Trong những năm gần đây khi lối sống tối giản hay bền vững bắt đầu phổ biến, linen trở thành chất liệu được ưa chuộng bởi độ bền và thoải mái, và đặc biệt được yêu thích trong những ngày hè vì độ thoáng mát và thấm hút tuyệt vời.

Với độ bền vững cao, liệu vải lanh có phải là giải pháp cho những vấn đề nhức nhối trong việc bảo vệ môi trường của ngành thời trang? Và liệu, linen có thật sự bền vững?

Quy trình sản xuất linen

Vải lanh được tạo thành từ các sợi cellulose có trong cây lanh - một trong những loại thực vật lâu đời nhất lịch sử loài người.

Theo Deck Towel, các công đoạn làm ra linen như sau:

linen-5.jpg.pagespeed.ce.fktK9GjrAL

Linen là một trong những chất liệu lâu đời nhất lịch sử loài người. Nguồn: Len.Ok

1. Trồng cây (harvesting):

Cây lanh thường được trồng vào thời điểm mát mẻ, và được thu hoạch sau khoảng hơn 100 ngày, khi cây lanh có thân màu vàng, hạt màu nâu.

2. Giầm cây (retting):

Sau khi thu hoạch, nguyên liệu được mang đi giầm trong bể hoặc bồn chứa để loại bỏ chất pectin gắn kết các sợi lanh. Nhiều nơi sẽ giầm bằng hóa chất để đẩy nhanh hiệu suất, nhưng quá trình này không có lợi cho môi trường.

3. Phân tách và phá vỡ lanh (hackling & scutching):

  • Cây lanh được tách cuống xơ bên ngoài ra khỏi phần gỗ bên trong.
  • Sau đó phân tách các sợi bên ngoài và sợi bên trong bằng cách đưa qua các con lăn để nghiền nát, các mái chèo xoay để loại bỏ các sợi bên ngoài

4. Chải và kéo sợi (spinning):

Khi các sợi được phân tách xong, chúng sẽ được chải thành các sợi mỏng và được kéo sợi thủ công.

5. Dệt và sấy (weaving):

Cuối cùng, sợi lanh được dệt thành vải và sấy lạnh để ra sản phẩm cuối cùng.

Linen có thật sự thân thiện với môi trường?

Linen tự nhiên, nếu không qua quá trình nhuộm màu, sẽ hoàn toàn có thể tự phân huỷ sinh học hoặc được tái chế nhiều lần.

Cùng với cấu trúc chắc chắn, độ bền của sợi lanh và khả năng kháng khuẩn, chịu nhiệt độ cao, vòng đời của vải lanh có thể lên tới vài chục năm.

linenbyten-01.jpg.pagespeed.ce.cfLoR4Czxw

Vải lanh có độ bền cao, khả năng chịu nhiệt tốt và có tuổi thọ lên tới vài chục năm.  Nguồn: Tẻn

Hơn nữa, cây lanh có khả năng sống sót và lớn lên trên những vùng đất ít dinh dưỡng và cần ít nước trồng trọt hơn cây bông.

Theo Liên đoàn Vải lanh và Cây gai dầu châu Âu, quá trình sản xuất 1 chiếc áo sơ mi vải lanh chỉ cần 6,4 lít nước. Trong khi một chiếc áo tương tự bằng vải cotton sẽ tốn tới 2700 lít nước.

Hạn chế của linen là gì?

Tuy có nhiều ưu điểm nhưng lượng tiêu thụ vải lanh chỉ bằng 1% sản lượng vải trên toàn thế giới. Tổ chức The Truth About Thread Count giải thích:

“Chính vì quy trình sản xuất thủ công tốn nhiều thời gian và công sức, giá thành của vải lanh khá cao và được nhiều người coi là sản phẩm ở phân khúc cao cấp.”

Điểm trừ lớn nhất của vải lanh có lẽ là do tính chất vải đàn hồi kém và mau nhăn. Vải lanh sẽ còn bị phai màu nếu bị gấp nếp nặng và liên tục.

Để tránh tình trạng này, sau khi giặt, bạn có thể là khi đồ còn ẩm, hoặc có thể xịt nước làm mềm vải trước khi là. Đồng thời hãy treo đồ lên thay vì gấp vào tủ, tránh tạo ra nếp nhăn mới.

feature.jpg.pagespeed.ce.870gK_1Pwa

Việc bảo quản đúng cách sẽ giúp vải lanh bền và sử dụng được lâu hơn. Nguồn: Good On You.

Vải lanh tự nhiên chỉ có các màu màu trắng ngà (ivory), màu mộc (ecru), nâu ngăm (tan) hoặc xám.

Để vải lanh đa dạng về màu sắc hoặc mang sắc trắng sáng, cần có công đoạn tẩy trắng hoặc nhuộm màu. Các công đoạn công nghiệp này sẽ gây ô nhiễm sông hồ, ảnh hưởng xấu cho môi trường xung quanh.

Tuy việc canh tác cây lanh không cần nhiều phân bón và thuốc trừ sâu, không có nghĩa là nó không được sử dụng.

Trên thực tế, hầu hết hạt lanh được trồng với nitrat, và lượng nitrat dư thừa có thể hoà vào nguồn nước và gây hại cho hệ sinh thái.

linen-4.jpg.pagespeed.ce.NZiyeyr5FH

Vải lanh chỉ có các màu tự nhiên bao gồm trắng ngà, màu mộc (ecru), nâu ngăm (tan) và xám.

Kết

Tuy linen chưa có độ ảnh hưởng lớn tới thời trang, nhưng các thương hiệu vẫn đang tiếp tục cải tiến chất liệu này và mang đến nhiều thiết kế gần gũi hơn với người tiêu dùng.

Chúng ta hoàn toàn có thể ưu tiên lựa chọn và sử dụng sản phẩm từ vải lanh hữu cơ để góp phần bảo vệ môi trường.

Song, hãy lựa chọn các hãng thời trang có chứng nhận hữu cơ từ các tổ chức như Hiệp hội Dệt may Tiêu chuẩn Hữu cơ Toàn cầu (Global Organic Textile Standard), Hiệp hội hàm lượng Tiêu chuẩn Hữu cơ (Organic Content Standard),… để lựa chọn những sản phẩm chuẩn hữu cơ với chất lượng tốt.

Theo Good On You