Đối tượng nhượng quyền là chủ cơ sở đã kinh doanh sẵn và hoạt động thường xuyên như tiệm tạp hóa, đại lý vé máy bay, kinh doanh thời trang...
Mức nhượng quyền dao động từ 30-50 triệu đồng.
Bằng mô hình nhượng quyền, mạng lưới của SuperShip sẽ tăng thêm để tối ưu hơn nữa thời gian giao nhận trên toàn quốc.
Tính đến thời điểm hiện tại, Super Ship hiện có hơn 260 bưu cục ở 63 tỉnh thành, độ phủ ước tính khoảng 95%.
Nếu chiến dịch này suôn sẻ, Thanh Hoài sẽ bổ sung ít nhất 100 đối tác vào mạng lưới hiện tại.
Lĩnh vực giao nhận thương mại điện tử mà Thanh Hoài tham gia vừa trải qua một cuộc đua hạ giá giành thị phần khốc liệt nhất hồi năm ngoái, khi giao đơn hàng toàn quốc đã được đưa về mốc 25.000 đồng/đơn hàng, giảm 16% so với trước kia.
Hai ông lớn trong lĩnh vực hậu cần thương mại điện tử Indonesia (J&T Express) và Trung Quốc (Best Inc) là nguyên nhân dẫn đến cuộc cạnh tranh về giá trong năm 2020, khi cả 2 bắt đầu gia nhập thị trường Việt Nam.
Tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử và tỉ lệ sử dụng tiền mặt trong thanh toán là 2 yếu tố quan trọng thúc đẩy lĩnh vực giao nhận vẫn còn rất tiềm năng ở Việt Nam trong thời gian tới.
Theo công bố năm 2019 của Bộ Công Thương, tỉ lệ thanh toán dùng tiền mặt ở Việt Nam là hơn 86%.
Như vậy, nếu như năm 2020, doanh thu thương mại điện tử Việt Nam là 11,8 tỉ USD, tức có hơn 10 tỉ USD tiền mặt nằm trong các đơn vị giao hàng.
Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics ước tính, trong vòng 5-10 năm nữa, giá trị thị trường vận tải hàng hóa trực tuyến tại Việt Nam sẽ vào khoảng 10 tỉ USD.
“Cuộc chiến về giá giành thị phần chưa dừng lại đâu”, Thanh Hoài nhận định.
Vươn mình nhờ mô hình nhượng quyền.
Lê Thanh Hoài sinh năm 1992, tốt nghiệp Đại học Kinh tế (TP.HCM). SuperShip là doanh nghiệp đầu tiên của anh.
Năm 2015, thời điểm SuperShip được thành lập, thị trường giao nhận thương mại điện tử đang được vận hành bởi nhiều cái tên như Viettel Post, VNPT, Giao Hàng Nhanh (Scommerce), Giao Hàng Tiết Kiệm (Shopee) và 3 sàn thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam đều có đội ngũ giao nhận riêng.
“Tuy nhiên, chưa có doanh nghiệp nhượng quyền nào cả và đây là cơ hội của SuperShip” - Thanh Hoài, CEO SuperShip.
Năm 2017, Thanh Hoài gọi vốn thành công từ Shark Tank Việt Nam. Trong 6 tháng đầu năm 2018, Thanh Hoài mở rộng mạng lưới với 10 đối tác nhượng quyền để kiểm tra hệ thống.
Số lượng đối tác nhượng quyền bắt đầu tăng mạnh vào năm 2019 với tốc độ 2 ngày 1 bưu cục.
Công nghệ là phương thức đưa SuperShip tham gia thị trường này, Thanh Hoài xây dựng một nền tảng quản lý xuyên suốt giữa các mạng lưới với nhau giúp kiểm soát luồng di chuyển của hàng hóa và dòng tiền.
Thế mạnh là người bản địa, am hiểu văn hóa kinh doanh Việt Nam đã giúp SuperShip có giá nhượng quyền rẻ hơn 70% so với các doanh nghiệp cùng ngành, từ 100-300 triệu đồng; tỉ suất sinh lời vào khoảng 7%/tháng.
Thời điểm đó, Thanh Hoài tin rằng rất nhiều đối tác muốn tham gia thị trường giao nhận thương mại điện tử vì nhìn thấy tốc độ tăng trưởng hằng năm của lĩnh vực này.
Tuy nhiên, họ không rành công nghệ, lại không có doanh nghiệp nhượng quyền vào thời điểm đó. Niềm tin này cho đến bây giờ vẫn đúng.
Có 3 yếu tố quan trọng trong lĩnh vực bưu cục là giá thành, thời gian giao nhận và tỉ lệ giao hàng thành công.
Bài học thất bại từ việc ôm khâu giao nhận một khu vực của một sàn thương mại điện tử trong những năm đầu tiên đã giúp Thanh Hoài hiểu rõ hơn việc phải làm.
SuperShip không thể hoàn thành cùng lúc cả 3 yếu tố với tiềm lực của mình, thay vào đó là linh hoạt đối với từng thị trường nhượng quyền và động thái của các doanh nghiệp khác.
Tập khách hàng cũng được điều chỉnh lại khi nhắm tới là các cửa hàng kinh doanh trực tuyến vừa và nhỏ thay vì các sàn như trước kia.
“Khi thị trường cạnh tranh nhau về giá, chúng tôi chuyển sang cạnh tranh về thời gian giao nhận và tỉ lệ giao hàng thành công”, Thanh Hoài cho biết.
Cho đến thời điểm hiện tại, SuperShip vẫn đang có những ưu thế nhất định khi J&T Express và Best Inc vẫn chưa tăng tối đa tỉ lệ cửa hàng nhượng quyền, cả 2 đang giữ tỉ lệ cửa hàng ở mức 50% và 20%.
Nhưng Thanh Hoài cũng không quan tâm nhiều vì với thị trường đang phát triển nóng như giao nhận, cạnh tranh là chuyện diễn ra thường xuyên.
“Tôi nghĩ mình phải đẩy nhanh các dự định, xây dựng một nền tảng vững để tạo giá trị cho đối tác, khách hàng và nâng cao chất lượng dịch vụ.” - Anh quan tâm nhiều đến chiến lược phát triển của công ty.
Theo Nhịp cầu đầu tư