Eric Ries là một kỹ sư phần mềm. Năm 2001, công ty mà ông làm việc đã đốt 50 triệu USD để phát triển một sản phẩm, một tấm bản đồ thế giới 3-D. Nghe rất hấp dẫn, nhưng kết quả lại là… chẳng ai mua.
Từ việc đó, Ries thấy rằng, cần phải có một phương pháp nào đó để các công ty tránh được những thất bại quá tốn kém kiểu như này.
Tròn 10 năm sau, Eric Ries cho ra đời cuốn sách “Khởi nghiệp tinh gọn” (Lean Startup). Cuốn sách nhanh chóng trở thành một cẩm nang cho gần như mọi lãnh đạo công ty trên thế giới, từ đại tập đoàn như General Electric cho đến các công ty của Ả Rập hay Trung Quốc.
Trong cuốn sách này, Ries đề ra một tư duy, hay có thể coi là một định hướng chiến lược để tránh được những thất bại quá tốn kém như công ty cũ của ông, đó là “Fail fast”. Chiến lược, tư duy này có thể hiểu là: Sai nhanh, bỏ nhanh.
Tư duy này cho rằng, làm ra sản phẩm không khó, nhưng chinh phục được thị trường, có lợi nhuận mới là cực khó, là điều sống còn. Mà khi chưa ra thị trường, chẳng một công ty nào có thể chắc chắn mình sẽ thành công, cho dù là những công ty lớn mạnh bậc nhất thế giới.
Bởi vậy, tư duy này khuyến khích các doanh nghiệp làm ra sản phẩm thật nhanh, thử nghiệm thị trường thật nhanh, và nếu không ổn thì rút ra thật nhanh và chuyển hướng.
Rất nhanh chóng, tư duy này được giới doanh nhân đón nhận và ứng dụng.
Paul Howe có ý tưởng xây dựng một ứng dụng “nhắc nhở theo dõi đơn hàng qua Facebook”. Trước khi tung ra chính thức, Howe đưa ra chạy thử với một nhóm người dùng thực. Khi thấy tình hình không khả quan, Howe khai tử luôn dự án.
Trong cùng thời gian đó, 2 đối thủ của Howe vẫn miệt mài phát triển ý tưởng tương tự. Chín tháng sau, tất cả đều bị vứt vào sọt rác. Còn Howe đã đi trước sang dự án khác từ lâu rồi.
Vingroup “bỏ nhanh”
Chỉ trong vòng 2 năm, Vingroup đã chuyển giao cho Masan chuỗi bán lẻ VinMart, VinMart+, giải thể VinPro, Adayroi, khai tử Vinpearl Air từ khi chưa kịp bay, ngưng sản xuất điện thoại thông minh, TV thông minh, và gần đây nhất là rao bán trung tâm thử nghiệm xe Lang Lang ở Úc.
Tất cả đều rất “nhanh”, dựng nhanh - bỏ nhanh.
Trước tháng 5/2021, Vingroup “hai tay hai súng” ở hai lĩnh vực rất thời thượng là ô tô và điện thoại. Vingroup cũng xác định đây là trọng tâm của tập đoàn.
Tuy vậy, hai lĩnh vực này cũng rất “khó nhằn”. Đối thủ của Vingroup toàn là những đại gia tầm cỡ thế giới thực sự, nhiều tiền, nhiều lực, nhiều kinh nghiệm chiếm lĩnh thị trường nhiều năm qua như Apple, Samsung hay Toyota, BMW.
Họ liên tục tung ra các chương trình khuyến mãi miễn phí lãi vay trả góp mua xe Fadil, Lux, trong bối cảnh thị trường ô tô toàn cầu đang trở nên trì trệ, làm lao đao cả những ông lớn xe hơi trên thế giới.
Bởi vậy, hai mảng này cần một nguồn tiền rất lớn để “nuôi”.
Trong khi đó, thị trường bán lẻ rất khốc liệt nhưng lại chưa mang về lợi nhuận. Bởi vậy, Vingroup “bỏ nhanh” VinCommerce.
Thương mại điện tử vẫn đang là cuộc đua “đốt tiền” giành thị phần. Vingroup bỏ Adayroi.
Hàng không cần đầu tư lớn nhưng biên lợi nhuận thấp, thời gian có lãi dài, Vingroup khai tử dự án Vinpearl Air.
Bây giờ nhìn lại, việc Vingroup “bỏ nhanh” các mảng kinh doanh trên, tuy bất ngờ nhưng đều ít nhiều cho thấy sự hiệu quả.
Cho đến giờ, thương mại điện tử vẫn là cuộc đua “đốt tiền” của những Shopee hay Tiki. Hàng không lâm vào khủng hoảng trầm trọng nhất lịch sử.
Thị trường điện thoại di động gần bão hòa và nằm trong tay vài ông lớn của thế giới. Thậm chí đến cả Apple cũng bắt đầu tìm cách kiếm tiền “ngoài bán iPhone”.
Có thể thấy, Vingroup đã ứng dụng hiệu quả chiến lược “bỏ nhanh” này với các dự án của mình trong 2 năm qua.
Theo Diendandoanhnghiep.vn