Theo báo cáo “Tác động của đại dịch Covid-19 lên các doanh nghiệp Việt Nam” do World Bank và Australia Aid thực hiện, các DN dự kiến doanh số sẽ giảm 11-51% và việc làm sẽ giảm 7-61% trong nửa năm tới sau khi chứng kiến mức tăng trưởng tháng 9-10 thấp hơn nhiều so với dự kiến hồi tháng 6.

Trong tháng 9 và 10, có thêm 13% doanh nghiệp hoạt động đầy đủ trở lại, nâng tổng số này lên 94%. Các nhóm doanh nghiệp với quy mô khác nhau đều hoạt động trở lại với tốc độ như nhau, tuy nhiên nhóm dịch vụ có tốc độ mở cửa trở lại cao hơn - đây cũng là nhóm có tỉ lệ đóng cửa một phần hoặc toàn bộ cao nhất hồi tháng 6.  

Tuy vậy nhiều doanh nghiệp vẫn hoạt động dưới công suất trước đại dịch. Khoảng 1⁄4 doanh nghiệp vẫn phải cắt giảm giờ làm. Tính trung bình tất cả các ngành, quy mô doanh nghiệp và vùng địa lý, số giờ hoạt động của các doanh nghiệp thấp hơn 6,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

screen_shot_2020_12_10_at_11_45_29_sguy

  Nguồn: Báo cáo “Tác động của đại dịch Covid-19 lên các doanh nghiệp Việt Nam” do World Bank và Australia Aid thực hiện.  

Khoảng 2/3 doanh nghiệp cũng chứng kiến doanh số bán hàng suy giảm trong tháng 9 và 10 dù tình hình đã cải thiện hơn hồi tháng 6. Tuy doanh số liên tục cải thiện nhưng vẫn thấp hơn 36% so với cùng kỳ năm trước.

Tình hình phục hồi doanh số cũng diễn ra không đồng đều: các doanh nghiệp vừa và lớn, thuộc các ngành bán buôn, bán lẻ hồi phục tốt hơn, trong khi các doanh nghiệp quy mô nhỏ, doanh nghiệp ngành công nghiệp chế tạo và nông nghiệp vẫn không cải thiện so với tháng 6.

Tình trạng cắt giảm lao động đã giảm nhẹ nhưng hiện trạng việc làm nói chung vẫn không cải thiện so với tháng 6. Các doanh nghiệp vẫn phải áp dụng các biện pháp tạm thời như cho nghỉ phép, giảm lương, giảm giờ làm.

Tuy vậy, tỷ lệ doanh nghiệp phải dùng đến các biện pháp này đã giảm mạnh. Khoảng 10% doanh nghiệp vẫn phải sa thải lao động nhưng các doanh nghiệp tuyển lao động mới cũng tăng 10%, dẫn đến tổng số việc làm ổn định trong giai đoạn tháng 9- 10.

Thị trường vẫn đang suy giảm cả cung và cầu. Đơn hàng giảm là nguyên nhân chính làm giảm cầu, nhiều doanh nghiệp còn bị thanh toán chậm, hủy đơn hàng. Khoảng 40% doanh nghiệp gặp khó khăn do nguồn cung đầu vào giảm và 10% phải hủy hợp đồng bán hàng do không đủ vật tư sản xuất. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng gặp khó khăn do thời gian chờ đợi kéo dài hay gặp vấn đề về kho vận.

60% doanh nghiệp không thấy có sự thay đổi về mức độ cạnh tranh trên thị trường, trong khi khoảng 25% cảm thấy sức ép cạnh tranh tăng lên so với năm ngoái, chủ yếu do cầu giảm. 16% còn lại cảm thấy sức ép cạnh tranh giảm do một số đối thủ thoái lui.

Trong bối cảnh mức cầu thấp hơn bình thường, thanh khoản đã trở thành vấn đề thường xuyên, tuy đã có một số cải thiện. Kết quả điều tra của World Bank cho thấy khoảng ½ số doanh nghiệp có đủ thanh khoản cho ba tháng, và khoảng 60% có đủ thanh khoản cho sáu tháng.

"Tiếp cận nguồn tài chính vốn là vấn đề trầm kha tại Việt Nam", World Bank và Australia Aid nhận định. Trên 60% doanh nghiệp cho biết họ gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn tài chính. Các vấn đề chính bao gồm lãi suất quá cao, rủi ro trả nợ, và thiếu tài sản thế chấp.

Các doanh nghiệp cũng tỏ ra bi quan hơn về viễn cảnh tăng trưởng trong tháng 9-10 và điều chỉnh phần nào dự báo của mình. Các doanh nghiệp hạ thấp dự báo trước đây của mình do doanh số thực tế giảm trong ba tháng gần nhất, với mức tăng trưởng tháng 9-10 thấp hơn nhiều so với dự kiến hồi tháng 6.

Theo Forbes Việt Nam