Những con ‘thiên nga’ giãy chết!

Trong năm 2020, khi ‘cơn bão’ Covid-19 quét qua, chúng ta đã chứng kiến sự rơi rụng của hàng loạt chuỗi lớn nhỏ trên mọi ngành nghề - 2 cái tên nổi bật trong đó là Lamita và Soya Garden.

Do kinh doanh thiếu hiệu quả, Vũ Thị Thùy Linh – founder kiêm CEO của chuỗi phòng tập Zumba lớn nhất Việt Nam với 65 cái Lamita, đã phải tuyên bố đóng cửa vào cuối năm 2020.

null Một sự kiện của Lamita Zumba club.


Tương tự, Soya Garden cũng phải thu hẹp quy mô chuỗi, từ khoảng 50 cửa hàng giờ chỉ còn 12 cửa hàng, chủ yếu tập trung tại Hà Nội; ở TP. HCM họ chỉ còn cửa hàng duy nhất tại Ngã 6 Phù Đồng, mặt bằng giành được từ tay Phúc Long.

Chưa hết, trong năm 2020, 3 chuỗi trà sữa lớn ở phân khúc cao cấp là Gongcha, Koi Thé và The Alley đã không thể tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ của mình, mà còn đi thụt lùi chút ít.

Nếu như cuối năm 2019, The Alley có 51 cửa hàng, bây giờ họ chỉ còn 44 cửa hàng và hầu hết cửa hàng mà họ đóng cửa đều nằm ở vị trí đắc địa tại các quận trung tâm, do nhu cầu tiêu dùng xuống thấp không thể bù được chi phí mặt bằng cao ngất ngưởng.

Vậy nguyên nhân ‘ngã xuống’ là gì?

Đầu tiên, tất nhiên là chi phí mặt bằng.

"Trong Covid-19, ai sở hữu càng nhiều cửa hàng thì càng chết nhanh! Sau Covid-19, ưu tiên nhất không phải là cửa hàng hoành tráng vị trí đẹp, mà là độ phủ thị trường thực tế!"

- anh Mai Trường Giang – ông chủ của chuỗi gà rán Otoke Chicken, cơm Cô Tấm và Chewy Chewy Việt Nam cho hay.

Thế nên, trong năm 2020, Mai Trường Giang không những không mở thêm cửa hàng mà còn đóng bớt vài cái và chuyển hầu hết hoạt động kinh doanh F&B của mình lên cloud kitchen và bán hàng online.

Thứ hai, "yêu cuồng, sống vội’ là nguyên do thất bại của Lamita như lời thú nhận của founder với chúng tôi.

"Nếu tôi không kỳ vọng vào vốn đầu tư mà dựa vào sức mình, làm đâu chắc đó như 7 năm trước thì có lẽ đã không để xảy ra điều đáng tiếc.

Bởi thực tế, thời điểm trước khi quyết định gọi vốn thông qua chương trình Shark Tank Việt Nam thì Lamita vẫn đang hoạt động tốt, có thị trường riêng và đã chứng minh được hiệu quả và nhượng quyền được hơn 10 tỉnh thành"

- CEO Lamita nhận định.

null Soya Garden cũng chịu tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19.


"Giống như tất cả các chuỗi F&B, Soya Garden cũng bị tác hại nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Nếu xét thêm khía cạnh là người mới ở thị trường cùng hầu hết cửa hàng đều ở vị trí đắc địa, tổn thương của chúng tôi còn sâu sắc hơn người khác.

Tuy nhiên, khía cạnh tích cực là, Covid-19 giống một cú đấm mạnh cần thiết, khiến tôi phải thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi mô hình. Nếu không có Covid-19, hẳn chúng tôi sẽ mất thêm 12-18 tháng trước khi có thể chuyển đổi sang mô hình mới.

Làm khởi nghiệp, mở được cửa hàng đã là khó, nhưng để đóng được cửa hàng còn đòi hỏi sự dũng cảm và trách nhiệm với tiền của nhà đầu tư", Hoàng Anh Tuấn – Founder của Soya Garden đã giải thích như thế vào tháng 5/2020.

Tuy nhiên, không đợi Hoàng Anh Tuấn làm gì đó khác đi với thương hiệu này, chỉ vài tháng sau, anh đã phải trả giá cho những sai lầm trên cương vị lãnh đạo Soya Garden, với việc rời chiếc ghế CEO.

Trong Covid-19, cứ kinh doanh không hiệu quả là chết, bất chấp chuỗi đó đã cho phép nhượng quyền hay không, vì Lamita cho nhượng quyền còn Soya Garden thì không.

"Vậy Covid-19 đánh chết những ai?

Theo tôi, hầu hết ‘nạn nhân’ đều là những người đang làm riêng lẻ, không đủ đội nhóm/nguồn lực để nhanh chóng xoay chuyển hay sáng tạo nhằm tồn tại và bước thêm những bước mới. Covid-19 chính là bài kiểm tra xem chúng ta đủ sức đi xa được hay không!

Trong Covid-19, khi tôi làm việc với các team như 25 Fit hay Star Home Spa là tính bằng từng giờ, bằng phút; làm từ sáng đến đêm nhằm kịp chuyển đổi nhiều thứ, ứng biến kịp thời với Covid-19. Những người làm riêng lẻ rõ ràng không có đội nhóm như vậy để cùng ‘chiến đấu’".

- chị Nguyễn Phi Vân chia sẻ trong Hội thảo Thay đổi mô hình kinh doanh nhượng quyền hậu Covid-19.

null Covid-19 chính là bài kiểm tra xem các thương hiệu có đủ sức đi xa được hay không.


Cũng theo chị, thất bại trong nhượng quyền thường bởi 4 nguyên nhân sau.

Thứ nhất, không hiểu hết về cách xây dựng nền tảng, vì ‘quá nhanh quá nguy hiểm’.

Người làm startup mà lúc nào cũng muốn nhanh, kinh doanh nhanh, mang tiền về nhanh. Có khi họ bất chấp, không quan tâm việc phải hỗ trợ cho đối tác như thế nào.

Thứ hai, vì không hiểu sâu sắc về nhượng quyền nên chưa có sự quản trị sâu sát với đối tác.

Bà Phi Vân cho biết: thực tế tại Việt Nam, rất nhiều thương hiệu nhượng quyền xong, 1-2 năm sau đã không quan tâm đối tác của mình làm ăn như thế nào, nhân viên hay tình hình tài chính ra sao.

Thậm chí, chủ nhượng quyền chưa một lần đến tận nơi để xem. Vì thế, nếu mô hình thất bại trong tương lai thì cũng không phải điều ngạc nhiên.

Thứ ba, các bạn trẻ đang nghĩ quá đơn giản về nhượng quyền, cho rằng đây là một cách để kiếm tiền nhanh.

Nhượng quyền, nếu được sử dụng đúng sẽ là một cách xây dựng giá trị thương hiệu rất tốt. Bởi vì mình sử dụng nguồn tiền của xã hội để xây chuỗi, từ đó việc đánh giá giá trị thương hiệu sẽ tăng lên rất nhanh.

null Nhiều người kinh doanh trẻ đang nghĩ quá đơn giản về nhượng quyền.


Chúng ta phải hiểu rằng: lợi ích cuối cùng nằm ở giá trị thương hiệu chứ không nằm ở việc thu được bao nhiêu tiền từ đối tác của mình. Chính sự hiểu sai này khiến các bạn không tập trung đúng vào việc xây dựng sự bền vững cho chuỗi.

Cuối cùng, một cách hiểu sai khác ‘người đi bán nhượng quyền phải chịu trách nhiệm mọi thứ, người đi mua nhượng quyền chỉ cần bỏ tiền ra’.

Thực tế, đây là sự cộng tác có trách nhiệm giữa hai bên.

Cụ thể: doanh nghiệp nhượng quyền phải tập trung vào xây dựng thương hiệu, xây dựng mô hình, nền tảng quản trị. Trong khi đó, người mua nhượng quyền phải tập trung vào quản trị vận hành, nhân sự hàng ngày và tìm cách phát triển kinh doanh cho chính chi nhánh của mình.

Mỗi bên đều có mức độ trách nhiệm ngang nhau, nếu ai không làm đúng thì sẽ dẫn đến rủi ro, mâu thuẫn.

Theo Cafebiz