Trừ Pharmacity, thì đứng sau 3 cái tên Long Châu – An Khang – Phano, chính là 3 ‘ông kẹ’ của nền kinh tế Việt Nam, lần lượt là FPT Retail – Thế Giới Di Động – Masan.
Còn ở mảng phân phối – bán sỉ, đột nhiên các công ty dược phẩm tầm trung và nhỏ trở nên có giá và được nhiều doanh nghiệp lớn hoặc mới nổi săn đón.
Bán lẻ thăng hoa
Long Châu
Thị trường dược phẩm đang chứng kiến cuộc đua tranh thú vị giữa 3 chuỗi là Pharmacity, Long Châu và An Khang.
Cuối năm 2021, Long Châu vượt mục tiêu 400 cửa hàng trải khắp 53 tỉnh thành và theo FPT Retail, Long Châu đã dẫn đầu thị trường chuỗi nhà thuốc bán lẻ với thị phần 45% theo thống kê từ các nhà cung cấp.
Pharmacity
Ra mắt thị trường vào năm 2011 và sau hơn 10 năm, chuỗi Pharmacity hiện đang dẫn đầu thị trường về số lượng cửa hàng.
Pharmacity đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ đạt mốc 5.000 nhà thuốc trên toàn quốc.
Mục tiêu của doanh nghiệp này mong muốn có thể hỗ trợ 50% người dân Việt Nam tiếp cận với một nhà thuốc trong vòng 10 phút di chuyển.
Pharmacity cũng đang tăng cường phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số để chuẩn bị cho việc mở rộng và triển khai nhanh hoạt động kinh doanh trực tuyến vào năm 2025.
Nhà thuốc An Khang
Sau khi đã chậm vài nhịp, mới đây Tập đoàn Thế Giới Di Động đã cho thấy quyết tâm chen chân vào ngành dược phẩm, bằng cách ồ ạt mở các cửa hàng An Khang tại các thành phố lớn.
Hiện An Khang có gần 300 nhà thuốc, Thế Giới Di Động đặt ra mục tiêu rất tham vọng là đến cuối năm nay An Khang có thể đứng vị trí top 3 của ngành dược cả về doanh thu lẫn số lượng cửa hàng.
Phano Pharmacy
Tất cả mọi người đều biết rõ, Phúc Long – Reddi – Techcombank vì sao lại đến với WinMart, còn Phano thì không.
Theo chia sẻ của ông Lê Việt Hưng – Tiến sĩ ngành dược kiêm Giám đốc phát triển kinh doanh của Phano rằng họ bắt đầu xây dựng chuỗi và đã triển khai mô hình nhượng quyền nhà thuốc đầu tiên tại TP.HCM vào năm 2016.
Ngoài ra, lúc đó, Ban lãnh đạo của Phano còn tiết lộ, họ mới là chuỗi nhà thuốc có doanh thu lớn nhất thị trường, nhưng không chia sẻ con số cụ thể.
Nguyên nhân đầu tiên là do đơn thuốc của họ luôn có giá trị lớn do tập trung bán thuốc theo toa bác sĩ.
Thứ hai, ngoài kênh B2C họ còn có kênh B2B khi phân phối cho các bệnh viện.
Về danh mục sản phẩm, họ có hơn 10.000 mã sản phẩm như thuốc kê toa và không kê toa, thực phẩm chức năng, trang thiết bị y tế, dược mỹ phẩm...
Với mục tiêu xây dựng nhãn hàng riêng, đạt biên lợi nhuận tốt hơn cũng như chủ động được danh mục sản phẩm, năm 2016, Phano đã bắt tay với Imexpharm thông qua việc nắm giữ 10% cổ phần công ty này
Khi Phano bắt tay với nhà sản xuất hàng đầu Imexpharm – đơn vị từng có kinh nghiệm gia công thuốc cho Novartis, Sandoz, CFR…; cả hai sẽ tạo ra được một quy trình khép kín về sản xuất – phân phối – bán lẻ.
"Chúng tôi không đua mở rộng chuỗi như các doanh nghiệp khác bởi chiến lược của Phano sẽ là đi chậm và chắc chắn.
Do những founder thành lập Phano đều là dược sĩ, chúng tôi rất chú trọng đào tạo chuyên môn cho những người trực tiếp bán hàng, nên cũng chẳng thể mở ồ ạt được. ", ông Lê Việt Hưng khẳng định.
Phano lại rất chú trọng mảng online, ngoài tự bán hàng trực tuyến trên website, đơn vị này còn hợp tác cùng eDoctor và Medigo (vào tháng 10/2021) phân phối thuốc online.
Phano Pharmacy còn có hệ thống tích điểm, thanh toán online linh hoạt, xây dựng tệp khách hàng thân thiết…
Nếu xét tổng thể, tiềm năng của Phano tốt hơn chuỗi Long Châu trước khi về tay FPT Retail hay An Khang trước khi đến với Thế Giới Di Động.
Do đó, việc Masan tự tin có thể đưa chuỗi này đua tranh trên thị trường dược phẩm, đồng thời có thể dẫn dắt thị trường, là có cơ sở.
Phân phối - Sản xuất cũng sắp bùng nổ
Để tạo cơ sở trong ngành dược, đồng thời hướng tới mục tiêu top 3 nhà phân phối dược phẩm trong năm 2025, Digiworld đã đầu tư vào Đại Tín Pharma vào nửa đầu năm 2021.
Cụ thể, Digiworld đã rót 8,9 tỷ đồng để mua 36,01% cổ phần tại CTCP Dược phẩm Đại Tín (Đại Tín Pharma) - nhà phân phối các thương hiệu dược phẩm, thiết bị y tế, thực phẩm chức năng và vật tư y tế.
Cùng với đó, Digiworld cũng đã cho Đại Tín Pharma vay 8,4 tỷ đồng với lãi suất 10,95%/năm.
Theo tìm hiểu, Đại Tín Pharma được thành lập từ tháng 12/2013, chuyên phát triển các sản phẩm về cơ xương khớp - tim mạch và chuyên phân phối dược tại nhiều bệnh viện.
Mới đây, theo chia sẻ của ông Nguyễn Hồ Nam – Chủ tịch Tập đoàn Bamboo Capital trong ĐHCĐ 2022 của doanh nghiệp, doanh nghiệp này vừa bỏ ra 40 tỷ đồng để mua lại 20% cổ phần của công ty dược phẩm Tipharco.
Cộng chung lượng cổ phiếu của BCG với lượng cổ phiếu mà các cổ đông lớn của BCG nắm giữ tại Tipharco vào khoảng 80%.
Vào tháng 3/2022, có thông tin là Louis Holdings đã mua 6,98 triệu cổ phiếu Dược Lâm Đồng để tăng sở hữu lên 65,3% và nắm quyền chi phối.