“Nếu 2021 là năm của NFT, 2022 sẽ thuộc về Web 3.0”, Avery Akkineni, CEO của VaynerNFT, công ty chuyên tư vấn về token không thể thay thế (NFT) nhận định.
Akkineni cho biết bà dành phần lớn thời gian để hỗ trợ khách hàng của mình tham gia vào nền kinh tế vũ trụ ảo (metaverse). Dù công ty chỉ mới thành lập cách đây 6 tháng, VaynerNFT đã có nhiều khách hàng lớn, trong đó có nhãn hàng bia Budweiser.
Hầu hết doanh nhân đang hoạt động trong lĩnh vực blockchain có chung quan điểm về Web 3.0 và NFT. “2022 là giai đoạn các nhãn hàng lớn xem việc phát triển NFT là mục tiêu chiến lược”, Lin Dai, CEO nền tảng nhạc NFT OneOf cho biết.
Các thương hiệu lớn đã bắt kịp xu hướng
NFT, metaverse và Web3 là xu hướng chủ đạo trong thời gian qua.
Nếu NFT là đoạn mã duy nhất gắn với quyền sở hữu một vật phẩm kỹ thuật số nào đó thì Web3 và metaverse là thế giới được xây dựng dựa trên NFT.
Để có thể đảm bảo tiêu chí tài sản thuộc sở hữu của người dùng, Web3 cần dùng đến NFT. Metaverse giúp cho các dự án blockchain trên Web3 tiếp cận với nhiều người hơn. Theo dự đoán từ CNBC, các tài sản số lưu trữ trên blockchain sẽ tiếp tục phát triển trong lĩnh vực âm nhạc và nghệ thuật.
Hãng thời trang cao cấp Balenciaga đã hợp tác với tựa game Fortnite nhằm ra mắt bộ trang phục ảo có nhãn hiệu của Balenciaga.
Một số thương hiệu khác như Gucci, Louis Vuitton và Ralph Lauren đã chọn hợp tác với tựa game Roblox nhằm thử nghiệm các sản phẩm trên metaverse.
Brian Trunzo, trưởng bộ phận metaverse tại Polygon Studios, công ty chuyên phát triển sản phẩm game, NFT và Web3 trên mạng lưới Polygon và Ethereum cho biết các nhãn hàng thời trang nhỏ đã chiếm lĩnh metaverse từ sớm. “Sân chơi ngày càng đông đúc, cuộc đua đã chính thức bắt đầu”, Trunzo nói với CNBC.
CEO VaynerNFT, Akkineni cho rằng các nhãn hàng lớn dồn sự chú ý với blockchain nhằm xây dựng cộng đồng và duy trì độ nhận diện thương hiệu.
Các sản phẩm NFT của Nike và Adidas gây nên cơn sốt truyền thông nhưng chưa đem về doanh thu cho họ.
CNBC dẫn lời Cathy Hackl, CEO của Future Intelligence Group, công ty chuyên tư vấn về metaverse nhận định NFT hỗ trợ các thương hiệu theo dõi vị trí sản phẩm của mình trên thị trường chợ đen. “Nhờ vào blockchain và NFT, Hermes có thể theo dõi các sản phẩm hiếm của mình như dòng Birkin đang thuộc sở hữu của ai”, Hackl chia sẻ.
Công việc trên metaverse dần phổ biến
Hackl cho rằng công việc gắn liền với vũ trụ ảo sẽ dần phổ biến khi ngày càng nhiều công ty đổ xô phát triển các dự án gắn với Web3.
“Lập trình viên biết ngôn ngữ Solidity và quản lý kênh chat Discord trở thành 2 công việc được tuyển nhiều trong thời gian qua”, CEO VaynerNFT, Akkineni chia sẻ.
Solidity là ngôn ngữ lập trình được sử dụng nhiều trong các dự án blockchain trên mạng lưới Ethereum. Discord là nền tảng mạng xã hội được cộng đồng tiền mã hóa sử dụng làm nơi giao lưu chính.
Khi một nền kinh tế mới ra đời, các đầu việc làm mới cũng xuất hiện theo. Mô hình chơi game để kiếm tiền (play-to-earn) nhờ vào Axie Infinity đã giúp cho nhiều người Philippines đổi đời. Theo CNBC, thu nhập mỗi tháng chỉ nhờ vào chơi game Axie vào khoảng 1000-2000 USD.
Sự kết hợp giữa metaverse và gaming
Game là lĩnh vực giải trí có nhiều người dùng nhất với gần 3 tỷ khách hàng thường xuyên.
Nhà phát hành Sky Mavis với trò chơi blockchain Axie Infinity đã đem xu hướng NFT bùng nổ. Nhờ đó, nhiều nhà đầu tư tin vào một thế giới nơi game và vũ trụ ảo kết hợp lại.
Tháng 10/2021, Sky Mavis đã gọi vốn 152 triệu USD từ các tên tuổi trong giới đầu tư như quỹ Andreessen Horowitz và Mark Cuban phục vụ cho kế hoạch xây dựng metaverse.
Vance Spencer, đồng sáng lập quỹ đầu tư tiền mã hóa Framework Ventures cho biết nếu các nhà phát hành game blockchain có thể phát triển sản phẩm hiện tại của mình thành dòng game hạng AAA như GTA hay FIFA, vốn hóa thị trường sẽ bùng nổ.
GameStop, công ty chuyên phát hành game nổi tiếng với sự kiện cổ phiếu tăng giá chóng mặt vào đầu năm 2021 vừa thông báo phát hành sàn giao dịch NFT của riêng mình.
Sự kiện này cho thấy các công ty game truyền thống đang nhảy vào cuộc đua Web3.
Các game thủ luôn sẵn sàng chi tiền cho những vật phẩm ảo dù giá chúng đắt hơn cả phiên bản thật. Phiên bản điện tử của túi Gucci Dionysus được bán trên game Roblox với giá mắc hơn chính sản phẩm đó ngoài đời.
“Cơ hội kiếm tiền từ các hoạt động trong game rất tiềm năng. Các game thủ sẵn sàng trả 100 USD cho 1 bộ trang phục ảo”, CEO ValnerNFT, Akkineni nhận định.
Để có thể đáp ứng cho nhu cầu giao tiếp và chơi game trên metaverse hay Web3, công nghệ cần nhiều cải tiến.
Cuối năm 2021, Intel ước tính để đáp ứng các dự án metaverse và Web3, công suất máy tính hiện tại phải tăng thêm 1000 lần.
Vì yêu cầu trên, 2022 được dự đoán là năm các công ty sản xuất chip sẽ tăng trưởng mạnh mẽ. Ông Trunzo cho rằng số lượng người dùng cùng lúc trên một máy chủ sẽ tăng mạnh và các cải tiến về mặt phần cứng là mục tiêu nghiên cứu trong năm 2022.
Các công ty bán dẫn như Intel, Nvidia một lần nữa trở thành mắt xích quan trọng hình thành nên vũ trụ ảo.
Bà Akkineni nhận định 2022 là giai đoạn các công ty blockchain tập trung mở rộng dự án. Cơ sở hạ tầng với Intel, Nvidia và hệ thống cầu nối giữa các mạng lưới blockchain khác nhau là 2 vấn đề sẽ được chú trọng trong năm nay.
Mùa đông tiền mã hóa sẽ xuất hiện
Sự tăng trưởng nóng trong 2 năm ngắn ngủi khiến các chuyên gia tin rằng thị trường sẽ nguội bớt. Bà Akkineni cho rằng thị trường sẽ giảm nhiệt vào cuối năm 2022, các dự án sẽ ít dần đi theo thời gian.
“2022 chưa phải là năm chúng ta thấy thị trường mất 90% vốn hóa nhưng giai đoạn tàn tiệc sẽ bắt đầu”, đồng sáng lập quỹ Framework Ventures, Vance Spencer chia sẻ.
Theo ông Spencer, nhiều dự án blockchain sẽ được hợp nhất lại trong giai đoạn mùa đông. Sự kiện Nike sáp nhập hãng giày ảo RTFKT được xem là cột mốc khởi đầu cho xu hướng hợp nhất.
CEO của Future Intelligence Group, Hackl cho rằng các công ty lớn sẽ sớm thực hiện thêm nhiều thương vụ sáp nhập như Nike.
Tổng hợp, nguồn: VnExpress, Người Đồng Hành