Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), cơ quan khí tượng thuộc Liên hợp quốc (LHQ) mới đây cảnh báo, nhiệt độ toàn cầu do biến đổi khí hậu sẽ cao hơn bình thường, bất chấp hiệu ứng "làm mát" của hiện tượng khí hậu La Ni-na mạnh trong năm nay.
Theo WMO, La Ni-na đã mạnh lên và sẽ kéo dài sang năm tới, ảnh hưởng đến nhiệt độ, lượng mưa và mô hình bão tại nhiều khu vực của thế giới.
Tuy nhiên, việc khí hậu toàn cầu ấm lên có thể làm suy yếu hiệu ứng của La Ni-na, khiến thời tiết trở nên cực đoan hơn và ảnh hưởng đến vòng tuần hoàn nước.
Mặc dù La Ni-na thường gây hiệu ứng giảm bớt nhiệt độ toàn cầu, song sức nóng của lượng nhiệt tích tụ trong khí quyển do hiệu ứng nhà kính lại đảo ngược xu hướng này.
Do đó, năm 2020 trở thành một trong những năm nóng kỷ lục và giai đoạn 2016 - 2020 là giai đoạn 5 năm nóng kỷ lục của thế giới.
Trong khi đó, các nhà khoa học vừa cảnh báo, lượng băng trên Bắc Băng Dương bao quanh Bắc Cực đã tan chảy xuống mức thấp kỷ lục trong tháng 10 vừa qua, phản ánh sự phục hồi chậm chạp trong bối cảnh mùa đông đang đến gần.
Với tốc độ tan băng như hiện nay, vùng Bắc Băng Dương đang hướng tới viễn cảnh không còn băng vào mùa hè.
Sự thu hẹp lượng băng đồng nghĩa đại dương hấp thụ nhiệt nhiều hơn, khiến con người có nguy cơ phải hứng chịu nhiều tác động tàn phá của biến đổi khí hậu.
WMO cho biết, nhiệt độ ở Bắc Cực đang tăng nhanh gấp hai lần so với mức nhiệt trung bình toàn cầu và tác động nghiêm trọng đến băng quyển, dẫn tới nguy cơ lũ lụt do sự bùng nổ của các hồ, sông băng trên thế giới.
Thực trạng trên gióng lên "hồi chuông cảnh báo" về nguy cơ của biến đổi khí hậu đối với cuộc sống con người.
Các nước nghèo là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất và phải gánh chịu hậu quả nghiêm trọng của tình trạng biến đổi khí hậu.
Châu Phi được đánh giá là khu vực hứng chịu thiệt hại nặng nề nhất do lũ lụt, hạn hán, thời tiết nóng lên và nạn châu chấu hoành hành.
Nhiệt độ tăng khiến sản lượng vụ mùa giảm mạnh trong khi nông nghiệp là ngành xương sống của kinh tế nhiều nước châu Phi.
Theo nghiên cứu, GDP toàn khu vực châu Phi sẽ giảm từ 2,25% đến 12,12% khi nhiệt độ tăng.
Khu vực cận Xa-ha-ra đã phải liên tục hứng chịu hiện tượng thời tiết cực đoan, khiến hàng chục triệu người bị ảnh hưởng và bị đe dọa về an ninh lương thực, gây thiệt hại kinh tế trực tiếp tới hơn 500 triệu USD.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá, châu Phi sẽ cần từ 30 đến 50 tỷ USD/năm trong thập kỷ tới để thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó có mở rộng đầu tư vào các dự án "xanh".
Con số này tương đương từ 2 đến 3% giá trị GDP hằng năm của châu lục.
Tuy nhiên, không chỉ ở các nước nghèo, "nhà giàu" cũng không tránh khỏi những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.
Nghiên cứu do liên minh CE Delft, gồm một nhóm các cơ quan giám sát môi trường và xã hội có trụ sở ở Hà Lan, đã đưa ra một phân tích sâu rộng về chất lượng không khí, dữ liệu sức khỏe và giao thông tại hơn 400 thành phố châu Âu.
Trong đó cho thấy, cư dân thành thị ở châu Âu phải chịu thiệt hại hơn 160 tỷ ơ-rô mỗi năm do tác động của ô nhiễm không khí đến sức khỏe.
Thủ đô Luân Ðôn của Anh có chi phí xã hội cao nhất do ô nhiễm khi người dân mất đến 11,38 tỷ ơ-rô phúc lợi.
Dữ liệu hằng năm về Chỉ số chất lượng không khí cuộc sống (AQLI) do Viện Chính sách năng lượng tại Ðại học Chicago (Mỹ) cũng cho thấy, ô nhiễm không khí làm giảm gần hai năm tuổi thọ của mỗi người trên Trái đất.
Có đến gần 25% dân số toàn cầu sống ở bốn quốc gia Nam Á trong nhóm nước có mức độ ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất.
Tại một cuộc họp trực tuyến về biến đổi khí hậu với sự tham dự của 52 bộ trưởng tài chính trên thế giới diễn ra giữa tháng 10 vừa qua, Tổng Giám đốc IMF K.Gioóc-giê-va đã hối thúc các nước cần ưu tiên chính sách kinh tế trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, bởi đây là mối đe dọa lớn đối với tăng trưởng và sự thịnh vượng.
Nhà lãnh đạo IMF cho rằng, cần bảo đảm có các khoản đầu tư "xanh" trong ngân sách chống dịch COVID-19 và giảm thiểu tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế.
Trước nguy cơ đại dịch khiến thế giới xao lãng với cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, các quan chức LHQ và các tổ chức tài chính kêu gọi các nước cần dành nguồn lực để ngăn chặn cuộc khủng hoảng khí hậu.
Trong lúc các nước tìm cách phục hồi sau cú sốc kinh tế do đại dịch gây ra, giới chuyên gia cũng đã đưa ra một số biện pháp cơ bản nhằm ổn định khí hậu toàn cầu.
Theo đó, các nước cần thay đổi về cấu trúc và chuyển đổi trong hệ thống sản xuất và tiêu thụ năng lượng, xây dựng nền kinh tế xanh, coi đây là một hướng đi mới nhằm giúp hạn chế các diễn biến ngày càng tiêu cực của khí hậu toàn cầu.