Screenshot_3              

                            Hai người bạn thân, hai đồng sáng lập của Multicoin Capital: Tushar Jain (bên trái) và Kyle Samani. Để giải tỏa căng thẳng từ thị trường tiền mã hóa, Jain chọn thiền, còn Samani tập đạp xe.

Ngồi cạnh nhau trong một quán cà phê thời thượng ở Manhattan, nơi ly nước ép dứa và cà rốt lạnh có giá 9 USD, hai nhà đồng sáng lập 29 tuổi của công ty đầu tư tiền mã hóa Multicoin Capital liệt kê những đồng tiền kỹ thuật số họ đang bán khống. Họ sẽ kiếm được hàng triệu đô la Mỹ nếu đồng tiền ảo tăng giá trị. 

“Cách đây hai năm, zcash chẳng có giá trị gì,” Kyle Samani, một trong hai đồng sáng lập công ty tiền mã hóa chú trọng quyền riêng tư ba năm tuổi này cho biết. Zcash hiện giao dịch với mức giá 66 USD. Nghiên cứu cho thấy, rất ít người dùng zcash tận dụng các tính năng bảo mật cốt lõi của đồng tiền này. 

Tệ hơn nữa, các nền tảng tiền mã hóa khác như Ethereum đang sao chép công nghệ bảo mật của zcash. Người phát ngôn của zcash cho biết: “Nếu cần một phương thức giao dịch riêng tư, bạn sẽ không tìm được thứ gì khác giống đồng tiền này.” 

Tushar Jain, đồng sáng lập công ty với Samani, háo hức chỉ ra một đồng tiền mã hóa phổ biến khác mà bộ đôi cho là vô giá trị. Anh cho biết: “Chúng tôi công khai bán khống XRP.” Đồng tiền này do Ripple, công ty có trụ sở tại San Francisco, sử dụng nhằm thúc đẩy giao dịch liên ngân hàng. 

Từ những gian phòng làm việc nhìn ra hồ Lady Bird ở Austin, Texas, họ quản lý một quỹ đầu cơ tiền mã hóa trị giá 100 triệu USD, do những nhà đầu tư mạo hiểm như Marc Andreessen và Union Square Ventures của Fred Wilson góp vốn. 

Multicoin tập trung đặt cược vào 11 đồng tiền mã hóa đang giao dịch công khai – cả ngắn hạn lẫn dài hạn. Công ty cũng sở hữu cổ phần trong 20 công ty khởi nghiệp tiền mã hóa tư nhân. 

Trong một thị trường tùy ý tiết lộ thông tin, thổi phồng giá và tốc độ thay đổi giá đóng vai trò lớn trong quá trình định giá, bộ đôi này sử dụng phương pháp kết hợp giữa phân tích dữ liệu và nghiên cứu cộng đồng để chỉ báo giao dịch. Vượt trên tất cả, Samani và Jain thành công nhờ nghi vấn mọi thông tin mà họ nhận được. 

Samani nói: “Trong cộng đồng tiền mã hóa, những thông tin này mang hơi hướng tôn giáo. Mọi người không ngừng bảo bạn ‘tin tưởng, tin tưởng và tin tưởng’... Nhưng chúng tôi chưa bao giờ mặc định mọi điều người khác nói đều đúng.” Phương thức tiếp cận đa nghi này là một thành công lớn. Theo những nguồn tin quen thuộc với Multicoin, trong hai năm qua, quỹ của công ty có lợi nhuận trước phí 143%. 

Jain sinh ra ở Ấn Độ và lớn lên ở Astoria, Queens. Cha mẹ anh có một cửa hàng quần áo ở vùng hạ đông Manhattan. Samani lớn lên trong khu phố Austin khá giả. Năm 2008, họ gặp nhau khi theo học ngành tài chính tại NYU và trở nên thân thiết dù tính cách khác nhau. Wilson cho biết anh chàng Samani đầy tham vọng là người “hơi hung hăng và thích tranh cãi.” Jain dè dặt và ít nói.

Sau khi tốt nghiệp năm 2012, cả hai về làm cho công ty quản lý hồ sơ y tế của cha Samani, nhưng cuối cùng đều nghỉ việc để lập công ty khởi nghiệp của mình – Samani thiết kế ứng dụng cho Google Glass, chiếc kính thông minh yểu mệnh của Google; Jain thành lập công ty cung cấp dữ liệu giúp bác sĩ tìm kiếm bệnh nhân cho những thí nghiệm y khoa. 

Tuy nhiên vào giữa năm 2016, cả hai lại say mê tìm hiểu về blockchain. Tháng 5.2017, họ lập Multicoin khi cơn sốt tiền mã hóa xuất hiện. Gần như ngay lập tức, họ huy động được 2,5 triệu USD từ các nhà đầu tư thiên thần. Danh mục đầu tư của họ, một danh sách dài những đồng tiền có giá trị cao như ether, “0x” và factom, tăng gấp đôi vào cuối năm 2017. 

Ngoài việc gây xôn xao trên phương tiện truyền thông xã hội – Samani hiện có 36.000 người theo dõi trên Twitter – bộ đôi bắt đầu đăng những bài viết dài về kỹ thuật, có cả một bài chi tiết về việc tiền mã hóa được tạo ra chỉ để thanh toán cho một sản phẩm cụ thể không đáng đầu tư như thế nào. 

“Đôi khi mọi người phản hồi rằng đó là những bài tiểu luận một ngàn từ,” Jain nói khi đề cập đến phản hồi trong nội bộ công ty về bài đăng của họ. “Chúng tôi có một nhóm gồm 14 người làm việc toàn thời gian, nhưng hiệu quả như cả một nhóm đầu tư 50 người.” 

Các bài đăng trên blog của Multicoin cũng có tác dụng như một đoạn quảng cáo cho các nhà đầu tư mới và các doanh nhân đang gọi vốn. Đến tháng 7.2018, Multicoin đã gọi được tổng cộng 70 triệu USD từ David Sacks (thành viên của nhóm được gọi là “PayPal Mafia”), Wilson và những nhà đầu tư khác. 

Đó là một năm tồi tệ của tiền mã hóa, bitcoin mất giá đến 74%. Multicoin chỉ bị lỗ trong mức 33% nhờ sự thành công của litecoin, XRP và nền tảng ethereum classic. Tháng 4.2019, Multicoin thực hiện một trong những canh bạc táo bạo nhất của mình: Họ đặt cược gần 15% danh mục đầu tư của mình vào Binance, một trong những sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất thế giới. 

Nhiều nhà đầu tư tránh xa đồng tiền của Binance, vì không giống như Coinbase, vị CEO tỉ phú của Binance, Changpeng Zhao, có tiếng là không tuân thủ quy định giám sát và coi thường luật chống rửa tiền của Hoa Kỳ. 

Hai nhà sáng lập Multicoin ấn tượng với những lần ra mắt sáng tạo của Binance, bao gồm một sàn giao dịch phi tập trung do người dùng điều hành. Công ty châu Á này cũng nhanh chóng giành được thị phần của các sàn giao dịch tiền mã hóa.

muon-lam-giau-tu-tien-ma-hoa-hay-nghi-van-moi-thu2

Tháng 6.2019, sau khi Binance công bố về một sàn giao dịch mới sẽ tuân thủ luật pháp Hoa Kỳ, đồng tiền của họ tăng lên 40 USD, khoản cược của Multicoin tăng gấp tám lần giá trị. Jain và Samani cũng là những nhà đầu cơ bitcoin sừng sỏ. Họ theo dõi chặt chẽ số lượng tài khoản đang nắm giữ từ 1.000 bitcoin trở lên, trị giá khoảng 9 triệu USD theo giá hiện tại. Con số đó đã tăng lên và những nhà đầu tư này đang giữ bitcoin lâu hơn.

Những yếu tố đó, kết hợp với sự kiện Bitcoin Halving sắp tới vào tháng năm – thời điểm số lượng bitcoin mới được tạo ra hằng ngày sẽ tự động giảm đi 50% – khiến họ quyết định mua các quyền chọn mua bitcoin. 

Ngoài những động thái mạo hiểm về hoán đổi danh mục tiền mã hóa, Multicoin còn đầu tư trực tiếp vào những công ty khởi nghiệp như Helium ở San Francisco, công ty bán thiết bị phát Internet giá 495 USD, cho phép chủ nhà chia sẻ Internet với người xung quanh – và kiếm tiền mã hóa từ việc này. 

Ví dụ, sử dụng Helium, nhà cung cấp xe tay ga Lime có thể duy trì kết nối mạng trên xe mà không phải trả phí Wi-Fi cho Verizon. “Tôi nghĩ chúng tôi sẽ có thể đặt kỳ vọng thu về lợi nhuận hơn 10 lần,” Jain nói. 

Một bài đăng trên blog của Samani đã dẫn đến phần giới thiệu của họ về CEO của Helium. Multicoin có một khoản đầu tư thất bại là EOS, token do công ty khởi nghiệp Block.one tạo ra – công ty này đã huy động được bốn tỉ đô la Mỹ trong đợt phát hành tiền mã hóa lần đầu (ICO). Multicoin đầu tư vào EOS đầu năm 2019 sau khi đăng bài phân tích dài 31 trang về token này. 

Tại thời điểm đó, token này được giao dịch ở mức giá 11,60 USD nhưng hiện tại chỉ còn 4 USD. “Giá mà chúng tôi phát triển được mối quan hệ tốt hơn với đội ngũ chủ chốt của EOS để hiểu tầm nhìn của họ về giao thức, cách họ phát triển và mở rộng quy mô,” Samani nói, nghe như một nhà đầu tư giá trị đã đánh giá sai kỹ năng của nhóm quản lý. 

Sau ba năm giao dịch tiền mã hóa, họ rút ra bài học đáng giá: đầu tư thụ động vào tài sản kỹ thuật số không đem lại kết quả tốt. Jain cho biết: “Thị trường tiền mã hóa là thị trường kém hiệu quả nhất mà tôi từng biết, và điều đó nghĩa là quản lý tích cực sẽ mang đến lợi nhuận cao.”

Theo Forbes VietNam