Ứng dụng giúp giải quyết một phần lượng rác thải khổng lồ đang làm ảnh hưởng đến môi trường mỗi ngày.

Dự án được lên ý tưởng và thực hiện bởi nhà thiết kế đồ họa Phan Tấn Phú.

Baloo được Phú ấp ủ từ hơn một năm trước khi còn làm đồ án tại trường, lúc này chủ đề môi trường dần trở nên nóng bỏng đối với mọi người.

Cụ thể là rất nhiều sự kiện nghệ thuật đã được tổ chức để nâng cao nhận thức của mọi người về rác thải (loài Plastic, nảy mầm…).

ides_baloo_01

“Khi còn ở chung với gia đình, mỗi cuối tuần nhà Phú lại đi siêu thị một lượt lớn, và Phú là người phải mở hộp mọi thứ.

Phú thấy rất rất rất nhiều chai, lọ, bao bì, túi đựng bằng nhựa sau khi mở ra phải vứt vào sọt rác. Tất cả đều là sản phẩm sử dụng một lần và không được tái chế.

Thế nên Phú nghĩ tại sao mình không tạo ra một ứng dụng giao hàng vừa có thể hạn chế việc đi siêu thị mỗi tuần, vừa có thể giúp giảm thiểu lượng bao bì thải ra và bảo vệ môi trường?

Đó là lý do Baloo – Refill service ra đời”, Phú kể về quá trình hình thành ý tưởng cho Baloo.

Dự án được phát triển từ mô hình refill station, một ý tưởng không quá mới nhưng đối với Phú nó hoàn toàn có thể được khai thác tốt.

Hiện nay, các mô hình refill station còn chưa thật sự khởi sắc là do chủ nghĩa tiêu dùng vẫn thịnh hành và các tập đoàn lớn đa quốc gia trong lĩnh vực hàng hoá đóng gói tiêu dùng (Consumer packaged goods – CPG) đang thống trị thế giới.

Nhận thấy rằng các ứng dụng giao hàng và vận chuyển đang phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam, Phú đã tận dụng lợi thế này để kết hợp giải pháp vì môi trường với một ứng dụng mà giới trẻ có thể sử dụng hằng ngày.

Vì theo anh, giảm rác thải nhựa không bắt buộc là phải tìm mua những món đồ thân thiện môi trường, có thể phân huỷ sinh học, mà đơn giản là bắt đầu từ hành động nhỏ như ngừng đi siêu thị và giảm mua sản phẩm đóng gói sẵn.

Screenshot 2020-10-31 151218

Baloo là một dịch vụ như vậy.

Người đăng ký sử dụng Baloo sẽ có cơ hội tiếp cận những sản phẩm từ thương hiệu quen thuộc y hệt như trong siêu thị nhưng chỉ khác là chúng sẽ được đóng vào chai thuỷ tinh.

Khi khách hàng sử dụng hết, những chai này sẽ được nhân viên Baloo đến nhận lại và đổ đầy cho đến khi hết vòng đời và mang đi tái chế.

Đối tượng mà Phú nhắm đến là giới trẻ, những người thường xuyên sử dụng điện thoại, vì thế mascot của Baloo là chú gấu bắc cực, một đại diện của môi trường trong bộ quần áo khá ngầu.

Phong cách minh hoạ được Phú dựa trên những phim hoạt hình thế kỷ trước để gợi nhắc về một trong những refill service đầu tiên trên thế giới – dịch vụ giao sữa tươi hằng ngày.

Screenshot 2020-10-31 151326

Logo được nhà thiết kế sử dụng kiểu chữ Bubble của truyện tranh ngày xưa với typography đơn giản để gợi nhắc dễ dàng trong trí nhớ người dùng.

Phần UI và prototype được Phú thiết kế hoàn toàn trên Figma.

Ban đầu Baloo được Phú sử dụng màu vàng xanh của IKEA, nhưng sau đó anh đã đổi sang màu vàng đen như hiện tại để tránh vẻ ngoài công nghiệp.

Kết quả, dự án Baloo dù đã hơi cũ sau một năm, nhưng Phú rất tự hào vì thành quả tạo ra và những công sức mình đổ vào dự án.

“Hài lòng nhất về Baloo đối với Phú là ý tưởng bao bì kỹ thuật số (digital packaging), vì điều này khẳng định thực tại rằng chúng ta không hề cần tới bao bì vật lý mà vẫn có thể mua hàng như thường.

Bao bì kỹ thuật số giúp phân loại sản phẩm, nhưng vẫn giữ được hình dáng, màu sắc và những nhãn dán chính – các đặc trưng cần thiết ở một sản phẩm thương hiệu, ngoại trừ việc nó không cầm nắm được mà thôi”, Phú nói.

“Ngoài ra nhìn chúng cũng dễ thương nữa”.

Trong tương lai, Phú vẫn muốn tiếp tục phát triển và hoàn tất dự án để có thể đem Baloo trở thành một giải pháp khả thi cho mọi người.

Hãy cùng đón chờ những sản phẩm tiếp theo của nhà thiết kế này nhé.