Mỗi ngày thế giới thải ra hàng triệu tấn bao bì, đang tạo nên gánh nặng lớn cho môi trường và việc xử lý rác thải bao bì đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng do 2 thách thức chưa được giải quyết.

Một là tính chất có thể tái chế của bao bì.

Một lượng rất lớn bao bì không thể tái chế được vì nằm ngoài khả năng của các hệ thống tái chế hiện có. Điều này đặc biệt đúng với loại bao bì đa nguyên liệu, một vấn đề nan giải của ngành tái chế hiện nay.

null Khả năng tái chế của bao bì là một yếu tố quan trọng.


Hai là tình trạng “thất thoát” rác thải.

Lấy ví dụ về rác thải nhựa. Điểm tập kết cuối cùng của phần lớn rác thải nhựa trên thế giới là bãi chôn rác (chiếm 40%) và lò thiêu (25%), đồng nghĩa mất đi một nguồn nguyên liệu tái chế lớn.

Đáng nói là những rác thải không được xử lý hoặc xử lý không đúng cách đã và đang gây ô nhiễm nặng nề, góp phần làm trái đất nóng lên.

Những năm gần đây, nhà đầu tư, doanh nghiệp và người tiêu dùng đã ngày càng ý thức hơn về bảo vệ môi trường. Chỉ riêng trong ngành FMCG, theo McKinsey, các nhà bán lẻ và nhà sản xuất hàng đóng gói đã thể hiện quyết tâm đối với rác thải bao bì.

Theo đó, gần như tất cả doanh nghiệp trong top 100 công ty FMCG (xét về doanh thu) đã cam kết thúc đẩy tính bền vững trong những năm tới. Nghiên cứu của McKinsey cho thấy những cam kết này tập trung vào 3 lĩnh vực hoạt động:

  • Chú trọng tính chất có thể tái chế hoàn toàn và tỉ lệ cao hơn đáng kể các thành phần được tái chế có trong sản phẩm (chiếm 60% cam kết);
  • Giảm lượng nhựa được sử dụng (26%);
  • Cải tiến, thúc đẩy những thay đổi trong việc sử dụng bao bì (14%).
Nhu cầu “bao bì bền vững” gia tăng

Bao bì nguyên liệu đơn đang được đánh giá là giải pháp hữu hiệu cho ngành tái chế. Nhu cầu đối với các loại bao bì chỉ sử dụng một nguyên liệu đang gia tăng ở nhiều ngành khác nhau như thực phẩm, dược phẩm, làm đẹp, sản phẩm y tế...

null Nhu cầu đối với các loại bao bì nguyên liệu đơn đang gia tăng ở nhiều ngành.


Thị trường cho loại bao bì này ước đạt 58,9 tỉ USD năm 2020, theo số liệu của hãng nghiên cứu thị trường Smithers.

Simon Dix, Giám đốc Bán hàng tại hãng bao bì Anh Vetroplas Packaging, nhận định:

“Chúng ta đang chứng kiến sự phát triển của bao bì nguyên liệu đơn như một trong nhiều lựa chọn bền vững và chúng ta cần phải đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối với việc sử dụng vật liệu có thể tái chế trong các bao bì mới”.

Thấy rõ nhất là xu hướng sử dụng màng nhựa bao bì nguyên liệu đơn đang gia tăng trên toàn thế giới. Tốc độ tăng trưởng này được thúc đẩy bởi nhu cầu đối với những loại polymer dễ tái chế hơn nhằm giảm nạn ô nhiễm nhựa và phát triển nền kinh tế tuần hoàn.

Các màng nhựa nguyên liệu đơn được đánh giá là có thể tái chế 100%. Loại bao bì này thường được làm từ nhựa PE (polyethylene), chiếm tới hơn 50% tổng lượng tiêu thụ toàn cầu trong năm 2020.

Nhựa PE được dự đoán sẽ tăng trưởng mạnh mẽ cho đến hết năm 2025 nhưng sẽ bị vượt qua bởi nhu cầu gia tăng đối với nhựa PP (polypropylene). 

Lấy ví dụ về ngành làm đẹp. Đây là ngành đang có những tiến bộ vượt bậc trong bao bì bền vững, nhất là khi bao bì cho các loại mỹ phẩm có những đòi hỏi rất phức tạp về mặt kỹ thuật.

Các hãng mỹ phẩm cho biết người tiêu dùng ngành này đang quan tâm đến môi trường hơn bao giờ hết, vì thế các loại bao bì bền vững, có thể tái chế, tái sử dụng không còn là sự xa xỉ mà là cần thiết cho sự thành công của các nhãn hiệu mỹ phẩm và chăm sóc cá nhân.

Hiện tại, hầu hết các sản phẩm làm đẹp được đựng trong những bao bì có nhiều lớp vật liệu. Simon Dix, thuộc Vetroplas Packaging, giải thích:

“Bao bì cuối cùng thường được cấu thành từ nhiều thành phần khác nhau. Các vật chứa chính như lọ, chai hoặc ống tuýp kèm theo một số phụ tùng như nắp đậy, ống nhỏ giọt hoặc dụng cụ bơm”.

Hơn nữa, bao bì phải được thiết kế sử dụng các vật liệu tương thích với các sản phẩm cụ thể và những thành phần có trong sản phẩm đó, cũng như đáp ứng một loạt tiêu chuẩn khác.

null Ngành làm đẹp đang có những tiến bộ vượt bậc trong bao bì bền vững.


Tuy nhiên, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, các nhãn hàng và người tiêu dùng đang tìm kiếm các giải pháp bao bì sao cho dễ tái chế hơn và bao bì chỉ sử dụng một nguyên liệu là một lựa chọn rõ ràng.

Có thể thấy, nhiều tập đoàn mỹ phẩm đã công bố những mục tiêu tái chế đầy tham vọng, thực hiện những bước đi nhằm cắt giảm lượng thải khí từ các nhà máy của họ và triển khai các sáng kiến bao bì thân thiện môi trường, đặc biệt là bao bì nguyên liệu đơn.

Sera Kinoyan, Giám đốc Bền vững tại Asquan, hãng bao bì có trụ sở tại Hồng Kông, giải thích:

“Chúng tôi chứng kiến một xu hướng đang diễn ra về bao bì nguyên liệu đơn vì thiết kế của loại bao bì này cho phép dễ phân loại bao bì để đi tái chế mà không cần phải phân rã chúng”.

Trong khi đó, Stefano Focolari, CEO và Giám đốc Điều hành Mktg Industry, một chuyên gia về bao bì ở Ý, cho biết:

“Đòi hỏi đối với bao bì nguyên liệu đơn thậm chí còn hơn thế: không chỉ là nguyên liệu đơn mà phải là nguyên liệu đơn sinh thái”.

Hầu hết các lựa chọn phổ biến đối với bao bì nguyên liệu đơn trong ngành làm đẹp là các loại bao bì đã có sẵn hệ thống tái chế như nhựa PP, PE, PET và các giải pháp thay thế như bìa cứng, kim loại và kính.

null Các nhãn hàng đang tìm kiếm các giải pháp bao bì dễ tái chế.


Còn nhiều thách thức

Theo quan sát của Kinoyan thuộc Asquan, thách thức trong sản xuất bao bì nguyên liệu đơn là tìm ra vật liệu thích hợp cho tất cả các thành phần khác nhau của sản phẩm mà không ảnh hưởng đến chất lượng, công năng và tính thẩm mỹ.

Focolari, thuộc Mktg Industry, chẳng hạn, đã phải mất hàng năm trời mới nghiên cứu ra loại bao bì giấy dùng cho son môi và phấn trang điểm dạng nén và dạng bột. Việc dùng giấy thay cho nhựa đã giúp làm giảm tỉ lệ sử dụng nhựa tới 85%.

Đối với các nhà sản xuất, việc chuyển đổi một sản phẩm trước nay được thiết kế sử dụng loại bao bì đa nguyên liệu sang bao bì nguyên liệu đơn mà có công năng, tác dụng tương đương là không hề dễ dàng, đòi hỏi phải tư duy sáng tạo và thực hiện một số điều chỉnh lớn.

Ngoài tìm vật liệu phù hợp, việc phát triển bao bì nguyên liệu đơn “nhìn chung đòi hỏi các công ty phải xem xét lại thiết kế của bao bì và thay đổi khuôn đúc công nghiệp cho phù hợp với các vật liệu mới. Đây cũng là một khoản đầu tư đáng kể đối với nhà sản xuất”.

- Charbonneaux và Linage thuộc Albéa nhận xét.

Họ cho biết thêm có một số bộ phận nhạy cảm, không “chung đụng” được với nhau; nếu 2 bộ phận đó được sản xuất cùng một chất liệu thì có thể bị dính vào nhau. Đó cũng là điều phải cân nhắc.

null Còn nhiều thách thức cho bao bì nguyên liệu đơn.


Các vật liệu khác nhau có những thách thức khác nhau. Khi Mktg Industry ra mắt bao bì 100% bằng giấy, “thách thức đầu tiên của chúng tôi là tìm ra kết cấu vật liệu đúng để đảm bảo sự hoàn hảo của bao bì cả về công năng lẫn cách sử dụng”, Focolari cho biết.

Focolari cũng nói thêm, một thách thức lớn khác là công nghiệp hóa, đặc biệt đối với dây chuyền đóng gói của những nhà sản xuất theo hợp đồng lớn.

Mktg Industry đã phải làm việc với các nhà sản xuất theo hợp đồng này nhằm đảm bảo quy cách bao bì, vì một số mỹ phẩm của Công ty buộc phải đổ nóng trực tiếp vào bao bì.

Đối với bao bì nhựa, Smithers cũng thừa nhận:

“Hiện vẫn còn những hạn chế kỹ thuật về đóng gói một số sản phẩm trong các màng nhựa nguyên liệu đơn. Vì thế, cần tiến hành các hoạt động R&D sâu rộng hơn để khắc phục những hạn chế này và đây là ưu tiên hàng đầu”.

Theo Charbonneaux và Linage thuộc Albéa, quan trọng là phải hiểu rằng dù bao bì nguyên liệu đơn được ưa thích bởi các nhà tái chế nhưng bao bì có thể được tái chế không nhất thiết là bao bì nguyên liệu đơn.

“Lấy ví dụ về chai nước suối. Ai nấy đều công nhận chai nước suối hoàn toàn có thể tái chế, nhưng thực tế, nắp chai được làm từ một vật liệu khác so với thân chai”, Charbonneaux và Linage nói.

Nhìn ở góc độ này, bao bì nguyên liệu đơn có thể không phải là câu trả lời duy nhất cho tính bền vững nhưng Focolari tin rằng “bao bì nguyên liệu đơn là giải pháp đúng đắn, có trách nhiệm nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường”.

Theo Nhịp Cầu Đầu Tư