Thị trường thương mại điện tử với những chuyển động mới

Theo một báo cáo của RedSeer gần đây, trong ngành thương mại điện tử, ngành hàng hiện đang được hưởng lợi nhiều nhất là tiêu dùng nhanh, do nhiều tỉnh thành tại Việt Nam đang thực hiện giãn cách xã hội.

Đây là ngành hàng nhận được sự thúc đẩy chưa từng có với số người mua sắm trực tuyến tăng mạnh, nhằm phục vụ nhu cầu hàng tươi sống cùng với những hứa hẹn về tốc độ giao hàng nhanh cũng như lựa chọn hàng hoá đa dạng.

Mới đây, tập đoàn Alibaba đã dẫn dắt một vòng đầu tư 400 triệu USD vào Masan Group - tập đoàn sở hữu chuỗi siêu thị và cửa hàng tiện lợi VinMart, VinMart+. 

Thương vụ này sẽ mang đến lợi thế lớn trong cuộc đua giao hàng tươi sống cho sàn thương mại điện tử Lazada mà Alibaba nắm cổ phần chi phối.

Trong khi đó, ngành hàng tổng hợp trên các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam gần như bị "khoá chặt" với cuộc đua của bốn cái tên lớn là Tiki, Sendo, Shopee và Lazada. 

Ngoài thế mạnh này, các sàn thương mại điện tử vẫn đang tiếp tục mở rộng lĩnh vực hoạt động. Cụ thể là việc lấn sân sang các mảng tài chính, bảo hiểm,... sau các khoản đầu tư khủng.

Lịch sử gọi vốn mảng thương mại điện tử tại Việt Nam. Lịch sử gọi vốn mảng thương mại điện tử tại Việt Nam.

Theo DealSrteetAsia, từ đầu năm đến nay, Tiki đã kêu gọi được 100 triệu USD đầu tư. Thương hiệu này cũng hợp tác với công ty bảo hiểm toàn cầu AIA để đẩy mạnh mảng cung ứng dịch vụ tài chính.

Những thách thức cho ngành thương mại điện tử

Trong trường hợp thắt chặt các quy định trong giãn cách xã hội, nhất là với TP.HCM, các lợi thế cạnh tranh của ngành thương mại điện tử cũng dần biến mất. 

Khi nhiều chợ truyền thống cũng như chợ đầu mối đóng cửa vì dịch bệnh, các sàn thương mại điện tử bắt đầu có hiện tượng tắc nghẽn do không kịp đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Không chỉ vậy, thương mại điện tử ở Việt Nam cũng đang gặp phải những khó khăn với việc thắt chặt các quy định, trong đó có yêu cầu phải nộp thuế thay cho người bán hàng. Tuy nhiên, quy định này hiện tại đang được tạm hoãn hiệu lực.

Bên cạnh đó, dù ngành hàng tổng hợp trong thương mại điện tử đang bị thống trị bởi những cái tên lớn nhưng Tech in Asia vẫn nhìn nhận Việt Nam là một thị trường rộng mở cho các mảng kinh doanh ngách.

Trong đó, các ngành hàng như làm đẹp hay đồ điện tử cũng rất đáng chú ý. 

Tháng 10/2020, startup Indonesia Sociolla của ngành hàng làm đẹp đã tuyên bố kế hoạch mở rộng vào thị trường Việt Nam, sau khi gọi vốn thành công 58 triệu USD. Từ đó đến nay, Sociolla đã khai trương được hai cửa hàng tại Việt Nam. 

Một "ông lớn" bán lẻ đồ điện tử theo mô hình offline-to-online là Thế Giới Di Động cũng tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu của mình khi ghi nhận trong nửa đầu năm 2021, tăng trưởng lợi nhuận ròng lên đến 26%.

Bức tranh tương lai của thương mại điện tử Việt Nam

Nghiên cứu của Google, Temasek, và Bain & Company cho thấy, cho đến năm 2025, mảng thương mại điện tử của Việt Nam được dự đoán sẽ chạm mốc 29 tỷ USD giá trị hàng hoá giao dịch. 

Theo đó, tại Đông Nam Á, tiềm năng thương mại điện tử của Việt Nam chỉ xếp sau Indonesia.

Theo đó, tại Đông Nam Á, tiềm năng thương mại điện tử của Việt Nam chỉ xếp sau Indonesia.

Dù vậy, sau khi dịch bệnh qua đi, ngành thương mại điện tử Việt Nam sẽ làm thế nào để duy trì thói quen mua sắm online của mình với các khách hàng đã quen với mua sắm truyền thống vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Theo Vietnambiz