Xu hướng Quiet Quitting - “nghỉ việc trong im lặng” bắt nguồn từ đâu?
Không làm thêm giờ tối thứ Sáu, không tham gia xây dựng đội nhóm, chỉ làm ở mức 'bình bình'... là một vài biểu hiện của nhân viên 'nghỉ việc trong im lặng'.
Theo Urban Dictionary, Quiet Quitting là một hình thức nghỉ việc trong tâm trí trong đó người lao động chỉ làm đúng những việc được liệt kê trong mô tả công việc trong đúng thời gian được công ty và pháp luật quy định.
Họ sẽ không làm thêm giờ, không tham gia những hoạt động tập thể của công ty, và cũng không trả lời tin nhắn công việc ngoài giờ làm.
Dù việc người lao động thực hiện những điều trên là khá… bình thường trong các công ty, tổ chức, và quốc gia tôn trọng luật lao động, song nhiều tờ báo lại tỏ ra rằng đây là một xu hướng bất ngờ.
The Telegraph cảnh báo các doanh nghiệp rằng hợp đồng giữa họ và nhân viên đang ngày càng “dễ tổn thương” trong thời kỳ hậu đại dịch.
Thật bất ngờ rằng Quiet Quitting không bắt nguồn từ một đất nước tư bản chủ nghĩa như Mỹ và khối Tây Âu, mà phong trào này bắt nguồn từ Trung Quốc.
Cụ thể, Quiet Quitting - vốn đang bao phủ hàng triệu video trên mạng xã hội TikTok - được truyền cảm hứng từ phong trào tang ping, hay lying flat (nằm thẳng).
Tang ping bùng nổ trên các trang mạng xã hội Trung Quốc vào tháng 4 năm 2021 vừa như một lối sống, vừa như một phong trào xã hội.
Tang ping tuyên bố chống lại lối sống rat race (đường đua chuột) mà đất nước này theo đuổi sau cuộc Cải cách kinh tế Trung Quốc, hay cuộc mở cửa với nền kinh tế thị trường phương Tây vào năm 1978.
Xảy ra cùng thời gian với cuộc Đại từ chức ở Mỹ và các nước phương Tây do hậu quả của cuộc đại dịch COVID-19, tang ping lan toả với tốc độ khổng lồ và nhanh chóng bị cho là một phong trào nguy hiểm.
Phong trào bị dập tắt khi Trung Quốc lọc và cấm từ khóa này khỏi internet nội địa.
Giờ đây, với Quiet Quitting đang viral trên TikTok, tinh thần “nằm thẳng” hồi sinh trở lại ở quy mô toàn cầu.
Vì sao xu hướng Quiet Quitting trở nên phổ biến?
1. Mức độ hài lòng trong công việc của nhân sự đang lao dốc
Maria Kordowicz, phó giáo sư về hành vi tổ chức tại Đại học Nottingham, Anh cho biết sự gia tăng của "Quiet Quitting" (nghỉ việc trong im lặng) có liên quan đến sự sụt giảm đáng kể về mức độ hài lòng trong công việc.
Theo báo cáo về nơi làm việc toàn cầu năm 2022 của Gallup, chỉ có 9% người lao động ở Anh gắn bó hoặc nhiệt tình với công việc của họ, xếp thứ 33 trong số 38 quốc gia châu Âu.
Cuộc khảo sát nhân viên của NHS, được thực hiện vào mùa thu năm 2021, cho thấy trên thang điểm 10, tinh thần làm việc của mọi người đã giảm từ 6,1 xuống 5,8 và mức độ gắn bó của nhân viên giảm từ 7,0 xuống 6,8.
Ranjay Gulati, đang làm việc tại Trường Kinh doanh Harvard, đã mô tả nghỉ việc như một "sự suy nghĩ lại tuyệt vời", nơi mọi người đánh giá cuộc sống và lựa chọn của họ.
Natalie Ormond - một trong số những người đã nghỉ việc nói:
"Tôi từ bỏ công việc công tác xã hội 14 năm của mình vào tháng Chín năm ngoái. Tôi không được thúc đẩy để thăng tiến và cảm thấy tôi đang chỉ làm công việc của mình và không cố gắng làm tốt hơn thế".
Những người khác đã đạt được tham vọng của họ trong công việc cũng nhận ra đây không phải là những gì họ tìm kiếm cho cuộc đời.
Amie Jones bắt đầu sự nghiệp tiếp thị và trở thành giám đốc truyền thông của một tổ chức phi lợi nhuận vào năm 2017.
Cô từng liên tục phải nghe điện thoại vào cuối tuần, ngày lễ, vào 22h30 tối, dậy sớm và về khuya để theo kịp đồng nghiệp.
"Đó từng là công việc mơ ước của tôi. Nhưng bây giờ nói thế thật kỳ lạ".
2. Ảnh hưởng của đại dịch tạo ra "làn sóng đại nghỉ việc"
Trong đại dịch, mọi người bị ảnh hưởng vì kiệt sức bởi khối lượng công việc, thiếu cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
Điều này có thể dẫn tới việc ít hài lòng hơn trong công việc, thiếu nhiệt huyết và không muốn gắn bó.
Đó là lý do giờ đây ta có thể so sánh xu hướng "Quiet Quitting" giống "làn sóng đại nghỉ việc". Mọi người vẫn đi làm nhưng tâm trí không còn đặt vào công việc.
Kordowicz cho biết:
"Kể từ sau đại dịch, mối quan hệ của con người với công việc đã được nghiên cứu theo nhiều phương pháp. Các kết quả chỉ ra thái độ của nhân viên với công việc đã thay đổi".
Kordowicz nói nguyên nhân khiến Quiet Quitting bùng nổ do:
"Mọi người có cảm nhận về cái chết rõ hơn trong đại dịch… Công việc có ý nghĩa gì đối với tôi? Làm cách nào để tôi có thể thực hiện một vai trò phù hợp hơn với các giá trị của mình?'".
Cụm từ "đại nghỉ việc" được đưa ra vào tháng 5/2021 bởi phó giáo sư Anthony Klotz, thuộc chuyên ngành quản lý tại Đại học London (Anh), khi ông dự đoán hàng loạt nhân viên Mỹ sẽ từ chức vì kiệt sức.
Ranjay Gulati, làm việc tại Trường Kinh doanh Harvard (Mỹ), cho rằng bản chất của làn sóng này là mọi người cân nhắc lại những lựa chọn trong cuộc đời.
Các nhà quản lý nỗ lực tìm câu trả lời để hạn chế xu hướng "nghỉ việc trong im lặng" của nhân viên.
Các chuyên gia đồng ý rằng sẽ tương đối dễ dàng để phát hiện ra một người nào đó đang trong trạng thái "nghỉ việc trong im lặng".
Bởi vì, họ sẽ không nỗ lực như trước đây, cảm giác như đang tách khỏi các nhân sự khác và các tiêu chuẩn thông thường của họ đối với công việc thường sẽ giảm xuống.
Rachael Knappier, giám đốc dịch vụ của Croner đề xuất rằng các sếp nên nói chuyện với tất cả nhân viên.
Họ cần thảo luận về cách tốt nhất có thể giúp nhân viên cảm thấy được trân trọng và đánh giá cao ở nơi làm việc.
"Đối với một số người, những lời động viên thường xuyên có thể giúp ích rất nhiều. Những người khác có thể cảm thấy buồn chán và đang tìm cách thực hiện bước tiếp theo trong sự nghiệp và thử thách bản thân hơn nữa".
Cô ấy nhấn mạnh, họ cần phải đưa ra quan điểm rõ ràng rằng, công ty hợp tác nhân viên và làm việc để đưa ra một kế hoạch hiệu quả.
Rebecca Holt, đồng sáng lập và giám đốc của Working Mindset, cho biết chìa khóa để ngăn nhân viên rơi vào tình trạng "nghỉ việc trong im lặng" là đảm bảo rằng:
“Tất cả nhân sự đều đang tham gia vào công việc của họ và công việc đó mang lại mục đích và ý nghĩa cho mọi người. Nhân viên cần cảm thấy là một phần của bức tranh lớn hơn, có quyền tự chủ và kiểm soát, đồng thời cảm thấy an toàn về mặt tâm lý - tất cả những điều này tạo nên một ngày làm việc năng suất và hiệu quả".
Gần đây, nhiều công ty cũng đang cố gắng tạo ra môi trường làm việc thoải mái.
Họ cũng thiết kế những văn phòng đầy màu sắc, cung cấp đồ ăn, uống miễn phí, thay đổi hình ảnh công ty trẻ trung, năng động... và nhấn mạnh thông điệp về sứ mệnh và mục đích.
Lời kết
"Quiet Quitting" không phải là hiện tượng mới, chúng vẫn âm thầm diễn ra bởi luôn tồn tại những giai đoạn người lao động chán nản, muốn nghỉ việc.
Nhưng để bùng phát thành một trào lưu là một chuyện đáng lo ngại.
Các doanh nghiệp và các nhà quản lý cần đề ra nhiều giải pháp để hỗ trợ nhân sự trong việc cân bằng cuộc sống và công việc.