăng Thanh Hà, Tóc Tiên, Bảo Anh cho tới Quỳnh Anh Shyn và Châu Bùi, Klei Studio có vẻ đang dần trở thành cái tên quen thuộc.
Chàng stylist giàu kinh nghiệm đang sử dụng mạng xã hội một cách vô cùng hiệu quả, đẩy mạnh kinh doanh online, tạo nên những cuộc thảo luận trong mục bình luận, thích ứng với hoàn cảnh, đồng thời thu hút khách hàng mới.
Tiếp tục dựa trên số liệu đến từ Euromonitor International, doanh số đến từ thương mại điện tử (e-commerce) của thời trang được kỳ vọng sẽ tăng 24% chỉ trong năm 2020 và đầu năm 2021.
Việc đầu tư cho những hoạt động trên mạng xã hội và tập trung bán online hứa hẹn sẽ thay đổi cách hoạt động của thời trang, đồng thời tạo nên những nền tảng mạng xã hội thân thiện với người dùng.
Ngược lại, việc kém sôi nổi và tương tác mạng xã hội yếu dễ khiến thương hiệu khó tăng trưởng doanh thu, mặc cho trước đó, số lượng sản phẩm bán tại cửa hàng có cao đến đâu.
Trong thời kì đại dịch, sử dụng tốt những lợi ích có sẵn đến từ Facebook và Instagram là điều bất kì thương hiệu trẻ nào cũng nên để tâm thực hiện.