Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết năm 2022, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành thuế là:

Thực hiện đồng bộ các giải pháp trong công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số của các nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh tại Việt Nam.

null

Nan giải chống lỗ hổng thất thu thuế

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trong những năm qua, Bộ Tài chính nói chung và ngành kinh tế nói riêng đã tập trung triển khai các giải pháp chuyển đổi số, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân, doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.

Trong cuộc cách mạng lần thứ 4, thương mại điện tử đang ngày càng phát huy được lợi thế, trở thành một phương thức kinh doanh mới và ngày càng trở nên phổ biến trên phạm vi toàn cầu.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định: “hoạt động thương mại điện tử nhận được sự quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới vì những đóng góp to lớn đối với tăng trưởng kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 bùng phát những năm vừa qua”.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu chào mừng và chỉ đạo hội nghị. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu chào mừng và chỉ đạo hội nghị.

Tại Việt Nam, hoạt động thương mại điện tử hiện đang trong giai đoạn bùng nổ với mức tăng trưởng hằng năm ở mức rất cao.

Vì vậy, cần có những thích ứng phù hợp, kịp thời để không chỉ nhằm quản lý hiệu quả mà còn tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của các hoạt động thương mại điện tử.

Đồng thời, tạo sân chơi bình đẳng giữa các loại hình kinh doanh truyền thống và hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.

Theo Sách trắng thương mại điện tử Việt Nam, năm 2020, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử đạt mức 18%, quy mô đạt 11,8 tỷ USD và là nước duy nhất ở Đông Nam Á có tăng trưởng thương mại điện tử 2 con số.

null

Nhiều tập đoàn lớn trên thế giới như Google đưa ra nhận định về khả năng quy mô của nền kinh tế số Việt Nam sẽ vượt ngưỡng 52 tỷ USD và giữ vị trí thứ 3 trong khu vực ASEAN vào năm 2025.

Thời gian qua, Tổng cục Thuế chủ động nghiên cứu, đề xuất, triển khai khẩn trương các giải pháp để chống thất thu thuế thương mại điện tử.

Theo đó, Tổng cục Thuế tham mưu xây dựng hệ thống cơ chế chính sách pháp luật, tạo hành lang pháp lý trong công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, đồng thời góp phần tạo ra sự minh bạch, công bằng đối với các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.

Tuy nhiên, với đặc thù của các nhà cung cấp ở nước ngoài là không có cơ sở thường trú ở Việt Nam, các hoạt động kinh doanh chủ yếu thông qua môi trường số và trên các ứng dụng internet.

Do đó, các hình thức đăng ký, kê khai, nộp thuế truyền thống như trước đây sẽ không còn phù hợp và khó thực hiện, đồng thời, ngân sách thất thu "khủng" trước sự phát triển như vũ bão của hoạt động thương mại điện tử.

Vì vậy, để đáp ứng tốt với tình hình mới, nâng cao hiệu quả quản lý thuế cũng như tạo điều kiện thuận lợi để các nhà cung cấp nước ngoài thực hiện tốt nghĩa vụ thuế với ngân sách nhà nước trong quá trình kinh doanh, Tổng cục Thuế chủ động nghiên cứu, xây dựng cổng thông tin dành riêng cho nhà cung cấp nước ngoài.

Đại diện Tổng cục Thuế khẳng định, đây không chỉ là địa chỉ để nhà cung cấp nước ngoài thực hiện việc đăng ký, kê khai và nộp thuế mà còn là nơi nhà cung cấp nước ngoài có thể tra cứu thông tin, tìm hiểu về hệ thống chính sách pháp luật thuế và các chính sách pháp luật liên quan về lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam.

Quản lý thuế bám đuổi kinh doanh xuyên biên giới

Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn cho biết, ngay sau sự kiện này, Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục triển khai và phối hợp với các đơn vị triển khai các nhóm nhiệm vụ để vận hành thông suốt các ứng dụng và tiếp tục hoàn thiện những hạn chế (nếu có phát sinh), phát triển thêm các dịch vụ thuế số hiện đại, an toàn cho người dân, doanh nghiệp và đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động quản lý thuế.

null

Một là, Tổng cục Thuế tiếp tục duy trì, vận hành hệ thống Cổng Thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài đảm bảo hoạt động liên tục, ổn định, thông suốt 24/7.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền và các kênh thông tin nhằm hỗ trợ người nộp thuế tiếp cận đầy đủ, dễ dàng và sử dụng các dịch vụ thuế điện tử trong quá trình thực hiện chính sách, nghĩa vụ thuế.

Hai là, tăng cường hỗ trợ, thường xuyên rà soát, kiểm tra, giám sát việc thực hiện đăng ký, kê khai, nộp thuế của các nhà cung cấp nước ngoài để đảm bảo tính tuân thủ pháp luật và sự công bằng, minh bạch trong việc thực hiện nghĩa vụ với nhà nước.

Ba là, tiếp tục nghiên cứu, nâng cấp, tích hợp, bổ sung các tính năng, tiện ích mới, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của nhà cung cấp nước ngoài trong quá trình thực hiện, chấp hành chính sách pháp luật thuế và nghĩa vụ về thuế tại Việt Nam.

Từ đó, nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh xuyên biên giới dựa trên nền tảng số, thích ứng kịp thời với sự phát triển và các mô hình, phương thức sản xuất kinh doanh mới trong thời đại chuyển đổi số nhanh chóng trên toàn cầu hiện nay.

Thu nghìn tỷ tiền thuế từ Google, Youtube, Facebook

Năm 2020-2021 với dịch COVID-19, thương mại điện tử và các hình thức kinh doanh trên nền tảng số đã phát triển nhanh chóng.

Sự tăng trưởng mạnh mẽ đó cũng đặt ra những vấn đề về công tác quản lý thuế.

Ngành thuế tăng cường quản lý, thu thuế với hoạt động thương mại điện tử Ngành thuế tăng cường quản lý, thu thuế với hoạt động thương mại điện tử.

Trong năm 2021, số thuế thu được từ các tổ chức Việt Nam có ký hợp đồng quảng cáo trực tuyến với tổ chức nước ngoài không thành lập pháp nhân tại Việt Nam như Google, Youtube, Facebook... là 1.314 tỷ đồng. Trong số đó, Facebook là 521 tỷ đồng; Google là 490 tỷ đồng; Microsoft là 164 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, thu từ cá nhân tự kê khai, số thuế truy thu, tiền phạt qua thanh tra, kiểm tra đối với cá nhân cư trú tại Việt Nam cung cấp dịch vụ xuyên biên giới tại các trang mạng xã hội là 498 tỷ đồng.

Nhận diện để quản lý

Lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết trong năm 2022, sẽ tiếp tục yêu cầu cục thuế các địa phương chủ động rà soát dữ liệu về các tổ chức, cá nhân có thu nhập nhận được từ các trang mạng xã hội như: Google, Facebook, Youtube,… để có thông báo yêu cầu kê khai, nộp thuế.

Trong trường hợp các tổ chức, cá nhân cố ý không kê khai, nộp thuế, cơ quan thuế phối hợp với ngân hàng thương mại để truy xuất dòng tiền, thực hiện thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Quản lý thuế đối với các "ông lớn" là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành thuế Quản lý thuế đối với các "ông lớn" là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành thuế.

Lãnh đạo Cục Thuế TP Hà Nội Mai Sơn khẳng định, năm 2022 sẽ tiếp tục quản lý chặt chẽ, đánh giá kỹ lưỡng đối với hoạt động thương mại điện tử và kinh doanh dựa trên nền tảng số để có những đề xuất xây dựng chính sách phù hợp về tỷ lệ thu, về quản lý thuế thu nhập doanh nghiệp.

Đồng thời, cập nhật, hoàn thiện cơ sở dữ liệu đối với hoạt động này.

Về phía Bộ Tài chính, hiện bộ đã ký kết thỏa thuận phối hợp công tác với Bộ Công thương, trong đó có nội dung phối hợp xây dựng, hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Qua đó sẽ triển khai chia sẻ cơ sở dữ liệu, kết nối để khai thác thông tin phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh thương mại điện tử trong nước.

Tổng cục Thuế cũng đề xuất Bộ Tài chính xây dựng các chương trình hợp tác, phối hợp với Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về cơ chế kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý thuế.

Để siết chặt quản lý thuế, cơ quan thuế đã tiếp tục nâng cấp, xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu liên thông, tích hợp giữa hệ thống ngân hàng.

Các nhà cung cấp nền tảng số để nắm bắt được đối tượng quản lý thuế, số giao dịch phát sinh, doanh số, số thuế phải nộp, nhất là đối với các giao dịch xuyên biên giới, giao dịch thương mại trên các nền tảng số, kinh doanh qua mạng.

Tổng hợp, nguồn: VnEconomy, Báo Người Lao Động